Khi nhắc đến 2 từ “gia trưởng”, người ta thường liên tưởng tới một người độc đoán, cứng nhắc, áp đặt ý chí của mình lên kẻ khác. Tuy nhiên, hàm nghĩa thực sự của nó có phải là như vậy?
“Gia trưởng” thực sự là gì?
Bản thân “gia trưởng” chỉ có nghĩa là “người chủ gia đình”. Vì sao một gia đình lại cần có chủ? Trong thế giới quan của Nho gia, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hài hòa yên ấm thì xã hội mới thái bình thịnh trị. Ngược lại, gia đình lục đục thì xã hội cũng rối loạn. “Tề gia” và “trị quốc” có mối quan hệ khăng khít.
Đức Khổng Tử nói: “Phải làm sao cho mọi người làm tròn chức vụ của mình. Vua ở cho hết phận vua, tôi ở cho hết phận tôi, cha ở cho hết phận cha, con ở cho hết phận con”.
Vua Cảnh Công khen rằng: “Ngài nói phải thay! Nghĩ như vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, ở trong tình cảnh hỗn loạn như thế, dẫu là ta có lúa thóc đầy kho, có chắc được ngồi yên mà ăn được không?”.
“Tề gia” và “trị quốc” ấy lại bắt đầu từ “tu thân”. “Tu thân” là tu dưỡng đạo đức. Sách Đại Học có câu: “Làm vua thì hết mình thực hiện đức nhân. Làm bề tôi thì hết mình thực hiện đức kính. Làm con thì hết mình thực hiện đức hiếu. Làm cha thì hết mình thực hiện đức từ. Cùng người trong nước quan hệ với nhau phải hết mình thực hiện đức tín”.
Bậc gia trưởng muốn giáo dưỡng được con trẻ, duy trì được gia quy, thì trước tiên phải có đạo đức, vì “tự bản thân mình không tu dưỡng tốt thì không lấy gì chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc được“.
Như vậy có thể thấy, hai chữ “gia trưởng” vốn mang hàm nghĩa tốt đẹp, hài hòa. Bản thân chữ “Nho” trong Nho giáo là chữ “Nhân” đứng cạnh chữ “Nhu” mà thành, chỉ người vừa nhân đức vừa nhu thuận. Điều này chẳng trái ngược với quan điểm hiện nay cho nhà Nho là độc đoán, chuyên quyền hay sao? Nhà Nho là người học sách thánh hiền, dạy bảo người đời ăn ở hợp luân thường, đạo lý. Chẳng thế mà người nào có phong thái thanh cao cũng được khen là “nho nhã”.
Gia trưởng phải chăng là “chà đạp coi thường phụ nữ”?
Dẫu vậy, không ít người hiện nay do hiểu lầm mà đả kích Nho giáo là “chà đạp phụ nữ”. Thật vậy chăng? Thực tế là, Nho giáo đề cao tình nghĩa vợ chồng, không cho phép ngoại tình sau khi kết hôn. Đàn ông không được ngoại tình, đánh mắng vợ vì đó là hành vi “bất nhân, bất nghĩa”, sẽ bị các bậc trưởng thượng và gia tộc phê phán.
Mẹ già không lo bị con cái bỏ rơi. Phụ nữ tu dưỡng công-dung-ngôn-hạnh, khiến cho gia đình được yên ấm. Nho giáo cũng coi trọng trinh tiết, phê phán quan hệ tình dục trước hôn nhân và sống thử, coi đó là hành vi bại hoại đạo đức và gia quy.
Nếu so với “giải phóng tình dục” hiện nay và “chà đạp phụ nữ” thì cái nào hơn? Ngày nay, người ta dường như rất coi trọng bình đẳng giới: em rửa bát thì anh phải quét nhà. Song “em rửa bát anh quét nhà” có đủ là tôn trọng phụ nữ không?
Khi ngày nay dục vọng và tà dâm lại được coi là “bản lĩnh đàn ông”, “tình một đêm” lại chứng tỏ “tư tưởng thông thoáng”, “ông ăn chả, bà ăn nem” thì các bậc tiền bối trong gia đình cũng không thể can thiệp vào. Điều này trực tiếp và gián tiếp dẫn đến bao chuyện đau lòng: nạo phá thai tuổi vị thành niên, bệnh lây qua đường tình dục, gia đình lục đục bất hòa… Người phụ nữ trong xã hội hiện nay, tuy trên bề mặt có luật pháp bảo vệ, nhưng thực tế đã không còn “tâm pháp” bảo hộ nữa.
“Nắm tay nhau cho tới bạc đầu” (Kinh Thi)
Vào thời Bắc Tống có một vị nho sinh tên Lưu Đình Thức, người Tề Châu (Sơn Đông ngày nay). Trước khi đỗ tiến sĩ, ông từng quen biết một người con gái tại quê nhà, đã xác định đi đến hôn nhân nhưng chỉ là chưa chính thức làm lễ ăn hỏi.
Về sau, Lưu Đình Thức đỗ tiến sĩ, làm quan nức tiếng một vùng. Trớ trêu thay, người con gái ấy lại lâm bệnh, đến nỗi mù cả hai mắt. Gia cảnh cô bần hàn, vì thế cũng không dám nhắc lại chuyện hôn nhân với nhà họ Lưu nữa.
Trong số các vị bằng hữu, có người khuyên Lưu Đình Thức: “Người con gái kia đã bị mù cả hai mắt, ông nên vì tiền đồ của bản thân và tương lai của gia đình mà chọn người khác để kết hôn. Nếu ông nhất định muốn cùng nhà ấy kết thân, thì hãy lấy em gái của cô ta mới tốt”.
Lưu Đình Thức đáp rằng: “Ta năm đó cùng cô ấy đính ước, đã hứa trao tấm lòng mình cho cô ấy rồi. Giờ đây nàng mắt đã bị mù, nhưng cái tâm của nàng vẫn còn nguyên tốt đẹp. Ta nếu làm trái tâm nguyện xưa, thì tâm ta đã điên đảo trở nên xấu xa rồi.
Mỗi người sớm muộn đều sẽ về già, lúc vợ đã già nhan sắc héo tàn, chúng ta cũng không thể thay thế một cô gái trẻ đẹp đúng không? Con người phải giữ được thành tín, bản thân không thể thay lòng”.
Và rồi hai người họ thành thân. Lưu Đình Thức hết lòng chăm lo cho người vợ mù, đôi vợ chồng chung sống hòa thuận, rất mực thương yêu nhau, trước sau nuôi dạy được mấy người con.
Lòng chung thủy và tín nghĩa của nho sinh Lưu Đình Thức thể hiện trọn vẹn nhân sinh quan của Nho gia về đạo phu thê, trong đó người phụ nữ được bảo vệ bằng chuẩn mực đạo đức rất cao. Lưu gia là một “gia trưởng” đúng nghĩa. Vậy “gia trưởng” đích thực có nội hàm như thế nào, “gia trưởng” rốt cuộc là tốt hay xấu, hẳn chúng ta đã đều phân biệt rõ.
Ngôn ngữ chuyên chở nội hàm văn hóa, bởi thế, sự hiểu lầm hay bóp méo ý nghĩa của từ ngữ có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý phủ định nét đẹp của văn hóa truyền thống. Nếu như mỗi người tự có thể ý thức được tư tưởng chân chính đằng sau mỗi câu chữ mình sử dụng, từ đó tìm về cội nguồn văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thì đạo đức mới được đề cao trở lại, thì các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội mới trở nên hài hòa thực sự.
Theo ĐKN