Làm thợ cắt tóc riêng cho vua Bảo Đại, cũng từng được Nam Phương hoàng hậu ban thưởng, đó là giai thoại về nghệ nhân nức tiếng Hà Thành xưa.
Làng Kim Liên xưa nằm ở phía Nam Kinh đô Thăng Long và là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê, kéo dài từ đường Lê Duẩn đến đường Tây Sơn bây giờ, từng nổi danh với nghề “vít đầu thiên hạ”: Cắt tóc.
Làng có những nghệ nhân nổi danh, có người được vinh dự mời vào cung làm thợ cắt tóc riêng cho nhà vua và hoàng tộc. Đó là nghệ nhân Phan Duy Hiền.
Giai thoại về thợ cắt tóc cho vua Bảo Đại
Anh Phan Duy Hào ở phố Kim Liên là cháu nội cụ Phan Duy Hiền, người thợ cắt tóc cho vua Bảo Đại thuở nào. Anh Duy Hào kể:
“Chẳng ai biết chính xác nghề cắt tóc của làng Kim Liên có từ bao giờ, tôi chỉ thấy nhiều thế hệ đã qua đi, cứ cha truyền con nối. Những đứa trẻ 5, 6 tuổi nhìn cha chú hành nghề đã biết “quăng” kéo rất điệu nghệ, đến 10 tuổi thì bắt đầu học nghề.
Nghe các cụ trong làng kể lại, thời Lê, nhân một lần đi qua ngôi làng Kim Liên, thầy địa lý Tả Ao quê Phủ Đức Quang, trấn Nghệ An xưa (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được dân làng nhờ xem giúp nghề gì có thể giúp dân làng vinh hiển. Thầy địa lý Tả Ao bèn khuyên mọi người nên theo nghề thợ cạo (cắt tóc) vì nghề này chắc chắn sẽ khiến làng này lưu danh muôn thuở. Nói về nghề thợ cạo này, thầy địa lý Tả Ao viết: ‘Giang sơn một tráp gương, lược, dao / Chơi ngông, gọt gáy, khách anh hào…'”.
Nghe lời thầy Tả Ao, dân làng Kim Liên theo nghề cắt tóc. Quả thực tài nghệ của dân làng ngày càng nổi danh, nức tiếng thiên hạ, đến độ cứ ai giới thiệu thợ cắt tóc Kim Liên là người dân mời về nhà cắt tóc cho gia đình. Nhờ nghề cắt tóc mà dân làng Kim Liên giàu lên trông thấy, nhà nào cũng có của ăn của để. Nổi tiếng khắp trong Nam Ngoài Bắc.
Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng này là vào những năm theo trào lưu Tây hóa, tiếp cận nền văn minh phương Tây, đàn ông bắt đầu bỏ búi tó củ hành, cắt tóc ngắn. Và người dân Kim Liên chính là những người đầu tiên phát triển nghề cắt tóc ra ngoài khu vực Hà Nội.
Nổi tiếng nhất phải kể đến giai thoại cụ Phan Duy Hiền được vua Bảo Đại mời vào Huế làm thợ cắt tóc riêng cho mình. Lần đó, nhân một chuyến vi hành ra Hà Nội, người thợ cắt tóc cho vua bị ốm, người hầu cận được mách đến làng Kim Liên sẽ tìm được thợ cắt tóc đẹp. Người thợ được tiến cử là anh thợ cắt tóc trẻ tuổi Phan Duy Hiền, nổi danh khắp xa gần vì tài nghệ “dao kéo” của mình.
Về phần anh thợ cắt tóc Phan Duy Hiền, do nhà vua đi vi hành, ăn mặc giản dị nên không ngờ rằng vị khách mình phục vụ là vua Bảo Đại, anh chỉ biết ở vị khách này toát lên một vẻ sang trọng, quyền quý. Cảm nhận được đôi tay tinh hoa, cầm kéo như múa và thích thú với kiểu tóc mới, vua Bảo Đại đã cho người mời anh thợ cắt tóc này vào Huế, cắt tóc riêng cho mình và các hoàng tử.
