Tinh Hoa

Gương người xưa: Thanh quan vì dân chịu tội mong trời xanh ngừng giáng tai họa

Từ xa xưa, khi một đất nước xảy ra thiên tai thảm họa, để tiêu tai giải nạn thì Hoàng đế chính là người đứng ra nhận tội, kiểm điểm lại lỗi lầm của mình, xin trời cao ngừng giáng tai hoạ. Tuy nhiên, vào thời Đông Hán, có một viên quan nhỏ cửu phẩm đã tự mình làm việc mà lẽ ra Hoàng đế cần làm, dùng tính mạng gánh tội cho cả thiên hạ.

Mùa hè năm đó, khi đất nước xảy ra hạn hán, không có lấy một giọt mưa nào. (Ảnh qua tribuneonlineng)

Thời Đông Hán có một người tên Lượng Phụ, tự Hán Nho, sống ở huyện Tân Đô, quận Quảng Hán (Hậu Hán thư/ Lượng Phụ truyện). Khi còn trẻ, ông làm quan, là một vị quan thanh liêm, chính trực. Những việc mà ông đảm nhận, đều được giải quyết ổn thỏa, nhân dân trong các quận huyện đều ngưỡng mộ và kính trọng tài năng đức hạnh của ông.

Mùa hè năm đó, khi đất nước xảy ra hạn hán, không có lấy một giọt mưa nào, vì thế mà cây cối cũng không thể sinh trưởng. Quan Thái thú đứng đầu quận, dùng thân mình đứng trong sân đình phơi nắng cầu mưa. Nhưng dù đã phơi nắng mấy ngày rồi, mà trời vẫn trong xanh, nắng như đổ lửa, không có dấu hiệu nào như sắp mưa cả.

Còn Lượng Phụ thân là quan phụ trách việc triều chính, dưới quyền Thái thú, nhưng ông lại tự nguyện ra ngoài cầu xin trời. 

Ông phát thệ rằng: “Tôi Lượng Phụ, thân là quan phụ trách quận này, không thể thuyết phục được thượng quan tiến cử hiền tài, loại bỏ gian thần, điều hòa âm dương, khiến cho thiên địa không thông, vạn vật khô héo. Bách tính mong mưa, nhưng không có nơi để kêu than, tội lỗi này đều do Lượng Phụ tôi nhận cả. 

Nay Thái thú thành tâm phản tỉnh, trách móc bản thân, đã phơi nắng ngoài sân cầu mưa cho bách tính. Vì để trời hạn gặp mưa, Lượng Phụ tôi xin nhận tội, vì bách tính cầu phúc, thành tâm thành ý thành khẩn. Nếu trời cao không động lòng người, tôi phát thệ rằng, nếu đến buổi trưa mà trời không mưa, xin cho tôi dùng thân chịu tội”.

Sau đó, Lượng Phụ hạ lệnh cho gia nhân đi chất một đống củi lớn, tự mình ngồi trên đống củi, nếu trời không mưa thì ông sẽ tự thiêu mình vào giờ ngọ ba khắc. Thế là gần trưa, mây trên núi chuyển thành màu đen, tiếng sấm vang lên, và mưa lớn bắt đầu ẩm ướt cả quận. Người thời đó vì thế mà ca ngợi Lượng Phụ là người chân thành thương dân nhất.

Vì sao ông trời lại giáng tai họa xuống cho con người? 

Ví dụ khi trời giáng thảm họa cho nhân loại như hạn hán, động đất, lũ lụt, khói độc, lốc xoáy, v.v., đều chính là khi con người có tội. Trong các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc và cả nước ngoài cũng từng có nhiều điển tích nói về những sự kiện này.

Trời giáng thảm họa thường là lời cảnh báo cho những hành động xấu xa của con người, đồng thời cũng là một cách đặc biệt để thể hiện sự từ bi của Thần đối với nhân loại.

Trong lịch sử, người đầu tiên hướng lên trời, tự kiểm điểm và nhận “tội của mình”, cầu phúc giải nạn cho thiên hạ chính là Đại đế Hạ Vũ. Trước tình hình hạn hán kéo dài, ông đã ở tại rừng dâu thành kính cầu mưa. Tấm lòng chân thành của ông sau đó đã cảm động trời xanh nên đã đổ mưa to.

Trong lịch sử, người đầu tiên hướng lên trời, tự kiểm điểm và nhận “tội của mình”, cầu phúc giải nạn cho thiên hạ chính là Đại đế Hạ Vũ. (Ảnh qua kknews)

Vị hoàng đế thứ hai chịu sám hối tội lỗi là vua Thương Thang, sau 400 năm từ khi Đế Vũ cầu mưa. Vào đầu thời nhà Thương, có một trận hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra trong 7 năm. 

Khi thấy cận thần cầu mưa suốt 7 năm trời mà không giải được hạn hán, Thương Thang đã làm một việc khiến nhiều người kinh ngạc. 

Ông đã sai người đốt củi làm lễ tế, cắt tóc và móng tay của mình, tắm rửa sạch sẽ, hướng lên trời mà cầu: “Một mình ta có tội, không thể trừng phạt muôn dân, còn dân chúng dẫu có tội, thì cũng đều là lỗi tại một mình ta. Đừng vì ta không có tài năng, mà khiến cho Trời cao và quỷ Thần trừng phạt bách tính muôn dân của ta”. 

Cuối cùng Thương Thang nói: “Ta lễ bái cầu mưa, vốn là vì dân, không thể thiêu người khác để tế trời, nay ta tự thiêu ta để tế trời vậy!”. 

Cầu xong, ông thong thả đến ngồi trên đống củi và ra lệnh cho mọi người đốt lửa. Tuy nhiên, khi củi vẫn chưa kịp đốt lên, thì trời đã đổ mưa to. Những cống hiến vì dân của Thương Thang được người dân vô cùng kính phục và ca tụng.

Các thế hệ sau này có tổng kết lại việc làm của Đại Vũ và Thương Thang thì thấy hoàn toàn phù hợp với lịch sử chân thực. Sau khi Thương Thang nhận tội, đất nước trở nên thịnh vượng, còn Hạ Kiệt và Trụ Vương do đổ hết tội lên người khác, nên đất nước nhanh chóng suy tàn.

Chúc Di (Theo Secret China)