Vào những ngày đầu tiên của năm mới, người Việt có thói quen mua một muối về nhà lấy may cho cả năm. Trong khi đó, những ngày cuối năm lại là thời điểm người ta mua vôi về để quét lại nhà, tường, cổng với hy vọng tránh được những điều không may.
Đầu năm mua muối
Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình.
Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận gắn bó giữa vợ chồng, con cái.
Ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người quan niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn tấn tới, mua may bán đắt, tình cảm gia đình đầm ấm, trọn vẹn như vị đậm đà của muối.
Vì vậy, vào sáng mùng 1 Tết, chúng ta hay bắt gặp cảnh những người rao muối dạo. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.
Cũng có người quan niệm rằng hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp.
Hạt muối tuy nhỏ nhoi, ít giá trị kinh tế nhưng mang trong mình ý nghĩa văn hóa phi vật thể thiêng liêng. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.
Tại các đình chùa, sáng mùng 1 Tết, người ta thường bày bán muối bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương… để sau khi vào lễ Phật, lúc ra về các bà, các chị mau một gói muối với hy vọng một năm mới mọi việc tốt đẹp và may mắn.
Hơn nữa ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, hà tiện”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Cuối năm mua vôi
Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm bởi người xưa quan niệm vôi mà trắng biểu tượng cho sự bạc bẽo (bạc như vôi). Thế nên đầu năm phải tránh mua vôi để tránh những rủi ro trong năm mới, tránh rạn nứt và đổ vỡ trong quan hệ tình cảm gia đình cũng như công việc.
Đối với người Việt, “tậu trâu, lấy vợ, xây nhà” là 3 việc trong đại trong đời vì thế, việc mua vôi được ví von như “xây nhà” – việc quan trọng vào dịp cuối năm. Vôi quét nhà cuối năm cũng có ý nghĩa là xóa đi những điều không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu mới mẻ để sửa chữa những sai lầm, khôi phục những thất bát đã qua.
Người ta thường mua mua vôi vào cuối năm để quét lại nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Ở nông thôn, nhiều gia định có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.
Hiện nay, tục lệ này được rất ít người biết đến và quan tâm, tuy vậy, nhiều gia đình vẫn duy trì thói quen và tập tục đẹp đẽ này.
Theo VTC,KT