Trong phòng khách, con trai đang gọi điện thoại cho bạn học. Vừa mới bắt đầu, giọng nói có chút gì lạ lẫm: “Mình không có cảm giác hạnh phúc, sao có thể cười được, cuộc sống thật là khổ…”. Tôi nghe thoáng qua, tự nhiên cảm thấy rùng mình…
Trong lần họp phụ huynh lần trước, cô giáo nói con trai đang trở nên cực đoan, mỗi lần làm văn đều bi quan tiêu cực, cũng không muốn ca ngợi người khác, trong lòng cũng không bao dung với người khác. Lúc ấy, tôi chỉ biết cười trừ, cho rằng con mình đang trong thời kỳ trưởng thành nên có chút kỳ quặc, qua giai đoạn này sẽ tự nhiên tốt hơn. Giờ đây nghĩ lại mới thấy con mình thật sự cũng không vui vẻ gì.
Giày hàng hiệu, xe đua đời mới, máy chơi game, thức ăn ngon, thành tích học tập đứng top 3 ở lớp, cha mẹ bạn bè luôn quý mến… Nếu những điều này đều không thể gọi là hạnh phúc, như vậy, thứ hạnh phúc mà con muốn là gì đây?
Đợi đến buổi cơm tối, cuối cùng tôi không nhịn được mới hỏi con. Con trai cười khổ sở trả lời: “Có thể như đứa bạn con, không cần học bài, mỗi ngày chơi bi-a; có thể như ngôi sao ca nhạc, một đêm là thành danh, có hàng ngàn người hâm mộ theo đuổi; có thể mua vé số 2 đồng, mà lại trúng được giải thưởng 20 triệu, từ nay về sau mẹ sẽ không phải vất vả khó nhọc nữa rồi”.
Tôi nghe xong không khỏi nghẹn họng, nhìn trân trối. Hạnh phúc mà con trai muốn, ước chừng chỉ có Thượng đế toàn năng mới hoàn thành được thôi.
Trong điện thoại, tôi than phiền với chồng, bực bội oán trách ảnh hưởng không tốt của truyền thông hiện nay đối với con trẻ, cũng oán trách chồng quanh năm ở bên ngoài, không giúp được tôi chăm sóc con cái. Chồng tôi cười rồi nói: “Ngược lại, anh cảm thấy những lời của con nói nghe rất quen tai, phảng phất giống như những gì ai đó hay nói trong nhà vậy”.
Đột nhiên, tôi khựng lại, nói như vậy chẳng phải là những gì tôi thường nói hay sao? Một hai năm gần đây, sau khi tan ca, tôi về nhà, vừa mở cửa đã lao vào bếp với vẻ mặt khổ sở. Ăn cơm tối xong, lại bắt đầu tán gẫu với bạn bè qua điện thoại, nói từ chuyện khó khăn của một công chức nhỏ nhặt, cho đến chuyện mệt mỏi của một người phụ nữ gia đình.
Nói xong đủ thứ khổ sở thì ngày đó cũng xem như bàn giao hoàn tất. Ngày qua ngày, năm tiếp năm, đã hình thành nên một người phụ nữ chất chứa đầy oán giận, ắt hẳn đã làm hư mất đôi tai của đứa con trai bé nhỏ mất rồi, trong lúc vô ý, còn đem hết những hậm hực cuộc sống mà chuyển giao cho con.
Một người mẹ không có cảm giác hạnh phúc, làm sao có thể nuôi dưỡng được một đứa con có cảm giác hạnh phúc chứ? Nếu không có chút gì vui vẻ trong tâm, vậy thì tương lai của một đứa trẻ sẽ trở nên như thế nào? Ân hận, thật sự ân hận thấu trong tim, nếu như thời gian có thể quay trở lại, bất luận điều gì xảy ra tôi cũng sẽ không trở thành một “người mẹ oán hận” như vậy nữa. Cũng may là vẫn còn kịp, tôi muốn cho đứa con thân yêu nhìn thấy một người mẹ mới.
Quá trình thay đổi hình tượng của tôi bắt đầu như thế đó. Tôi tự nhắc nhở bản thân: “Trước khi bước vào nhà, dù mệt thế nào cũng phải xoa xoa mặt, trước hết là một nụ cười ôn hòa; lúc rửa rau nấu cơm, không được phép than thở; sau bữa cơm, không kè kè điện thoại bên mình, mà chỉ ở bên con”.
Hai mẹ con xuống sân vận động dưới lầu đánh bòng bàn, cả hai kỹ thuật đánh đều rất vụng về, tôi cười trừ nói động tác của con giống “bổ dao phay”, con trai cười bảo tư thế đánh cầu của tôi giống “gấu trúc thắp hương”. Một cú cầu không tiếp được, rơi thẳng lên đùi, tôi gọi đây là “cú đánh đùi”, con trai lại khăng khăng cho rằng đó là “hoa hướng dương điểm huyệt đùi”.
