Những cuộn giấy cói Ai Cập cổ đại được giải mã gần đây đã tiết lộ những hiểu biết sâu sắc về trình độ khoa học và y học của Ai Cập từ hàng ngàn năm trước .
“Khi nghe về lịch sử của khoa học, mọi người thường nghĩ đến tài liệu của Hy Lạp và La Mã. Nhưng chúng ta còn có tài liệu Ai Cập xa xưa hơn nhiều. Một trong những tài liệu y học của chúng ta đã được viết cách đây 3.500 năm khi vẫn chưa có tài liệu viết về lục địa châu Âu”, một nhà nghiên cứu tham gia vào nghiên cứu này cho biết.
Theo trang ScienceNordic, các bản tài liệu chép tay cổ xưa, mà trước đây chưa được dịch, giờ đây đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách áp dụng khoa học và y học ở Ai Cập từ hàng ngàn năm trước đây.
Các bản thảo này là một phần của bộ sưu tập tên là Carlsberg Papyrus, hiện được lưu giữ tại Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, nơi một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đang cộng tác để giải nghĩa các tài liệu chưa được công bố.
Người quản lý bộ sưu tập, Kim Ryholt, đồng thời là giáo sư khoa nghiên cứu văn hóa của Đại học Copenhagen cho hay: “Bộ sưu tập Carlsberg Papyrus chuyên sâu bao gồm hơn 1.400 bản thảo, hầu hết đều có từ năm 2000 trước Công Nguyên cho đến năm 1000 sau Công Nguyên”.
Hầu hết các văn bản vẫn chưa được dịch từ khi chúng được quyên tặng cho trường đại học Copenhagen vào năm 1939.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu dịch và ghi chép lại ý nghĩa của chúng. Cho đến nay, họ đã tìm thấy những chi tiết đáng kinh ngạc không chỉ về y học mà còn về các ngành khoa học khác được áp dụng hàng ngàn năm trước ở Ai Cập cổ đại.
Theo bài báo của ScienceNordic, các chuyên gia làm việc với tài liệu Ai Cập cổ đã phát hiện ra rằng, các cuộn giấy cói này gồm những thảo luận y khoa lâu đời nhất về thận, cũng như các ghi chú điều trị bệnh về mắt và mô tả thử thai. Cùng với ghi chép về y học, tài liệu còn có các thông tin tham khảo liên quan đến thiên văn học, thực vật học và chiêm tinh học.
“Đây là văn bản y học lâu đời nhất được biết thảo luận về thận. Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng người Ai Cập không biết gì về thận, nhưng trong tài liệu này chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng họ có biết”, nghiên cứu sinh Amber Jacob từ Viện Nghiên cứu Thế giới Cổ đại tại Đại học New York, Hoa Kỳ cho biết. Amber Jacob cũng là một trong bốn nghiên cứu sinh làm việc với các bản thảo này.
Thật thú vị, các bản thảo cũng tiết lộ những kiến thức về chiêm tinh học của Ai Cập. Nhà Ai Cập học Kim Ryholt, người quản lý bộ sưu tập Papyrus Carlsberg tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, trong một bài báo của ScienceNordic cho biết: “Ngày nay, chiêm tinh học được xem là một bộ môn giả khoa học, nhưng trong thời cổ đại thì khác. Đây là một công cụ quan trọng để dự đoán tương lai và nó được coi là một môn khoa học nòng cốt”.
Ông nói: “Ví dụ, một vị vua cần phải kiểm tra khi nào là ngày tốt để ra trận. Phần lớn các bản thảo này vẫn chưa được công bố. Các bản thảo về y học, thực vật học, thiên văn học, chiêm tinh học và các lĩnh vực khoa học khác đã được áp dụng ở Ai Cập cổ đại”, Ryholt giải thích thêm.
Nhóm nghiên cứu quốc tế này hiện đang dịch các văn bản chưa được khám phá trước đó. Theo một trong những nhà nghiên cứu, trong đó chứa những hiểu biết mới lạ và thú vị về lịch sử Ai Cập cổ đại.
Bảo San, theo AC