Giáo dục là nền tảng giúp Israel từ một nước nông nghiệp vươn lên thành một trong những quốc gia giàu có và hùng mạnh trên thế giới.
Israel, đất nước đã trải qua một lịch sử vô cùng đau thương và cay đắng. Đất nước mà người dân phải lang thang khắp mọi nơi trên thế giới trong suốt gần 1.500 năm và mới chỉ giành được độc lập từ năm 1948.
Trước Công nguyên, Đền thờ Jerusalem và kinh Torah là hai trụ cột của Do Thái giáo. Với sự kiện Đền Thờ thứ 2 bị phá hủy bởi người Babylon vào khoảng năm 70, tín ngưỡng Do Thái vĩnh viễn mất đi 1 trong 2 trụ cột, chỉ còn trụ cột là kinh Torah và bắt đầu đi trên một con đường độc đáo, khác hẳn với các dân tộc khác.
Khi đó, những người đứng đầu nhà nước Do Thái đã đưa ra một sắc lệnh vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng đến cả vận mệnh của một quốc gia sau đó 1.500 năm. Sắc lệnh này giúp cho đất nước Do Thái từ một nước thuần nông nghiệp chuyển sang tập trung phát triển hoàn toàn cho giáo dục.
Những người đứng đầu đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo yêu cầu tất cả các ông bố Do Thái phải gửi con trai từ 6 – 7 tuổi đến trường để học. Nếu không chấp nhận, gia đình đó sẽ bị khai trừ khỏi đạo.
Trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, không có dân tộc nào trên thế giới trừ người Do Thái có yêu cầu cha phải giáo dục con trai.
Như vậy, ngay từ TK 1, giáo dục đã trở thành 1 trong 2 thứ quan trọng nhất của người Do Thái.
Trong một thế giới của những người không biết đọc, biết viết – như thế giới của thiên niên kỷ thứ nhất, thì khả năng biết đọc, biết viết hợp đồng, lập thư từ giao dịch, sổ sách kế toán sử dụng bảng chữ cái thông dụng mang lại cho người Do Thái một lợi thế hơn hẳn các dân tộc khác.
Người dân Do Thái đã dần từ bỏ nghề nông nghiệp, chuyển sang làm các nghề như buôn bán, cho vay lãi, chủ nhà băng…
Người Israel quan niệm, đất đai có thể mất nhưng “bộ óc” của con người thì luôn tồn tại. Ngày nay 100% trẻ em ở Israel đều biết đọc và biết viết, chuyện những đứa trẻ 10 tuổi có thể nói đến 4 ngôn ngữ khác nhau là điều bình thường ở đất nước này.
Khi được hỏi về bí quyết nào khiến cho trẻ em Israel thông minh và học giỏi như vậy, bà MeiravEilon Shahar – Đại sứ Israel tại Việt Nam, mẹ của 3 người con cho biết, “Chúng tôi không có bí quyết gì đặc biệt, con cái thông minh và học giỏi là do cha mẹ. Đừng ỷ lại vào thầy cô hay nhà trường, vì trách nhiệm giáo dục con cái phải thuộc về gia đình trước tiên. Cha mẹ hãy là người định hướng và tạo nên thói quen học tập cho con trẻ”.
Tính đến năm 2011, giải Nobel đã trao 108 lần cho trên 800 nhân vật và các tổ chức xã hội. Nếu tính tất cả các giải, thì có ít nhất 181 người Do Thái được trao giải Nobel, chiếm 22% số nhân vật được coi là những trí tuệ hàng đầu của nhân loại.
Trong khi đó, số người Do Thái trên Trái đất là 20 triệu (cả trong và ngoài nước) nghĩa là chưa đến 0,2% dân số thế giới.
Israel giờ đây đã là một đất nước có nền kinh tế phát triển và hùng mạnh. Cộng đồng người Do Thái dù ở nơi nào trên thế giới, cũng đều là những cộng đồng đoàn kết và giàu có bậc nhất. Đó đều là kết quả của việc coi trọng giáo dục từ 2.000 năm trước đây.
Lịch sử của người Do Thái và Việt Nam có một số điểm tương đồng, cùng phải trải qua hơn 1.000 năm đô hộ và cùng xuất phát điểm từ một nước thuần nông nghiệp. Tìm hiểu về lịch sử giáo dục Do Thái có thể giúp chúng ta nhận ra những khiếm khuyết trong nền giáo dục Việt Nam, từ đó có cách khắc phục.
Theo CafeBiz, Infonet