Tinh Hoa

Giải pháp của vấn đề rác thải nhựa đại dương cần bắt đầu từ khâu “thiết kế sản phẩm”

Tại Diễn đàn Khoa học Mở châu Âu ở Pháp, các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp cho tình trạng rác thải nhựa đại dương đang ngày càng gia tăng. Điều này buộc chúng ta nhìn lại việc sử dụng và thiết kế các sản phẩm nhựa.

Rác thải đang tràn ngập đại dương. (Ảnh qua AIESEC in the Netherlands)

Richard Thompson, nhà sinh học biển tại Đại học Plymouth, Anh, cho biết: Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải “xem xét một cách kỹ lưỡng dòng đời và thời điểm kết thúc dòng đời của sản phẩm ngay từ lúc bắt đầu, từ giai đoạn thiết kế”.

Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng, các giải pháp như: Dọn sạch đại dương, cấm các sản phẩm sử dụng một lần không cần thiết, phân hủy sinh học, thậm chí tái chế – không một giải pháp độc lập nào trong số đó có thể giải quyết tận gốc tình trạng hiện nay. Tuy gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đã và đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Thompson cho biết thời gian đầu nghiên cứu về sinh học biển, ông không ngờ rằng “rác thải” sẽ là trọng tâm trong công việc của mình. Trong những lần thám hiểm các đại dương trên thế giới, những gì ông tìm thấy là rác, đặc biệt là nhựa. Rác ở khắp nơi, đủ mọi kích cỡ.

Rùa biển ăn phải túi nhựa. (Ảnh qua expatlifeinthailand.com)

Ông nói: “Giờ đây, khó mà tìm được môi trường biển nào trên thế giới không có rác”. Ông và nhóm nghiên cứu đã cùng nhau xuất bản một bài báo về nhựa vi mô năm 2004, trong đó thống kê lại những mẩu nhựa họ tìm thấy trong cát với kích thước “nhỏ hơn đường kính của một sợi tóc người”.

Từ đó, cộng đồng nghiên cứu đã công bố hàng trăm bài báo liệt kê những nguy hại tiềm ẩn mà rác thải có thể gây ra cho khoảng 700 loài sinh vật biển, từ việc mắc vào “lưới ma” cho đến xâm nhập vào chế độ ăn của sinh vật phù du. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng nhựa vẫn có giá trị to lớn cho các ứng dụng như chăm sóc sức khỏe, lưu trữ thực phẩm và sản xuất.

“Chúng mang lại nhiều lợi ích có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của con người đối với hành tinh”, ông nói.

Thompson cho biết, vấn đề là phần lớn nhựa đều được sản xuất mỗi năm từ những “hình thức kinh doanh lạc hậu và kém hiệu quả”, thêm nữa người sản xuất không hề quan tâm đến vòng đời sử dụng của nhựa.

“Rác thải nhựa ở biển là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn nhiều về việc sử dụng tài nguyên nhanh chóng đến mức lãng phí”.

Dù rằng biển hầu như là nơi vòng đời của nhựa kết thúc, nhưng “chúng ta phải thừa nhận một sự thật là giải pháp lại không nằm ở biển”, Jean-François Ghiglione, một nhà vi sinh vật tại Đài quan sát hải dương học ở Banyuls, Pháp cho hay.

Một số ý tưởng được đề xuất đã khiến các nhà nghiên cứu đau đầu. Các sáng kiến sử dụng lưới để gom rác biển là “một mối quan tâm thực sự”, Alexandra Ter Halle, một nhà hóa học tại Đại học Paul Sabatier, Toulouse, Pháp cho biết. Một dự án mang tên Ocean Cleanup (Làm Sạch Đại Dương) đang lên kế hoạch sử dụng các hệ thống gồm những tấm lưới lớn gắn với phao nổi trên biển dài đến 2 km (1,2 dặm) để thu gom nhựa thải từ “bãi rác khổng lồ” Thái Bình Dương.

Dự án Ocean Cleanup dùng các phao nổi để chặn rác thải ở đại dương. (Ảnh qua Awesome Babes)

>>> Bạn còn nhớ cậu bé phát minh ra cách dọn sạch rác nhựa trên biển? Cậu ấy đã quay trở lại…

Ter Halle dẫn đầu chuyến thám hiểm lục địa lần thứ 7 ở Bắc Đại Tây Dương vào năm 2015. Từ các cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu, bà và các đồng nghiệp đã lần đầu tiên ghi lại sự hiện diện của các hạt “nhựa nano” hiển vi trong đại dương. Tuy nhiên dữ liệu của họ vẫn chưa đưa ra nhiều bằng chứng về cách thức nhựa lan tỏa trong môi trường.

Ông Ghiglione đã nghiên cứu việc vi khuẩn có thể làm suy thoái nhựa. Đối với một số vi khuẩn, nhựa có vẻ là một nguồn thức ăn yêu thích.

>>> Các nhà khoa học vô tình tìm ra enzyme có thể “ăn” chai nhựa

“Chúng thực sự thích nhựa”, ông nói. Nhưng chúng có thể cày hết hàng tấn rác thải trong đại dương không? “Không có chuyện đó”.

Thompson quay trở lại với ý tưởng chúng ta cần phải suy nghĩ về nguồn gốc của tất cả mớ rác thải này. Thật vậy, cần phải loại bỏ các vật liệu và bao bì không cần thiết. Ví dụ, vào ngày 9/7, Starbucks đã thông báo sẽ ngừng cung cấp ống hút bằng nhựa trong các cửa hàng của mình vào năm 2020.

Thompson cho biết: “Có một số sản phẩm nhựa mà đáng lẽ chúng ta không cần đến”. Ông nói thêm: “Tôi cho rằng chúng ta có thể ban hành luật cấm sử dụng chúng”.

“Tuy nhiên, không thể áp dụng các thay đổi về chính sách và pháp lý đối với mọi loại nhựa và cách sử dụng chúng. Đồng thời với sự gia tăng của các dạng nhựa khác nhau, trong nhiều trường hợp, việc xử lý quá phức tạp đối với một người bình thường cũng là một phần của vấn đề”.

Chúng ta có thể tái chế nhiều nhựa hơn so với hiện nay. Thật vậy, hiện nay chỉ có khoảng 10% nhựa đã sử dụng được tái chế thành sản phẩm mới. “Tại sao lại thấp như vậy?”, Thompson nói.

Một lần nữa, chúng ta cần quay trở lại giai đoạn trước khi sản xuất nhựa. “Nếu chúng không được thiết kế để có thể tái chế, thì chúng ta chỉ đang tự lãng phí thời gian”,  ông nói thêm.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Thời báo Đại Kỷ Nguyên.

Tác giả: John Cannon

Bảo San, theo Epoch Times