Anh Hào cho biết thêm: “Sinh thời, ông tôi hay kể, do được vua Bảo Đại quý mến, nên khi đi công du, vua Bảo Đại đều chọn ông tôi đi cùng phục vụ. Ông từng được theo vua Bảo Đại sang Pháp, Lào, Campuchia, Thái Lan….”.
Thợ cắt tóc được Nam Phương hoàng hậu ban thưởng
Lý giải vì sao ông nội mình được vua Bảo Đại trọng dụng đến vậy, anh Duy Hào cho biết, ông anh là người biết tiếng Pháp, được ăn học đàng hoàng. Ông có phong thái và lối ứng xử nhã nhặn. Lúc nào cũng điềm tĩnh, nhỏ nhẹ, thích mặc áo cổ cồn, vest trắng thanh lịch cùng với lối nói chuyện cuốn hút dí dỏm, khiến người nghe cảm thấy vui vẻ, lạc quan, đó cũng là lý do vua Bảo Đại rất quý mến ông.
Trong câu chuyện về những ngày xưa cũ, anh Duy Hào nhớ như in câu chuyện về hoàng hậu Nam Phương. Ông kể, hoàng hậu Nam Phương là một tuyệt sắc giai nhân, phong thái vô cùng mực thước. Bà đối đãi với người phục vụ rất đôn hậu, bao dung.
Một lần, ông được hoàng hậu Nam Phương cho gọi vào cắt tóc cho hoàng tử. Hoàng tử bé khóc lóc, không cho cắt, ông đã dùng khả năng hài hước của mình để trấn an hoàng tử, khiến hoàng tử bật cười, đồng ý để ông cắt tóc. Hoàng hậu Nam Phương rất vừa lòng, ban cho ông một ít vải gấm quý giá về tặng cho vợ.
Mỗi tháng nghệ nhân Phan Duy Hiền đều nhận được lương bổng rất hậu hĩnh, gửi tiền về cho vợ nuôi các con. Nhờ sự vun vén, tảo tần, vợ cụ Hiền dùng số tiền chồng gửi về mua rất nhiều điền sản. Cuộc sống vô cùng sung túc, đủ đầy, không hề thua kém giới thượng lưu đương thời…
Chữ “Nhẫn” của nghệ nhân Phan Duy Hiền
Theo lời anh Phan Duy Hào, cụ Hiền phục vụ cho vua Bảo Đại đến ngày vua trao kiếm. Sau đó, cụ từ Huế quay về Hà Nội đoàn tụ cùng vợ con.
Trước khi từ biệt, vua Bảo Đại còn cho mời cụ vào hầu chuyện, dặn nghệ nhân Hiền gắng giữ nghề truyền lại cho thế hệ sau, đừng để mai một…
Trở về Hà Nội, với chiếc hòm gỗ nhỏ đựng đồ nghề cắt tóc, Phan Duy Hiền ngày ngày vẫn cần mẫn đi khắp nơi hành nghề.
Một thời gian sau, cụ bàn với vợ dùng số vốn tích lũy được mua một loạt nhà trên phố lớn như Hàng Đào, Hàng Quạt, Đinh Tiên Hoàng…, mở các cửa tiệm cắt tóc. Đây được coi là một trong những chuỗi cửa tiệm cắt tóc quy mô, làm ăn phát đạt nhất thời bấy giờ.
Cụ trở thành người giàu có khi sở hữu nhiều đất đai, chuỗi cửa hàng, xe từ Pháp…
Khách đến tiệm lúc nào cũng nườm nượp, nghệ nhân Phan Duy Hiền phải thuê thêm thợ phụ. Nhiều khách hàng khó tính, yêu cầu cụ trực tiếp cắt.
Một lần, thấy một vị khách quen, đợi cả ngày vẫn chưa đến lượt, cụ bảo: “Hay bác sang cửa hàng bên kia đường, cũng có thợ lành nghề nhà tôi cắt, chứ để bác chờ đợi thế này, quả là ái ngại”.
