Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã phê duyệt vaccine ngừa virus Vũ Hán đầu tiên. Ông Putin cho biết đã tiêm cho con gái và hy vọng sẽ sớm bắt đầu tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, giới khoa học đã lên tiếng cảnh báo rằng việc không tuân thủ quy trình phê duyệt sẽ khiến người dùng gặp nguy hiểm.
Theo Reuters, vào hôm 12/8, Matxcơva cho biết, vaccine ngừa virus Vũ Hán đầu tiên sẽ sẵn sàng sử dụng cho một số bác sĩ trong hai tuần nữa, và cho rằng những ý kiến lo ngại về độ an toàn của vaccine do Nga sản xuất là “vô căn cứ”.
Các viên chức Nga cho biết, họ hy vọng sẽ sớm bắt đầu tiêm chủng cho mọi người bằng loại vaccine mà họ đặt tên là Sputnik V, tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới được phóng vào năm 1957, theo Wall Street.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết một trong hai con gái của ông đã được tiêm hai liều thuốc và có những tác dụng phụ nhỏ như sốt nhẹ, và hiện “cảm thấy khỏe và có một số lượng kháng thể cao”. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ người này có phải là những người tình nguyện của nghiên cứu hay không.
Giám đốc của Viện Gamaleya, Alexander Gintsburg vào tháng 5 đã khiến mọi người phải sửng sốt khi nói rằng ông và các nhà nghiên cứu khác của Nga đã tự thử vắc xin trước khi bắt đầu thử nghiệm trên người. Những thử nghiệm đó bắt đầu vào ngày 17/6 với 76 tình nguyện viên. Một nửa được tiêm vaccine ở dạng lỏng, và nửa còn lại tiêm vaccine dạng bột hòa tan. Một số người trong nhóm đầu tiên được tuyển chọn từ quân đội, điều này làm dấy lên lo ngại rằng các quân nhân có thể đã bị ép phải tham gia.
Trước động thái của ông Putin, các nhà khoa học ở Nga và các quốc gia khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng việc vội vàng cung cấp vaccine trước khi thử nghiệm giai đoạn cuối có thể phản tác dụng. Thử nghiệm Giai đoạn 3, nghiên cứu trên hàng chục nghìn người và có thể mất hàng tháng, và là cách duy nhất để chứng minh liệu vaccine thử nghiệm có an toàn và thực sự hoạt động hay không.
Hiệp hội Các tổ chức Thử nghiệm lâm sàng của Nga cảnh báo: “Việc phê duyệt đi tắt sẽ không khiến Nga trở thành nước dẫn đầu trong cuộc đua mà chỉ khiến người dùng vaccine gặp nguy hiểm không cần thiết”, đồng thời kêu gọi các quan chức chính phủ hoãn phê duyệt vaccine này nếu chưa hoàn thành các thử nghiệm nâng cao.
Daniel Salmon, Giám đốc Viện An toàn vaccine tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: “Thử nghiệm giai đoạn ba là rất quan trọng” đối với việc phát triển thuốc và vaccine. “Liệu tôi có tự tin về sự an toàn và hiệu quả khi không có giai đoạn ba không? Hoàn toàn không”.
Loại vaccine này dường như cũng phải đối mặt với một rào cản khó khăn khi giành được sự chấp thuận của WHO trước khi tổ chức y tế quốc tế mua hoặc giới thiệu cho các quốc gia khác.
Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann của Đại học Imperial College London cho biết trong một tuyên bố hôm 11/8: “Tổn thất ngoài dự kiến do phát hành một loại vaccine kém an toàn và không hiệu quả sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại đến mức không vãn hồi được”.
Thậm chí, AP cũng không thể tìm thấy tài liệu trong hồ sơ của Bộ Y tế Nga cho thấy quyền bắt đầu các thử nghiệm nâng cao đã được cấp, và hiện Bộ này cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Sputnik V không phải là loại vaccine gây tranh cãi đầu tiên của Nga. Trước đó, ông Putin đã khoe rằng các nhà khoa học Nga đã phát triển một loại vaccine Ebola “được chứng minh là hiệu quả nhất trên thế giới” và “có đóng góp thực sự trong việc chống lại dịch virus Ebola ở châu Phi”. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy vaccine Ebola của Nga đã được sử dụng rộng rãi ở châu Phi. Tính đến năm 2019, vaccine này mới chỉ được WHO liệt kê là “vắc xin tiềm năng”.
Lương Phong(t/h)