Mọi sự trên đời đều có hai mặt của nó, quan hệ giữa người với người cũng như vậy. Hôm nay hai người quá tốt với nhau, ngày mai có thể sẽ tuyệt giao không nhìn mặt. Và đôi khi, ân oán nảy sinh lại là vì chúng ta quá thân thiết.
Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm cá nhân của một diễn giả người Trung Quốc có tên Trần An Chi, được đăng tải trên trang Sohu (Trung Quốc). Cách nhìn nhận vấn đề của tác giả cũng có những điểm rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
-***-
Lúc thân thiết, hai người có thể mặc chung một cái quần nhưng một khi đã mâu thuẫn, có thể có chết cũng không nhìn mặt nhau. Nguyên nhân là bởi hai phía đã từng quá tốt với nhau.
Hoằng Nhất – một đại sư người Trung Quốc những năm cuối đời có viết một bài thơ, đại ý là: “Quân tử kết giao nhạt như nước”. Bạn bè kết giao nếu nhìn vào biểu hiện bên ngoài cho rằng đó đã là bản chất, đôi khi sẽ nhầm lẫn nghiêm trọng.
Tình cảm giữa người với người, cứ nhạt một chút sẽ tốt, mối quan hệ như thế sẽ duy trì được lâu…
Nếu lúc nào cũng đậm như mật, ắt sẽ có lúc phải phân tách. Lão Tử nói, những mối quan hệ như thế, một khi có mâu thuẫn sẽ trở nên xa cách vô cùng. Tình cảm, nếu được hâm nóng mỗi ngày, nhất định sẽ có lúc giảm nhiệt, đó là quy luật của vũ trụ.
Từ trước đến giờ, tôi rất ít gọi điện thoại cho bạn bè, thậm chí là bạn bè có nhắn tin, tôi cũng ít khi trả lời hoặc quên không trả lời.
Tôi cho rằng cứ bình thường, nhạt nhạt một chút sẽ tốt. Mặc dù có thể rất lâu không gặp nhau, nhưng khi đã gặp nhau, mọi người vẫn là bạn, bởi trong ký ức của chúng tôi vẫn giữ những điều tốt đẹp trong quá khứ, vậy là đủ.
Giữa người với người, hãy cứ duy trì khoảng cách, khoảng cách này thể hiện cả ở việc giao tiếp, không nên nói nhiều, bởi nói nhiều có khi sẽ thừa, không có tác dụng.
Cho dù là vợ chồng hay các thành viên trong gia đình, vẫn cần giữ một khoảng cách phù hợp, vừa phải, có khoảng cách mới có tình cảm.
Trước đây tôi có quen một người, quan hệ giữa tôi và người đó rất tốt. Người đó nói với tôi: “Cậu đừng giảng Phật Pháp với tôi. Cậu có thể siêu độ cho người khác nhưng không thể siêu độ được tôi”. Tôi nghĩ cũng phải, chúng tôi thân thiết quá mà.
Về sau người đó rời Hạ Môn, sau khi anh đi tôi cũng lười, ít liên lạc. Thế nhưng dần dần, anh ta đã nhớ lại lời nói của tôi và cảm thấy lời của tôi có lý.
Sau này, anh ta vào trang cá nhân của tôi và ngộ được khá nhiều. Từ việc này, tôi mới phát hiện, giữa người với người vẫn nên giữ một khoảng cách, như vậy sẽ tốt hơn trong mọi chuyện.
Quá gần gũi, quá thoải mái, mỗi người lẽ tự nhiên sẽ dần đánh mất sự cung kính dành cho đối phương, vì thế mà khó nhìn ra phẩm hạnh, sự nỗ lực của nhau.
Tình cảm thân thiết tốt đẹp thường sẽ làm nảy sinh lòng tham, lòng tham này chính là nguồn cơn khiến chúng ta hận đối phương. Không có tình yêu sâu đậm, sẽ không có hận thù sâu sắc.
Quá gần gũi, người thầy khó có thể siêu độ cho học trò, trái lại học trò thường nhìn thấy những nhược điểm của người thầy.
Quan hệ giữa người với người thực sự rất thú vị, không có lòng cung kính, rất khó để duy trì lâu dài, giữa vợ và chồng cũng vậy.
Thế nên, giữa người với người, sống được với nhau thực sự là một nghệ thuật, là một môn học mà có lẽ mỗi người phải học chăm chỉ cả đời và không dễ chút nào.
Cá nhân tôi cho rằng có một điểm rất quan trọng khi đề cập đến vấn đề này, đó là đầu tiên mỗi người cần phải có một tấm lòng không mưu cầu, không yêu cầu áp đặt đối phương, những việc mình không muốn, không áp đặt cho người khác, thay vào đó, hãy làm, hãy nghĩ cho họ, như thế, quan hệ giữa người với người mới có thể tốt dần lên được.
Rất nhiều người càng chơi với nhau mối quan hệ càng trở nên xấu đi, bởi lẽ mỗi cá nhân đã yêu cầu quá nhiều, đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái gọi là “lật mặt” ở những người bạn.
Quân tử kết giao, nhạt như nước lã. Cứ để các mối quan hệ của chúng ta nhạt như vậy, đừng yêu cầu đối phương cái gì cũng phải đẹp, phải tốt.
Ngoài ra, hãy giữ lòng biết ơn đến người đã giúp mình. Chỉ có lòng biết ơn tương tác qua lại với nhau mới có thể duy trì những mối quan hệ lâu dài.
Giữa vợ chồng, nếu không tồn tại hai chữ “cảm ơn“, hai người sẽ trở thành những kẻ đòi nợ không hơn. Hai kẻ đòi nợ sống cạnh nhau, đòi nợ lẫn nhau, thử hỏi liệu có thể vui?
Sưu tầm