Vị khách này nhất quyết không đồng ý, còn nói: “Tôi đợi 5 ngày nữa cũng được, ông cắt tôi mới ưng”.
Trong trí nhớ của mình, anh Duy Hào kể, cụ Phan Duy Hiền là người hiền lành, điềm đạm. Cụ chẳng to tiếng với vợ con bao giờ, các cháu cũng được cụ hết mực cưng chiều. Đi đâu được ăn gì ngon, cụ nhất định phải mua về cho các cháu.
Anh Hiền chia sẻ: “Nhưng trong nghề ông tôi lại là người thầy khắt khe. Năm 16 tuổi, tôi bảo ông, tôi muốn theo nghề cắt tóc. Ông cười hiền bảo tôi: ‘Muốn làm thợ cắt tóc thì phải học chữ “Nhẫn”. “Nhẫn” được rồi hãy trả lời ông học hay không’.
Rồi ông cho tôi ngồi “vẩy” kéo suốt nửa năm trời, bao giờ tự tin cảm thấy điều khiển được cây kéo như thể những ngón tay mình thì ông mới truyền nghề”.
Suốt 6 tháng trời, anh Duy Hào tập cầm kéo, điều khiển kéo cho thành thục. Trái với sự hào hứng ban đầu, anh tập đến tóe máu, phồng rộp ngón tay mà vẫn không điều khiển kéo theo ý mình được. Chán nản anh vất kéo xuống đất và tự hứa sẽ không cầm đến nó một lần nào nữa.
Anh kể tiếp: “Ông nội biết chuyện, ông gọi tôi vào và bảo chữ “Nhẫn” ông muốn tôi học chính là lòng kiên nhẫn, kiên trì. Nếu không có nó tôi sẽ không thể học được bất kể nghề gì.
Nghe ông nói, tôi nhặt kéo lên, tiếp tục tập. Vài tháng sau khi tôi có thể “vẩy” kéo điệu nghệ, ông bắt đầu truyền nghề cho tôi”.
Sau đó, người thợ phải lấy khăn nước ấm lau mặt, lấy bông nhét lỗ tai cho khách khỏi nghe thấy tiếng kéo. Nước xả lên tóc phải có mùi nước hoa để tạo hương thơm.
Khi cắt xong, trên người khách không có sợi tóc nào dính lên đó mới là đạt vì người Pháp rất khó tính và cầu kỳ.
Ngày đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai của người thợ cắt tóc. Những người khách cắt tóc của làng phần lớn là người Pháp và Trung Quốc. Sau đó, làng đã thành lập một công ty dịch vụ cắt tóc mang tên Phạm Ngọc Phúc.
Công ty làm việc rất nghiêm ngặt, luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Ai đến cắt tóc đều có phiếu và khách được chọn người cắt tóc cho mình. Khi mỗi người cắt tóc xong, họ đều có góp ý vào quyển sổ.
Anh Hào tiếp tục câu chuyện về người ông của mình:
“Ông tôi dạy, làm nghề này điều thứ nhất là phải tôn trọng khách hàng, điều thứ hai là phải làm nghề bằng cả cái đầu chứ không phải chỉ bằng đôi bàn tay.
Cứ thế, ông truyền nghề cho tôi với tất cả đam mê và nhiệt huyết. Cho đến những năm cuối đời ông vẫn xách chiếc hòm gỗ nhỏ lên phố Hai Bà Trưng cắt tóc.
Bắt đầu ngày mới, bao giờ ông cũng có thói quen mặc bộ vét trắng, hôm thì sơ mi, quần âu trắng, đầu chải gọn gàng, thoa vaselin bóng mượt rồi mới đi làm.
Trước khi mất 3 ngày, ông vẫn cắt tóc cho khách bình thường, về nhà ông kêu hơi mệt rồi 2 hôm sau ông ra đi rất nhẹ nhàng. Năm đó là năm 1985, ông tròn 81 tuổi”.
Theo vietnamnet