Tinh Hoa

Giai thoại về 2 kỳ nhân triều Đường: Tăng nhân lười và Tể tướng Lý Tiết

Triều đại nhà Đường có thể nói là thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử Trung Hoa. Giai đoạn này, đạo đức con người ở mức rất cao, cũng xuất hiện vô vàn kỳ nhân, triển hiện những Thần tích như khích lệ con người tín tâm vào Thần.

Khi đạo đức con người ở mức rất cao, cũng xuất hiện vô vàn Thần tích, như khích lệ con người tín tâm vào Thần. (Ảnh: Kknesw)

Vào đầu năm Thiên Bảo triều đại nhà Đường, ở chùa Hoành Nhạc có một tăng nhân rất đặc biệt. Thoạt nhìn, ông không khác gì những tăng nhân khác, hằng ngày vẫn tụng kinh niệm Phật, làm một vài việc lặt vặt. 

Mỗi lần có bố thí cơm chay, khi người ta đã ăn xong hết và rời đi, ông mới đủng đỉnh tới, nhặt đồ ăn thừa người ta bỏ lại mà ăn. Mọi người thấy ông lười nhác, lại hay thích nhặt cơm thừa ăn nên gọi ông là ‘Lãn tàn’, tức kỳ tăng lười. 

Kỳ tăng lười mà không lười, thanh âm kỳ diệu trong trẻo 

Mọi người gọi ông là ‘kỳ tăng lười’ nhưng kỳ thực ông không hề lười nhác. Tất cả các việc vặt trong chùa đều do ông chịu trách nhiệm quét dọn xử lý. Ông làm việc miệt mài từ sáng sớm tới tối mịt mới trở về chuồng bò nghỉ ngơi. Mọi người cũng chưa bao giờ thấy ông có biểu hiện mệt mỏi hay chán nản. Cứ như vậy ông sống trong chùa 20 năm.

Khi đó, Lý Tiết ở chùa đọc sách. Ông chú ý tới tất cả những việc vị tăng nhân này làm, trong lòng thầm thán phục: ‘Người này không phải người bình thường’. Một đêm nọ, kỳ tăng lười ngâm vịnh Phật khúc, thanh âm vang vọng trong trẻo khắp núi rừng. 

Lý Tiết là người tinh thông âm luật, thông qua giọng ngâm của vị tăng nhân có thể phân biệt ra được hỷ nộ ai lạc. Ban đầu giọng ca là âm thanh trong trẻo, thê lương, than thở, sau đó chuyển thành vui vẻ. 

Thông qua đây, Lý Tiết biết ông là một vị tiên nhân, có lẽ phạm lỗi nơi thiên giới mà bị đày xuống trần gian. 

Thần đồng bảy tuổi nhanh nhẹn như người lớn

Lý Tiết, vị tế tướng sau này phụ tá bốn đời hoàng đế tại sao lại có thể đồng cảm và hiểu được ‘kỳ tăng lười’? 

Nhắc tới Lý Tiết, cũng thực sự là một huyền thoại trong sử sách. Từ khi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng. Sách chỉ cần đọc qua một lần là có thể thuộc, bảy tuổi có thể làm thơ, ngâm thơ. 

Vào năm Khai Nguyên thứ 16, kinh thành tổ chức tuyển chọn nhân tài là trẻ nhỏ. Vua Đường Huyền Tông đích thân lên lầu, phía dưới thiết kế chỗ ngồi và cho mời các diễn giả của tam giáo là Thích, Nho, Đạo tới bàn luận. 

Video: Vì sao Lão hòa thượng cướp dâu?

Khi đó có một thần đồng chín tuổi, mặc trang phục Nho giáo tên Viên Xúc bước vào vị trí cùng tranh biện với mọi người, lại có thể biện luận thấu tình đạt lý làm mọi người đều khâm phục. Vua Đường rất đỗi ngạc nhiên, gọi cậu lên lầu nói chuyện. 

Trong lúc nói chuyện, vua Đường hỏi: “Còn người nào giống như khanh không?”. Viên Xúc thưa rằng: “Có một người tên Lý Tiết”. Vua Đường nghe vậy liền cử người đi tìm và đưa cậu bé Lý Tiết khi đó mới 7 tuổi về cung.

