Các chứng bệnh như tâm thần phân liệt, mất trí nhớ… có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng cho tinh thần con người. Tuy nhiên, một số bệnh nhân lại có thể phục hồi trí nhớ và trở nên minh mẫn trong giờ phút hấp hối. Đây được gọi là “hồi quang phản chiếu”.
Xét theo lẽ thường, mức độ tổn thương não của những người này nghiêm trọng hơn bao giờ hết, tuy nhiên sự hoàn chỉnh và mạch lạc trong suy nghĩ của họ lại rất đáng kinh ngạc.
Một người thậm chí không thể nhớ tên mình trong nhiều năm có thể đột nhiên nhận ra gia đình mình và nói chuyện với họ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tại sao lại như vậy? Không ai trong giới y học có thể giải thích được.
Phục hồi ý thức một cách kỳ lạ trước khi qua đời
Trong một bài báo viết cho tạp chí Time, tiến sĩ y học Scott Haig đã mô tả sự phục hồi ý thức trước khi qua đời của David – một bệnh nhân trẻ tuổi mắc căn bệnh u não.
Vài tuần trước khi mất, David không thể nói và hoạt động, chụp CT cho thấy não của anh ta bị khối u xâm lấn hoàn toàn, không thấy đại não ở đâu nữa. Nhưng vào đêm David chết, anh ta hoàn toàn tỉnh táo trong 5 phút để nói lời từ biệt với người nhà.
Haig nói: “Thứ đánh thức David dậy để nói lời từ biệt với gia đình không phải là đại não của anh ta. Đại não của anh ta đã bị hoại. Khối u di căn không chỉ là chiếm cứ không gian, vừa ép lên đại não, vừa giữ cho đại não trông như không bị tổn hại gì, nhưng trên thực tế, nó đã thay đổi tổ chức của bộ não…đại não đã bị biến mất rồi”.
“Điều khiến bệnh nhân phục hồi chỉ là ý thức của cậu ta, ý thức đó mạnh mẽ vượt qua đại não đã bị hư hoại. Đây là hành động cuối cùng của một người để an ủi gia đình”.
Theo quan điểm của Haig, sự thật rõ ràng đã chứng minh “ý thức tồn tại độc lập với đại não”. Một số người vẫn đang tìm kiếm những nguyên nhân sinh lý để giải thích, trong giới y học, loại hiện tượng này vẫn thường được gọi là “hồi quang phản chiếu” (terminal lucidity).
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia và Đại học Iceland, Mỹ đã cùng đưa ra một bài nghiên cứu “Terminal Lucids: A Review and a Case Collection” (Hồi quang phản chiếu: Hồi tưởng và phản chiếu), trong đó đề xuất rằng các loại trạng thái sinh lý của những người “hồi quang phản chiếu” không thể nào dùng những cơ chế đơn giản mà giải thích được.
“Trước mắt, chúng tôi cho rằng không thể sử dụng một cơ chế chính xác để làm rõ hiện tượng hồi quang phản chiếu”, ba vị tiến sĩ Michael Nahm, Bruce Greyson và Emily Williams Kelly của Đại học Virginia và Tiến sĩ Elendur của Đại học Iceland đã viết.
“Trên thực tế, những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần khác nhau có thể có quá trình ‘hồi quang phản chiếu’ khác nhau, nguyên nhân gây bệnh sẽ quyết định điều đó. Ví dụ, bệnh nhân bị đau lâu dài vì ‘cachexia’ (triệu chứng mệt mỏi và sụt cân cực độ), mô não có thể co lại, từ đó làm giảm áp lực do tổn thương chiếm không gian bên trong hộp sọ, và mang lại sự phục hồi thoáng qua của chức năng não”.
Ý thức tồn tại độc lập với đại não
Một số chuyên gia cũng chỉ ra: “Đối với một số bệnh nhân không thể duy trì sự sống, huyết áp sẽ về 0 trước khi chết và hoạt động sóng não tức thời của họ có thể hoạt động mà không thể giải thích được.
Mặc dù không có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy những bệnh nhân này là có nhận thức trước khi chết, nhưng kết quả cho thấy, các dây thần kinh trong trạng thái nguy cấp có thể phức tạp hơn so với nhận thức truyền thống”.
Ngay cả khi một số vùng não nhất định được kích hoạt lại do giải phóng áp lực hoặc điện năng, khó có thể tưởng tượng rằng một đại não bị tổn thương nghiêm trọng (hoặc gần như không tồn tại) lại có thể khiến con người nhớ lại và giao tiếp liên tục.
Trong một số trường hợp, toàn bộ ý thức dường như đã hồi phục. Trong các trường hợp “hồi quang phản chiếu”, làm thế nào một đại não bị hư hỏng lại có thể truyền tải được ý thức hoàn chỉnh như vậy?
Các nhà nghiên cứu còn cho biết, hiểu được “hồi quang phản chiếu” sẽ hữu ích cho việc hỗ trợ điều trị lâm sàng. Ví dụ, bác sĩ người Áo Julius Wagner-Jauregg (1857 – 1940) chỉ ra rằng các triệu chứng rối loạn tâm thần đôi khi được giảm bớt do sốt cao. Sau đó, ông đã sử dụng liệu pháp sốt để điều trị chứng mất trí nhớ tê liệt (còn được gọi là viêm màng não giang mai, một chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng não) và giành giải thưởng Nobel về Y học.
Alexander Batthyany, giáo sư khoa học tại Đại học Vienna, vẫn luôn theo đuổi nghiên cứu về “hồi quang phản chiếu”. Ông đã gửi một bảng câu hỏi cho 800 nhân viên điều dưỡng, và chỉ có 32 người trong số họ trả lời ông. 32 người này tổng cộng đã chăm sóc 227 bệnh nhân cao tuổi mắc chứng mất trí nhớ (bệnh Alzheimer) và khoảng 10% trong số họ đã hồi phục ngắn trước khi chết.
Tuy nhiên, Batthyany cũng nhấn mạnh rằng, những nhân viên điều dưỡng này đều chủ động phản hồi, về cơ bản họ đã chứng kiến hiện tượng “hồi quang phản chiếu” của bệnh nhân. Còn tỷ lệ phản hồi thấp của những người được điều tra, có thể đồng nghĩa rằng hiện tượng này là hiếm gặp. Tuy nhiên, đối với một số nhân viên điều dưỡng mà nói, những trải nghiệm như vậy đã có tác động rất lớn đối với họ.
Nhật Hạ (Theo Secretchina)