Cứ thế, cả hai mẹ con tràn ngập niềm vui, ngay cả anh quản lý sân cạnh bên cũng cười ngặt nghẽo, chảy cả nước mắt. Mồ hôi đầm đìa, nhẹ nhõm cả người, thật khác xa với cảm giác khi ngồi dính vào ghế salon, kè kè điện thoại kể khổ kể mệt với bạn bè nhiều lắm.
Cách vài ngày sau, bạn bè trách móc tôi, hỏi tại sao lại liên tục không nhận điện thoại, dồn nén một đống khổ sở đem ra kể lể với tôi. Tôi liền cười sảng khoái không ngừng, chỉ cho bạn cách đem những khổ sở đắng cay biến thành mồ hôi, lại khiến cái bụng thừa mỡ chứa đầy oán khí có cơ hội xẹp bớt.
Tôi nghiêm túc nói với bạn: “Một người mẹ vui vẻ như ánh mặt trời, chính là thiên đường nở đầy hoa và chim hót; bất kỳ ai cũng không có tư cách gì gieo vào lòng đứa con thân yêu những hạt giống màu xám xịt”.
Tôi đang tràn ngập hăng hái, đột nhiên nhận được một tin không vui. Việc xét duyệt thăng chức của tôi không được thông qua, tuy nhiên người có điểm số thấp hơn tôi lại qua được. Đây là một nỗi ấm ức khó mà nuốt trôi cho được, đang lăm le biến tôi trở lại nguyên hình, trở lại thành “người mẹ oán hận” trước đây.
Thế nhưng, tôi chợt nghĩ đến con trai. “Khi con lớn lên, tương lai cũng có thể gặp những vấn đề như thế; vậy thì, nếu như mình dạy cho con gặp chuyện chỉ biết oán trách, thế thì tương lai sau này sao con trai có thể trở nên lạc quan trước mọi khó khăn đây?”
Vì thế, tôi lại cắn chặt răng, dù khó hơn nữa cũng sẽ kiên trì. Tôi không giận không oán, vẫn cố gắng làm việc như cũ. Có người nói với tôi về việc này, tôi cởi mở mỉm cười, tỏ vẻ không muốn bình luận gì hết, năm sau vẫn còn có cơ hội mà.
Vừa đúng lúc tôi và con trai đều bị cảm, cấp trên trẻ tuổi của tôi đã mua trái cây và một ít thực phẩm dinh dưỡng đích thân đến nhà thăm hỏi. Vốn dĩ tôi và cô ấy có hiềm khích với nhau, cũng có đồng nghiệp ám chỉ với tôi rằng sự việc xét thăng chức lần này là do cô ấy muốn phá tôi.
Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi đã quyết định rằng trước mặt con trai sẽ làm một người mẹ rộng lượng, chính trực. Tươi cười chân thành, lời nói thẳng thắn, cả phòng thơm ngát trà hoa nhài, chúng tôi chân thành nói chuyện với nhau, hiềm khích trước giờ bỗng tiêu tan. Khách ra về rồi, tôi nhìn thấy ánh mắt khâm phục của con. Tôi biết rõ, trong mắt con, tôi không phải là một người mẹ hẹp hòi, nhỏ nhặt.
Con trai mãn nguyện nói cho tôi biết: “Thật ra, con luôn hy vọng nhà của mình có thể ấm áp như bây giờ; hồi trước thật kinh khủng, hở chút là nghe mẹ kể khổ, như là bị đốt hai tay, choáng váng đầu, rất buồn bực”.
Tôi cũng cười bảo: “Đề phòng cơn nghiện kể khổ tái phát, mẹ sẽ bắt tay vào việc thanh lý điện thoại trước, đem nguyên dàn ‘khổ hữu’ (bạn bè kể khổ) xóa hết cho xong; nếu như bất quá lại có người đến ‘quấy nhiễu’, mẹ sẽ nói với họ ‘Một đời một kiếp, chỉ có được một đứa con, ngày ngày cho chúng xem cái mặt khổ sở, nghe chuyện khổ sở, vậy thì lấy đâu ra cảm giác hạnh phúc; biển khổ vô biên, nhanh nhanh quay đầu là bờ thôi'”. Con trai vừa nghe xong vô cùng vui sướng, chạy thẳng đến làm mặt hề với tôi.
Thanh lý xong dàn “khổ hữu”, lại dành được một đống thời gian
Tôi và con trai nghe nhạc: “Ráng chiều đuổi mây”, “Giang Nam buổi sớm mùa xuân” của Cổ Lão, “Sáng mai”, “Đêm trong rừng sâu” của Bandari, những giai điệu làm cho tâm hồn chúng tôi toát lên hương thơm của hoa lá. Hòa vào trong âm nhạc, chúng tôi dường như đụng đến được cánh cửa mặt trời.