Khi cận thần đưa Lý Tiết tới, vua đang cùng Trương Thuyết quan sát kỳ thủ đánh cờ. Để kiểm tra tài trí của Lý Tiết, Trương Thuyết lấy chủ đề cờ vây, nói một câu: “Phương nhược kỳ bàn, viên nhược kỳ tử, động nhược kỳ sinh, tịnh nhược kỳ tử”, nghĩa là: Vuông thì giống như bàn cờ, tròn thì giống như quân cờ, khi động giống như quân cờ hoạt động, khi tĩnh giống như quân cờ đã chết.

Thấy Lý Tiết còn nhỏ tuổi, Trương Thuyết khuyên cậu: “Chỉ cần căn cứ theo ý nghĩa chung nhất mà đối, không cần có từ ‘kỳ’ (cờ) là được”.

Lý Tiết đối rằng: “Phương nhược hành nghĩa, viên nhược dụng trí, động nhược sính tài, tịnh nhược đắc ý”. Nghĩa là: Vuông giống như chính nghĩa, tròn giống như trí tuệ, động giống như khao khát tài năng, tĩnh giống như khi tâm được toại nguyện. 

Trương Thuyết kinh ngạc tới ngẩn người không nói lên lời, một cậu bé mới 7 tuổi, tài năng và tư duy lại giống như một người trưởng thành vậy. Vua Đường cũng mỉm cười mà nói: “Sự thông minh tài trí của cậu bé này thực sự vượt xa với tuổi tác”.

Trương Thuyết vui mừng chúc mừng vua Đường: “Bệ hạ, đây là điềm lành xuất hiện trong thời thái bình thịnh trị”. Vua Đường vui mừng ra mặt, ôm Lý Tiết vào lòng, lấy điểm tâm cho ăn sau đó sai người đưa tới Trung Vương viện, hai tháng sau mới đưa về nhà. 

Không những vậy, lại sai người mang quần áo và mấy chục thất tơ lụa cho cậu. Sai người thông báo với người nhà rằng, vì cậu bé còn nhỏ tuổi, sợ bị hại nên không phong quan chức. Vua hy vọng người nhà hãy chăm sóc bảo vệ cậu bé, bảo vệ bậc lương đống trụ cột của nước nhà. 

Một đứa trẻ 7 tuổi làm kinh động tới tận vua Đường, cũng trở thành thần tượng nhỏ của các đại thần trong triều. Trương Cửu Linh, Hạ Trí Chương, Trương Đình Khuê, Vi Hư Tâm… đều rất yêu quý cậu.

Trương Cửu Linh, tể tướng đương triều lúc đó rất yêu quý cậu bé, thường đưa cậu tới nhà mình chơi. Trương Cửu Linh thường nhắc nhở: “Việc nổi danh quá sớm sẽ mang lại cho con nhiều đau khổ. Con nên che giấu tài năng mới có thể trở nên thập toàn thập mỹ. Từ xa xưa, các bậc tướng tài đều che giấu tài năng và rất coi trọng điều này, huống hồ con mới chỉ là một đứa trẻ. Con chỉ nên làm thơ khen ngợi phong cảnh, hay ca ngợi những nhà hiền triết cổ đại, đừng nên thể hiện tài hoa của mình là tốt nhất”. Lý Tiết nghe xong dưng dưng nước mắt cảm tạ. 

Lý Tiết chuyên cần tu đạo, tự nghiêm khắc yêu cầu bản thân nên được người đời sau ca ngợi là ‘Tể tướng Thần tiên’. (Ảnh: Pinterest)

Thần đồng có tiên duyên

Thân thể Lý Tiết khi còn nhỏ rất nhẹ, có thể đứng trên bức bình phong. Có một đạo sĩ từng nói: “Khi cậu bé này 15 tuổi, sẽ bay lên giữa ban ngày, bay lên thành thần tiên”. Khi cậu bé 15 tuổi, một ngày nọ người nhà nghe thấy trong phòng vang lên tiếng khèn, xuất hiện nhiều đám mây ngũ sắc trên cây trong vườn. 

