Theo phong tục từ xưa thì tử tù trước khi chết sẽ được ăn một bữa thịnh soạn no nê, đôi lúc trong những món ăn còn có 1 miếng thịt sống. Người ngày nay chỉ biết rằng đó là để họ sau khi chết làm ma no, nhưng nguồn gốc sâu xa thật sự của tập tục này thì không mấy ai rõ.
Cổ nhân quan niệm rằng, con người ta khi đến thế gian này vốn là không dễ dàng, cho nên lúc rời đi thì càng đàng hoàng càng tốt. Điều này đúng đối với những người bình thường trải qua sinh, lão, bệnh, tử nhưng cũng đúng với những người đã phạm tội nặng phải tử hình.
Thời phong kiến cổ đại đề cao việc “dùng nhân từ để trị”, hết sức coi trọng sinh mạng. Khi quan phủ giết phạm nhân, về cơ bản họ sẽ chọn thời điểm vào giữa mùa thu và trước mùa đông, đó là vì để thuận theo ý trời, mọi thứ lúc đó đang dần khô héo, xử trảm tội phạm vào lúc này là thuận theo tự nhiên. Còn về ngày hành quyết, cũng có nhiều quy định phức tạp, ví dụ, hành hình phải vào giờ ngọ 3 khắc (tức 11 giờ 45 phút), ngoài thời gian này thì những giờ khác không phù hợp.
Người xưa cho rằng, giờ ngọ 3 khắc là thời điểm có dương khí thịnh nhất trong ngày, chọn hành hình vào thời điểm này có thể ngăn chặn hồn ma của tội phạm quay trở lại trần gian làm hại người khác. Trước khi xử trảm, những tử tù này sẽ được một bữa ăn ngon, bữa ăn cuối cùng này được gọi là “cơm đoạn đầu đài” hay “cơm từ dương”.
Bữa cơm này ít nhất phải có hai món, thông thường là có thịt, rau, cơm, bánh bao, đôi lúc còn có thêm 1 bình rượu nóng để họ lặng lẽ lên đường trong cơn say. Sở dĩ cho tử tù ăn no là vì người xưa quan niệm không làm quỷ chết đói, cho nên vô luận người này đã phạm sai lầm gì, thì lúc sắp chết cũng đều coi là trả nợ, nên hành động này cũng được tính là một loại thiện niệm đối với tử tù.
Theo ghi chép lịch sử, “cơm đoạn đầu đài” có sớm nhất vào thời Xuân Thu. Sau khi Sở Trang Vương, một trong 5 vị vua của thời Xuân Thu bình định, dẹp loạn, ông đã tống giam các quan lại và kết án tử hình. Vì muốn thể hiện là một người có tấm lòng rộng lượng, ông ra lệnh khoản đãi những phản thần kia, cho họ ăn thêm bữa trước khi chết, đợi bọn họ sau khi ăn uống no đủ sẽ hành hình, tránh phải làm ma đói dưới âm phủ. Kể từ đó, cơm đoạn đầu đài vẫn tiếp diễn, và kéo dài cho đến ngày nay.
Các triều đại khác nhau có quy định về “cơm đoạn đầu đài” khác nhau, nhà Tống quy định rõ ràng, tiền cơm không được ít hơn tiêu chuẩn 5.000 đồng. Căn cứ theo vật giá thời đó mà xét thì bữa “cơm từ dương” là một bữa ăn sang trọng và thịnh soạn. Nhưng dù ngon đến mấy cũng khó khơi dậy cảm giác thèm ăn của tử tù, bởi ăn bữa cơm này đồng nghĩa với việc điều chờ đợi họ sẽ là cái chết.
Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, “cơm đoạn đầu đài” có một chút đặc biệt, ngoài những thức ăn được nấu chín, thì một miếng thịt sống cũng được đặt trong bát của các tù nhân trước khi bị hành quyết, vì sao vậy? Tương truyền, sau khi chết, linh hồn sẽ lìa khỏi xác, bị quỷ hắc bạch vô thường dẫn đến âm tào địa phủ, rồi giao cho đầu trâu mặt ngựa áp giải đến Thập điện Diêm La tiến hành xét xử.
Chỉ sau khi hồn ma hoàn thành những việc này, họ mới có thể đi trên Cầu Nại Hà rồi tiến vào Lục đạo, uống canh Mạnh Bà và đầu thai chuyển thế. Tuy nhiên, trên cầu Nại Hà, ngoài Mạnh Bà ra còn có một con chó hết sức hung dữ, quỷ hồn một khi bị nó nuốt chửng thì không thể đầu thai.
Vì vậy, quản ngục bỏ một miếng thịt sống vào bát của người tử tù để người này sau khi chết đem xuống âm phủ cho con chó dữ kia ăn. Con chó khi có thịt thì sẽ không ăn những linh hồn kia nữa, như vậy tử tù cũng không phải gặp cảnh hồn phi phách tán, thống khổ nữa, đầu thai chuyển thế cũng dễ dàng hơn.
Chế độ hình phạt thời cổ đại mặc dù nghiêm khắc, nhưng cũng sẽ chuẩn bị bữa ăn tử tế cho người bị xử trảm, để họ có thể yên tâm lên đường. Đây cũng có thể coi là việc làm nhân đức của người cai trị, để các tử tù có cơ hội được đầu thai làm người. Ngoài ra lý do bỏ thịt sống vào bát là để tránh việc tù nhân ăn hết thịt, thì khi đến âm phủ gặp con chó hung dữ sẽ không có gì cho nó ăn.
Trên thực tế, điều này cũng khiến các tử tù cảm thấy an tâm hơn vì khi xuống âm phủ sẽ không bị chó dữ tấn công, có thể đầu thai một cách thuận lợi. Từ thời nhà Minh đã có phong tục này, được truyền từ đời này sang đời khác, đến nay người ta còn chuẩn bị thịt sống khi cúng tổ tiên, có thể cũng liên quan đến phong tục này.
Tử Vi (Theo Sound Of Hope)