“Mục tiêu giáo dục của Anh, Mỹ khác chúng ta, họ dạy học sinh làm chủ cuộc sống, không phải nhồi nhét kiến thức”.
Phương pháp học thuộc lòng vẫn là chủ đạo
Trao đổi với Đất Việt, ngày 20/5, về thông tin Việt Nam vừa vượt Mỹ, Úc xếp thứ 12/76 trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch và là Tổng giám đốc Smartcom, cho biết: “Đây là một bảng xếp hạng chính thức, và khi được xếp thứ hạng cao trong một xếp hạng chính thức thì ai mà chẳng tự hào. Chỉ có điều tôi không nghĩ chúng ta lấy niềm tự hào đó để khỏa lấp đi rất nhiều tồn tại trong nền giáo dục của ta”.
Bởi theo ông Đức, xét về góc độ tích cực, khi đánh giá về toán và khoa học thì chúng ta được xếp hạng cao không phải là điều bất ngờ, vì bản thân ông cũng có một chút thời gian nghiên cứu và so sánh giáo trình học phổ thông của Việt Nam, đặc biệt là toán và các môn khoa học, thì thấy giáo trình toán của VN ở những lớp cuối cấp 2 và cấp 3 khó hơn nhiều so với sách toán của Mỹ.
Cho nên Việt Nam có kết quả xếp hạng cao hơn thì rất dễ hiểu. Mặt khác, người Việt Nam học phổ thông ở Mỹ thường có kết quả khá nổi bật đặc biệt là về toán và khoa học. Điều này có nói lên đôi chút về tố chất của chúng ta. Những du học sinh Việt Nam cũng thường có thành tích cao trong các trường đại học ở phương Tây.
Đó là sự thật và cũng là cơ sở để ta suy tính một chiến lược dài hơi và tự tin xây dựng một nền giáo dục đào tạo ra con người có sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Tuy nhiên ngược lại, chúng ta đều biết rõ là nếu họ khảo sát khả năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề, kiến thức về tài chính ở bậc phổ thông và kỹ năng sống… thì chúng ta khó có cơ hội.
Vì giáo dục của chúng ta chưa xây dựng tốt tư duy phản biện cho trẻ, thậm chí việc học thuộc lòng vẫn là chủ đạo, lại lảng tránh một số vấn đề cốt lõi của sự phát triển toàn diện của con người, ví dụ như kiến thức về tài chính chẳng hạn, nó thực sự thiết yếu với tương lai tài chính của bất cứ ai thuộc bất cứ ngành nghề gì.
Trong khi đó, ông Đức cho hay: “Trong bảng mô tả chuẩn giáo dục PISA (lưu ý là chuẩn PISA là của OECD) thì kiến thức tài chính được xếp vào loại phải được đào tạo.
Mỹ cũng vậy, họ coi trọng đào tạo kiến thức tài chính cho trẻ con từ mẫu giáo, và học xuyên suốt lên hết phổ thông để hiểu được nguồn gốc của thu nhập là từ lao động, hay dạy về giá trị của tiền bạc để trẻ em hiểu hơn những lao động của bố mẹ và những gì chúng đang nhận được không phải là đương nhiên, mà là sức lao động vất vả của cha mẹ… rồi rộng hơn nữa là chúng hiểu được ngân hàng là gì, thị trường chứng khoán là gì và các công cụ tài chính hoạt động ra sao.
Nếu so sánh ở góc độ này thì rõ ràng ta nhận ra mục tiêu giáo dục của Anh, Mỹ là khác chúng ta, họ dạy học sinh làm chủ cuộc sống, và sự am hiểu đầy đủ về thế giới công việc để chúng chọn đúng nghề cho mình.
Ngược lại ở Việt Nam trẻ con học thật giỏi để có điểm cao và đỗ đại học với điểm số càng cao càng tốt mà chẳng rõ tố chất thực sự của học sinh có phù hợp với chuyên ngành và trường mà chúng đỗ vào hay không“.
Chưa có cái “tôi” phù hợp với tố chất của người VN
Mặt khác, OECD xây dựng chuẩn giáo dục cho từng môn, từng lứa tuổi rất cụ thể để các nước thành viên tham khảo và lập chiến lược giáo dục cũng như những chuẩn riêng cho mình. Ở Mỹ thậm chí mỗi bang căn cứ vào đặc điểm dân cư mà xây dựng chuẩn giáo dục của từng bang với mô tả chi tiết các yêu cầu và năng lực của học sinh theo từng lứa tuổi, từng môn phải đạt được.
Hiện tại, theo ông Đức chúng ta chưa có mô tả chuẩn giáo dục cho từng môn, từng lứa tuổi… và rộng hơn là tư duy hệ thống của chúng ta chưa có “cái tôi” riêng một cách quả quyết, phù hợp với tố chất của người Việt Nam, mà ta lại quá chú trọng vào học hỏi, tham khảo của các nước khác để nghĩ tới chuyện sao chép một phần nào đó thành công của họ.
Thiết nghĩ sẽ tốt hơn rất nhiều nếu các nhà quản lý giáo dục nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ về tố chất mạnh và yếu của người Việt Nam so với thế giới, và căn cứ vào mục tiêu dài hạn về nhân lực để phát triển kinh tế xã hội, mà xây dựng bộ khung chuẩn năng lực để làm chiến lược căn bản cho giáo dục nước nhà thì tốt hơn.
