Tinh Hoa

Hà Nội thời bao cấp qua ống kính người Anh

‘Hà Nội sau chiến tranh’ là cuốn sách 150 trang gồm 100 bức ảnh đen trắng về cuộc sống của người dân Hà Nội thời kỳ nghèo khó sau những tàn phá của chiến tranh. Tác phẩm vừa được cho ra mắt vào tháng 8/2018.

Một chuyến xe buyt. (Ảnh: John Ramsden)

Tác giả cuốn sách ‘Hanoi After the War’ là John Ramsden. Ông là một nhà ngoại giao Anh làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1982.

Với ham mê nhiếp ảnh, ông đã ghi lại được những bức ảnh tư liệu quý giá về đời sống của người dân tại thủ đô mà các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất vẫn tiếp tục được phân phối theo chế độ tem phiếu thời bao cấp.

Những bức ảnh của ông Ramsden giúp thế hệ trước sống lại hồi ức những năm tháng sau chiến tranh và giúp các thế hệ sau được “tận mắt” hình dung cuộc sống mà họ từng được nghe cha mẹ, ông bà kể lại.

–**–

Cảnh phụ nữ, với những chiếc nón truyền thống mà ngày nay không mấy phụ nữ Hà Nội còn đội, xếp hàng dài trước cửa hàng rau mậu dịch hay cửa hàng gạo; tình trạng thiếu nước sinh hoạt hàng ngày được ghi lại qua hình ảnh những chiếc thùng sắt xếp rồng rắn chờ tới giờ nước máy chảy để hứng về nhà.

Một buổi giới thiệu sách ở sứ quán Việt Nam tại London tháng 9/2018. (Ảnh qua BBC)

Chế độ phân phối mua hàng thời bao cấp cũng được thể hiện khá rõ nét qua những bức ảnh những chiếc lốp xe đạp được treo tại cửa hàng chuyên chỉnh sửa kích cỡ lốp (vì lốp được bốc thăm mới được mua lại có chu vi to hơn vành xe của mình); hay hình ảnh người ngồi đầu đường bơm xe đạp kiếm sống.

Ngày đó vẫn còn những cửa hàng bán nước sôi – một điều chắc hẳn rất lạ với người phương Tây, do tình trạng thiếu chất đốt nên mang phích đi mua nước sôi (được đun bằng bếp than) sẽ rẻ hơn tự đun tại nhà bằng bếp dầu hoả mua theo tiêu chuẩn tem phiếu.

Thời bao cấp đã xa. (Ảnh: John Ramsden)

Hà Nội vào những năm đầu 1980 không thể thiếu hình ảnh chiếc tàu điện cửa sổ và cửa lên xuống trống hoác hay cả gia đình bốn người đèo nhau trên một chiếc xe đạp Thống Nhất, hoặc cảnh hành khách bám cửa xe buýt đông đúc – bức ảnh được tác giả chọn làm ảnh bìa.

Ông John Ramsden cho biết ông thường dùng thời gian rảnh rỗi đi bộ quanh Hà Nội với chiếc máy ảnh của mình và tất nhiên khi chụp ảnh thường phải khá kín đáo, không muốn gây chú ý vì ngày đó có rất ít người phương Tây tại Hà Nội.

Mọi tiếp xúc đáng kể nào với người dân đều không được phép tuy nhiên ông có thể tự do đi lại trong thành phố hay vùng ngoại ô Hà Nội.

Với con mắt của một người nước ngoài, những bức ảnh của ông đã ghi lại được những góc độ khác nhau của một Hà Nội thời hậu chiến, người dân kiếm sống bằng các nghề thủ công như cưa gỗ làm đồ chơi bán ở góc phố Tô Tịch, hay buôn bán nhỏ như mua bán, gánh hàng rong ở Chợ Đồng Xuân. Và cả những bức ảnh vùng ngoại ô Hà Nội thanh bình, các đền chùa tĩnh lặng thời kỳ đó đã giúp người xem biết về một thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh và chưa chịu ảnh hưởng của toàn cầu hoá.

Người dân kiếm sống bằng các nghề thủ công như cưa gỗ làm đồ chơi bán ở góc phố Tô Tịch. (Ảnh: John Ramsden)

Mỗi bức ảnh đen trắng đều có lời giới thiệu của sử gia Dương Trung Quốc bên cạnh những kỷ niệm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà biên kịch kiêm nhà báo Phạm Tường Vân và sử gia, cựu Giám đốc Viện Tư liệu Quốc gia Vũ Thị Minh Hương, giúp người xem, nhất là độc giả quốc tế, hiểu thêm về bối cảnh của thời kỳ đó.

Phòng thu của Bùi Xuân Phái. Vì không chịu theo “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” và đã dành phần lớn cuộc đời của mình trong nghèo đói cấp tính. (Ảnh: John Ramsden)
Một nhà máy gạo ở trung tâm của Hà Nội. (Ảnh: John Ramsden)
Toàn bộ nền kinh tế phát triển xung quanh xe đạp. (Ảnh: John Ramsden)
Biểu hiện của người mẹ trẻ nói lên tất cả. (Ảnh: John Ramsden)
Một tải tre. Tre được thả xuống sông để sử dụng làm giàn giáo trên nhiều địa điểm xây dựng của thành phố. (Ảnh: John Ramsden)

Lần đầu tiên những bức ảnh này được giới thiệu với công chúng là vào năm 2010 trong một triển lãm nhỏ ở Bảo tàng Đông Á tại thành phố Bath ở miền trung nước Anh nhân kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long.

Tới năm 2013, một triển lãm lớn hơn được thực hiện tại London vào tháng 5 (do hai cộng đồng người Việt tại Anh là Vietpro và KREU đồng tổ chức) và vào tháng 10 tại Hà Nội. Và thành công của triển lãm này đã dẫn tới sự ra đời của cuốn sách ảnh bằng tiếng Việt mang tên “Hà Nội một thời” (Nhà xuất bản Nhã Nam) năm 2016.

Hà Nội năm 1981. (Ảnh: John Ramsden)

Trong buổi giới thiệu sách hôm 7/9/2018 tại Đại sứ quán Việt Nam ở London, nhân dịp 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh Quốc (do Đại sứ quán kết hợp với Hội sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK) và Hội tri thức trẻ Việt Nam (Việt Pro) tổ chức), ông Ramsden mở đầu bằng bức ảnh chụp pano cổ động với hàng chữ “Tiến tới Đại hội Đảng V”.

Trò chuyện với BBC Tiếng Việt, ông nói, cuốn sách này là một hành trình đưa ông về lại một thời kỳ rất khác.

Cuốn sách đã gợi lại rất nhiều kỷ niệm. Nó cũng đem lại cho tôi những mối quan hệ bạn bè mới. Với tất cả những thay đổi tốt đẹp hơn từ những năm 1980, thì thay đổi lớn nhất đối với tôi đó là tôi có thể tự do làm việc với những đối tác Việt Nam để thực hiện dự án này“.

Lần đầu tiên những bức ảnh này được giới thiệu với công chúng là vào năm 2010 trong một triển lãm nhỏ ở Bảo tàng Đông Á tại thành phố Bath ở miền trung nước Anh nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Ông John Ramsden và Đại sứ Việt Nam Trần Ngọc An. (Ảnh qua BBC)

Cuốn ‘Hanoi After the War’ sẽ chính thức được ra mắt tại Bảo tàng Nhiếp ảnh gia (The Photographers’ Gallery) vào ngày 29/11/2018. Ông John Ramsden cho biết, toàn bộ phim âm bản sẽ được giao cho Thư viện Anh Quốc lưu giữ.

Theo BBC