Chúng tôi cùng đi công viên xem hoa nở, mỗi một cơn gió đều là những cơn gió hoa; mỗi một cơn mưa, đều mang đến hương hoa. Tôi cùng con trai đều kinh ngạc tán thán, mỗi đóa hoa, đều là một khuôn mặt óng ánh. Con trai viết trong tập làm văn: “Chúng tôi biến những tháng ngày thành thơ”. Những lời bình của cô giáo, càng làm cho tôi sung sướng: “Một đứa trẻ có cảm giác hạnh phúc, mới có thể viết ra những câu hạnh phúc như thế này”.
Chúng tôi lái xe đến vùng ngoại ô. Sáng sớm tháng Sáu, cỏ xanh tươi mát, lúa trổ vàng rực, kiến đi thành hàng trên bờ ruộng; dường như có gì đó được đánh thức nhẹ nhàng, phải chăng là… cảm giác hạnh phúc?
Con trai ngồi trên chạc cây, hát vang vang, hát đến mấy lần những bài hát con biết. Vốn dĩ niềm vui có thể lây lan, tôi cũng cười vui rộn ràng, chợt phát hiện một điều rằng những bài hát tươi vui đều dễ nghe, chỉ cần con trai vui vẻ thì đều có thể hát.
Trình độ đánh bóng bàn của con trai đã bắt đầu ra hình ra dáng, mà tôi cũng có thể chạy 800m rồi. Những lần hai mẹ con bị cảm triền miền bỗng nhiên không còn thấy tăm hơi. Kỳ nghỉ ngày 01/05 dài hạn, chồng cũng về nhà nghỉ ngơi. Lúc trước, chỉ chờ đến thời điểm này, tôi sẽ quen thói lải nhải, phàn nàn những vất vả khi một mình chăm sóc con, cứ như thế mãi cho đến khi hai người bọn họ, một lớn một nhỏ cúi đầu chịu tội, tôi cũng vẫn còn chưa nói hết.
Giờ đây, tôi đã trở thành một người mẹ vui tươi hoàn toàn mới. Chúng tôi cả nhà ba người, đạp xe đạp, đến các nơi phúc lợi làm việc thiện. Một năm trước dù rằng trong đầu đã có ý tưởng làm việc này, thế nhưng tâm tình không tốt cho nên nghĩ thế nào cũng vẫn để trong đầu mà thôi.
Bên cạnh, chồng vừa ngâm nga hát vừa sửa chữa chiếc máy giặt ở viện phúc lợi; còn tôi đang giúp một cụ già gội đầu rửa chân, trong lòng vui sướng vô hạn. Con trai đang đứng trước cửa viện, biểu diễn cho các cụ tiểu phẩm “Cảnh sát và tên ăn trộm” của Trần Bội Tư. Một mình anh chàng đảm nhận nhiều nhân vật, lúc là cảnh sát, lúc lại là ăn trộm, nhiều lúc còn quên kịch bản, thậm chí còn lộn lung tung cả lên, cũng may mọi người ai cũng quen thuộc nội dung câu chuyện, tiếng cười cùng tiếng vỗ tay vang lên không dứt.
Một cụ già tóc trắng như sương, dùng ngôn ngữ của người câm điếc nói với tôi. Dù không hiểu được bà muốn nói gì, chỉ thấy ánh mắt yêu thương nồng ấm của bà. Một cô bé cùng làm công ích giải thích: “Bà nói, thật là một đứa trẻ ngoan, giống như một bông hoa được nhận đầy đủ ánh nắng mặt trời, cô là một người có phúc”.
Con trai xuống khỏi sân khấu, kéo áo cô bé kia năn nỉ bảo rằng muốn học ngôn ngữ của người câm điếc. Trước khi chia tay, con trai có thể dùng động tác vụng về của mình, nói với với cụ: “Cụ cũng là một đóa hoa, là một đóa hoa sen tuyết, cháu thích cụ”. Gió tháng Năm lướt nhẹ qua ruộng lúa mạch, đôi mắt từng chứng kiến bao nhiêu thế sự xoay vần, thoáng chốc trở nên sáng long lanh. Bà vui sướng nháy mắt mấy cái, hợp lại hai tay, đưa ra một ngón tay cái hướng đến tôi.
Dưới ánh mặt trời, ngôn ngữ ấm áp của một người câm điếc, dường như đã động đến tận sâu thẳm trong tâm của tôi, chợt thấy như hoa nở, rộ khoe sắc màu hạnh phúc…
Mai Mai