Công trình trồng người của Việt Nam ở thứ hạng nào trên thế giới, nó có phù hợp với tố chất mạnh yếu của người Việt không, nó có sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu không…là phụ thuộc vào bản thiết kế đó.
Ông Đức khẳng định: “Khi đã có chuẩn và bộ khung năng lực rồi thì việc dạy bằng giáo trình nào, giáo viên ra sao, sẽ có thể giao cho nhà trường tự quyết, miễn là phù hợp với chuẩn.
Khi đó ta sẽ có một thị trường viết sách giáo khoa cạnh tranh đúng nghĩa sẽ được hình thành, và chính cạnh tranh đó sẽ cho ta đội ngũ nhà khoa học, nhà giáo sản xuất ra những sản phẩm hữu dụng và không hoặc rất ít lỗi, vì chính thị trường sẽ bỏ lá phiếu bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ để chọn giáo trình và giáo viên.
Tôi tin là cách làm này sẽ cho ta thoát khỏi những tranh cãi triền miên về việc cải cách giáo dục, cải cách giáo trình, đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên… và cả cải cách thi cử”.
Mặt khác, theo quan điểm của ông Đức, thì một khi đã có chuẩn giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ dễ dàng ra ngân hàng đề thi căn cứ vào chuẩn, và thế là học sinh cũng như giáo viên hết phải lo chạy đôn chạy đáo học thêm hay luyện thi vì đơn giản là học đúng theo bộ khung năng lực đã được hướng dẫn thì đạt, học tủ thì trượt.
Cải cách trọng tâm nên hướng đến cải cách giáo dục đại học
Nhìn nhận góc độ khác, về việc, tại sao xếp hạng học sinh phổ thông thì đạt kết quả cao, nhưng 50% sinh viên bậc ĐH tốt nghiệp đi làm đều phải đào tạo lại, cử nhân ra trường đi làm phu hồ, thạc sĩ đi trông xe, ông Đức lý giải: “Giáo dục phổ thông chỉ tạo ra kết quả đầu vào cho trường đại học nói riêng và các chương trình đào tạo sau phổ thông nói chung.
Còn đào tạo học sinh đó ra thành sản phẩm là các cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ như thế nào thì là do chất lượng giáo dục đại học quyết định. Khi các công việc có yêu cầu cao đối với đội ngũ kỹ sư mà họ không đáp ứng được, hay các cử nhân, thạc sỹ không xin được việc tương ứng với kiến thức chuyên môn được đào tạo thì rõ ràng lỗi này là của trường đại học“.
Đưa ra giả thiết, theo ông Đức, nếu các trường đại học phải vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh thực sự để trở thành lựa chọn ưu tiên của sinh viên, và đào tạo sản phẩm chất lượng theo đúng nghĩa thì các cử nhân, kỹ sư sẽ xin được công việc dễ dàng, vì họ đã chiến thắng trong cuộc sàng lọc gay gắt ngay từ trong quá trình học tập trong trường đại học, đã đủ năng lực và kỹ năng thực sự để đáp ứng thị trường lao động, thì chẳng có lý gì họ phải làm trái ngành hay thất nghiệp cả.
Vì vậy, ông Đức nói: “Tôi tán đồng với ý kiến cải cách trọng tâm nên hướng đến cải cách giáo dục đại học. Vì giáo dục đại học là đầu ra của giáo dục phổ thông, và là đầu vào của thị trường lao động và nền kinh tế. Đội ngũ này chất lượng thì sẽ dễ dàng tác động lan tỏa tới nhóm khác.
Và tôi vẫn nhắc lại quan điểm đó là trả các trường đại học về cho thị trường để chính thị trường quyết định ai tồn tại, ai bật bãi. Một trường đào tạo kém thì sẽ không có sinh viên, và anh phải đóng cửa. Trường đào tạo tốt thì sẽ có nhiều sinh viên và sẽ chọn lọc được những người ưu tú hơn trúng tuyển để đào tạo, và từ đó cũng dễ dàng hơn để tạo ra sản phẩm đào tạo chất lượng cao để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động“.
Vì nếu các trường đại học tuyển sinh vào rồi, nhưng một thời gian họ đóng cửa thì sinh viên đang học dở dang sẽ là nạn nhân trực tiếp. Ở Singapore, chính phủ lập ra một định chế tài chính giống như một kiểu bảo hiểm giáo dục, mà mọi sinh viên nộp tiền học phí cho trường nào thì cũng nộp qua quỹ đó (tên là Edutrust), để chính phủ luôn đảm bảo rằng nếu trường học có gặp rắc rối gì thì tài chính của sinh viên vẫn được bảo toàn, và chính phủ sẽ định hướng cho sinh viên chuyển sang một chuyên ngành tương đương ở trường tương đương.
Theo ông Đức, ngoài việc bảo đảm về an toàn tài chính và nơi học cho sinh viên, điều quan trọng hơn là Nhà nước thực hiện quyết liệt các biện pháp để tạo ra một thị trường lao động minh bạch, với thống kê và thông tin đầy đủ, chính xác..
Có được sự minh bạch và con số thống kê chính xác, tự nhiên tất cả học sinh và cha mẹ biết ngay mình nên học gì, học ở trường nào và trường đại học biết mình nên ưu tiên vào ngành gì, đầu tư ra sao về giảng viên, chương trình, cơ sở vật chất và cả kịch bản giáo dục để thu hút sinh viên và tạo ra sản phẩm cạnh tranh.
Theo Đất Việt