Ngày nay, khi nhìn thấy một bé trai mặc váy thì thường người ta sẽ trêu chọc cậu bé, nhưng bạn có biết vào thời Nữ hoàng Victoria thì đây lại là việc hết sức bình thường. Tại sao như vậy?
Người ta nói rằng quần áo làm nên một người đàn ông. Dù điều này có đúng hay không, thì thực tế chúng ta và cả xã hội đều ý thức được rằng: Khi nhìn thấy ai đó thì quần áo luôn là thứ được mọi người chú ý đầu tiên.
Chúng ta phải thừa nhận là con người có thói quen đánh giá một người khi nhìn cách ăn mặc của họ. Theo một cách nào đó, việc đánh giá một người qua cách ăn mặc đã trở thành quy tắc bất thành văn. Vì vậy, nếu bạn muốn gây ấn tượng đầu tiên thật tốt, bạn phải trông thật gọn gàng.
Khi nói đến quần áo, hầu hết chúng ta thường bị giới hạn trong các tiêu chuẩn và nguyên tắc nhất định. Nó bao gồm cả quan niệm quần áo xác định giới tính. Đây được xem là một sự phân biệt khá phổ biến.
Ví dụ, chúng ta thường tạo ra một nhóm các màu sắc khuôn mẫu liên quan đến giới tính như: màu xanh cho bé trai, hồng cho bé gái. Hoặc chúng ta xác định một số loại quần áo sẽ phù hợp với nam giới hoặc nữ giới.
Phụ nữ có thể thoải mái lựa chọn mặc váy cho thoải mái hay mặc quần jean trông năng động mà không bị đàm tiếu. Nhưng riêng với những người đàn ông “thực thụ” thì việc mặc váy sẽ gây sốc.
Tuy nhiên, nếu bạn là một cậu bé sống trong thế kỷ 19 thì việc mặc váy lại không hề kỳ lạ, thậm chí nó còn rất phổ biến.
Bạn không đọc nhầm đâu, trong thời Nữ hoàng Victoria, chế độ gia trưởng là quy tắc tiêu chuẩn được áp dụng, vai trò giới tính đã được phân chia một cách rõ ràng, nhưng trẻ em lại là một trường hợp ngoại lệ.
Theo nhiều tài liệu, tranh vẽ và hình ảnh, những đứa tre dưới 7 tuổi thường không được cha mẹ chú ý quá nhiều đến việc phân định giới tính trong cách ăn mặc. Quần áo của các bé trai và bé gái gần như giống nhau và không thể phân biệt.
Vì vậy, nếu bạn bắt gặp hình ảnh của một cậu bé mới sinh thời Victoria mặc váy, bạn sẽ dễ nhầm lẫn đó là con gái.
Ngay cả những người nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 như nhà văn Ernest Hemingway và Tổng thống thứ 32 của Mỹ – Franklin D. Roosevelt lúc nhỏ cũng được chụp ảnh trong những bộ đồ trung tính.
Nhiều người ngày nay xem việc để bé trai mặc váy là rất đặc biệt và cảm thấy như vậy quá ẻo lả, nhưng lời giải thích cho hiện tượng này thật ra rất đơn giản và có phần thực dụng.
Bạn hãy tưởng tượng mình là cha mẹ của những đứa trẻ trong thời đại mà khóa kéo và chụp ảnh nhanh vẫn chưa được phát minh. Đây cũng là thời kỳ mà những bộ quần áo được thiết kế quá phức tạp, với rất nhiều phụ kiện kèm theo, khiến cho các em bé không thể tự mình mặc quần áo.
Vậy bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tốn nhiều thời gian để giúp con mặc quần áo? Không, các bậc cha mẹ thời Victoria đã có một phương pháp khả thi hơn, hiệu quả hơn rất nhiều.
Họ sẽ cho cậu bé mặc váy để giúp mọi hoạt động trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn. Ngay cả trong lúc chúng tiểu hoặc đại tiện họ vẫn có thể thay miếng lót bên trong, mà không cần phải cởi quần áo chúng ra. Cha mẹ chỉ cần nhấc váy lên là là xong.
Ngoài ra, sự linh hoạt của trang phục còn giúp nó phù hợp với những đứa trẻ dưới 7 tuổi.
Qua độ tuổi này các chàng trai sẽ bước sang “độ tuổi của lý trí”. Điều đó có nghĩa là việc mặc váy sẽ không còn cần thiết. Đối với các gia đình, đây chính là nguyên nhân ra đời lễ kỷ niệm “Breeching”, còn gọi là “Lễ mặc quần”, đánh dấu ngày các bé trai trở thành đàn ông.
Lúc này các cậu bé sẽ được cắt tóc và lần đầu tiên được mặc quần. Sau đó, những “chàng trai” này sẽ đi vòng quanh khu phố, khoe quần áo mới cho mọi người xem.
Uniwriter, theo VTN