Trong Tây Du Ký, gậy như ý của Tôn Ngộ Không có sức nặng là 13.500 cân, trong khi đó binh khí của Bát Giới và Sa Tăng đều nặng 5.048 cân. Chúng ta chỉ biết rằng ba loại binh khí này rất nặng, nhưng về ý nghĩa của những con số này thì rất ít người biết.
Người xưa viết sách, rất coi trọng việc dùng ẩn ý, ngụ ý, để nói lên những nội hàm sâu rộng. Và đặt biệt là trong tác phẩm Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân đã sử không ít những con số “ẩn ngụ”, và chúng đều là mang những ý nghĩa triết học truyền thống của Trung Quốc.
1. Gậy như ý (Kim Cô Bổng) có sức nặng bằng số lần hít thở của một người trong một ngày
Ngô Thừa Ân dường như có sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với đạo sĩ Trương Bá Thụy, trong tác phẩm đã nhiều lần liệt kê lại thi từ của ông ấy.
Trương Bá Thụy có viết một quyển sách mang tên Kim đan 400 chữ, trong đó có câu “Đại tắc nhất nhật kết nhất vạn tam thiên ngũ bách tức chi thai, tiểu tắc thập nhị thì hành bát vạn tứ thiên lý chi khí” – ý là một người một ngày hít thở dài là 13.500 lần, thở ngắn thì là 84.000 lần.
Và trong Tây Du Ký, tác giả đã chọn con số này làm sức nặng của Kim Cô Bổng, với ngụ ý Tôn Ngộ Không là “Tâm vượn”, nên cần không ngừng tôi luyện.
Kim cô bổng có tên đầy đủ là “Như ý Kim Cô Bổng”, nhũ danh là “Linh dương bổng”, biệt danh là “Định hải thần trân thiết”. Gọi là gậy như ý, chính là tùy tâm sử dụng, muốn lớn thì sẽ lớn, muốn nhỏ thì sẽ nhỏ, đại biểu cho chí khí của con người.
Còn vì sao gọi là “Định hải thần trân thiết”? Ý là tâm người định thì biển lặng trời yên; tâm bất định, ắt sẽ là cuồng phong bão tố.
2. Sức nặng binh khí của Trư Bát Giới, Sa Tăng đều là 5.048
Binh khí của Trư Bát Giới và Sa Tăng cùng trọng lượng là 5.048 cân. Số cuốn kinh thư mà Như Lai đã ban cho Đường Tăng là 5.048 cuốn. Số ngày thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh 14 năm, cộng thêm 8 ngày phải gặp Quan Thế Âm, tổng cộng là 5.048 ngày.
Đây lẽ nào lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Hiển nhiên không phải, mà chính là ngụ ý rằng Trư Bát Giới và Sa Tăng đã nhờ vào sự cần cù miệt mài của mình mà đạt được thành quả.
3. Vận tốc di chuyển của Cân Đẩu Vân đúng bằng khoảng cách giữa Linh Sơn và Đông thổ
Tôn Ngộ Không chỉ cần nhảy lên Cân Đẩu Vân là có thể đi xa mười vạn tám nghìn dặm (108.000 dặm), mà đây chính là khoảng cách từ Đông thổ đến Linh Sơn, và cũng chính là vận tốc chuyển suy nghĩ của con người.
Ngụ ý của tác giả chính là, chỉ cần chuyển một niệm thì khác biệt đã là quá lớn, một niệm là đã đủ để đưa con người ta đi xa vạn dặm, nhất niệm thành yêu, nhất niệm thành Phật. Thiện hay ác, thành hay bại, tất cả đều là trong một ý niệm.
Lê Hiếu
Nguồn: NTDTV
Xem thêm:
- Mạn đàm Tây Du Ký: Tại sao Tôn Ngộ Không chỉ được phong chức Bật Mã Ôn?
- Tại sao Tôn Ngộ Không lại chọn tai để cất gậy như ý?
- Vì sao người Do Thái vốn thông minh nhưng phải sống lang bạt suốt 2.000 năm?