Gia tộc họ Lý sợ cậu bé bay lên trời, nên cả nhà bàn nhau giã rất nhiều tỏi trộn với bùn, tới mấy thùng lớn. Khi ngửi thấy mùi thơm kỳ lạ tràn ngập trong sân, lập tức leo lên nóc nhà giội bùn trộn tỏi khắp nơi, làm âm nhạc và mùi thơm biến mất. Bởi tỏi thuộc về ‘huân’, tiên gia rất ghét hương vị này. 

Kỳ tăng dự đoán Lý Tiết sẽ giữ chức tể tướng 10 năm

Đây là tuổi thơ thần kỳ của cậu bé thần đồng Lý Tiết. Nếu không phải Thần tiên giáng trần, sao cậu có được một trải nghiệm kỳ diệu như vậy? Khi nhìn thấy vị tăng nhân kỳ lạ và nghe được những lời ngâm thơ của ông, trong lòng đồng cảm nên giữa đêm Lý Tiết quyết định tới viếng thăm. 

Lý Tiết đứng ở cửa nhà cỏ, cung kính thông báo tên họ của mình, lại hành lễ bái lạy. Kỳ tăng lười dùng phân bò nướng khoai lang, sau khi chín thì lấy ra một củ ăn. Rất lâu sau đó mới nói với Lý Tiết: “Cậu có thể ngồi xuống đất”. Ông đưa nửa củ khoai còn lại cho Lý Tiết, anh ta cung kính dùng hai tay đỡ lấy củ khoai và ăn hết rồi nói lời cảm tạ. 

Kỳ tăng nói: “Hãy nhớ kỹ, đừng nói quá nhiều. Sau này ngươi có thể làm tể tướng trong 10 năm”. Lý Tiết ghi nhớ lời kỳ tăng, sau khi hành lễ, cung kính rời khỏi nhà cỏ. 

Kỳ tăng triển hiện thần tích làm mọi người kính phục

Một tháng sau, có một vị thứ sử lên núi cúng tế thần. Đêm đó, đột nhiên mưa gió sấm sét nổi lên làm một ngọn núi bị sụp đổ. Con đường dẫn lên núi bị một tảng đá lớn chắn ngang, lại không có đường khác để đi. 

Thứ sử sai người dùng 10 con bò buộc dây kéo mạnh, lại huy động 100 người cùng nhau đẩy, mọi người đều cố hết sức nhưng tảng đá vẫn không di chuyển, ngược lại dường như càng vững chắc hơn.  

Kỳ tăng lười thấy vậy nói với mọi người: “Không cần nhân lực, để ta thử di chuyển tảng đá này đi xem sao”. Mọi người nghe thấy đều cười to và cho rằng ông là kẻ điên. Thấy vậy ông nói với mọi người: “Sao lại giễu cợt ta chứ, ta chỉ thử thôi mà”. 

Các tăng nhân trong chùa mỉm cười đồng ý. Kỳ tăng lười đạp lên hòn đá một cái, hòn đá to liền di chuyển, đột nhiên chuyển hướng xoay vòng tròn và lăn xuống dưới phát ra tiếng động long trời lở đất, và con đường lên núi được khai thông.  

Lúc này, các nhà sư đều nhìn ông với vẻ kinh ngạc, mọi người xếp hàng bái kiến để tỏ lòng tôn kính. Mọi người đều gọi ông là ‘chân thánh”, thứ sử cũng cung kính cảm tạ ông.

Sau này, kỳ tăng lười đi đâu không ai hay biết. Còn Lý Tiết quả nhiên đã làm tể tướng 10 năm đúng như lời kỳ tăng dự đoán. Lý Tiết đã lên chiến lược bày mưu lập kế và hỗ trợ Đường Túc Tông dẹp yên loạn thần An Lộc Sơn. 

Bởi hằng ngày ông đều chuyên cần tu đạo, tự nghiêm khắc yêu cầu bản thân nên được người đời sau ca ngợi là ‘Tể tướng Thần tiên’. Hai vị tiên giáng trần thời đại Đường, những trải nghiệm của họ thực sự là huyền thoại.

Nhật Hạ biên dịch