Tinh Hoa

Hạn hán nghiêm trọng có thể chính là nguyên nhân làm biến mất nền văn minh Maya

Nền văn minh Maya có thể biến mất do một đợt hạn hán là thông tin thu được khi các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu hang động Blue Hole.

Khi nghiên cứu khoáng vật thu từ hang động dưới nước nổi tiếng là Blue Hole ở Belize, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng của một đợt hạn hán khắc nghiệt xảy ra từ năm 800 – 900, tương ứng với khoảng thời gian nền văn minh Maya sụp đổ. Do đó, rất có khả năng trận hạn hán đã góp phần dẫn đến sự biến mất của nền văn minh cổ đại này.

Nền văn hóa Maya trải dài trên một vùng rộng lớn thuộc lãnh thổ của phía nam Mexico, Belize, Honduras, El Salvador, Guatemala ngày nay và phát triển mạnh mẽ trong vòng 2.000 năm. Người Maya đã đạt những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực khoa học, thiên văn học, toán học, hệ thống chữ viết, lịch và các công trình xây dựng đồ sộ. Các thành phố, như Tikal tráng lệ, được cai quản bởi một tầng lớp thống trị có thể chỉ huy những đội quân hùng mạnh.

Tuy nhiên, chỉ sau một thế kỷ từ khoảng TK 8, các thành phố bắt đầu bị bỏ hoang trong đống đổ nát.

Không phải toàn bộ người Maya đều hoàn toàn biến mất, nhiều người đã di cư lên phía Bắc và những khu vực như miền bắc Yucatán ở Mexico, các quốc gia K’iche’ và Kaqchikel ở vùng cao nguyên, rồi phát triển thịnh vượng sau đó. Tuy nhiên nền văn minh Maya chưa bao giờ thực sự phục hồi và chỉ một bộ phận nhỏ người Maya còn sống sót đến TK 16 để đối mặt với các chinh tướng Tây Ban Nha.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh Maya từ lâu đã là đề tài tranh luận giữa các nhà khoa học và sử gia. Vô số giả thuyết suy đoán được đưa ra, từ sự săn bắt quá mức cho đến sự xâm lăng của nước ngoài, biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, hạn hán, dịch bệnh, nông dân nổi dậy và thậm chí là do những yếu tố siêu nhiên.

Những bằng chứng của giả thuyết hạn hán được đưa ra trong những năm gần đây. Năm 2012, một nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học phát hiện sự suy giảm nghiêm trọng về lượng mưa kết hợp với tốc độ tàn phá rừng nhanh chóng đã từng xảy ra.

Cùng năm đó, một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Science đã phân tích một măng đá 2.000 năm tuổi từ một hang động ở Belize và nhận thấy thời điểm lượng mưa suy giảm trùng với thời gian nền văn hóa Maya sụp đổ.

Giờ đây, một nghiên cứu mới được tờ Live Science đăng tải đã củng cố thêm suy đoán này.

Các nhà nghiên cứu đã khoan các lõi trầm tích ở hang Blue Hole tại Belize, cũng như một số đầm phá gần đó. Các lõi trầm tích chứa đựng thông tin về mức độ lượng mưa trong những năm đã qua. (Ảnh BigStockPhoto)

Trong suốt thời gian diễn ra mưa bão, nước tràn ra từ các sông suối vượt qua các con đê chắn rồi lắng thành những lớp mỏng tại bề mặt các đầm phá. Từ đó, toàn bộ trầm tích này đọng xuống đáy đầm, chồng chất lên nhau và tạo thành một biên niên sử khí hậu“, tờ Live Science viết.

Kết quả cho thấy một trận hạn hán khắc nghiệt đã xảy ra vào khoảng năm 800 và kéo dài hơn 1 thế kỷ, ngay đúng thời điểm văn minh Maya sụp đổ. Sau khi những cơn mưa trở lại, cộng đồng người Maya đã di dời lên phía Bắc và tạo nên những nơi như Chichen Itza ở Mexico. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy, trong khoảng thời gian năm 1.000 – 1.100, một trận hạn hán khác đã xảy ra, và điều này tương ứng với sự tan rã của Chichen Itza.

Như vậy, theo giải thích của giới chuyên gia, trận hạn hán cũng có thể đã góp phần dẫn đến sự biến mất của nền văn minh Maya cổ.

Hồ Duyên – Theo Ancient  Origins