Tròn 70 năm ngày ‘quốc thương’ của ĐCSTQ, Bắc Kinh đã tổ chức nghi lễ duyệt binh lớn nhất trong lịch sử, một nhóm cựu chiến binh cũng được sắp xếp trong đội ngũ diễu hành. Em trai của Bạc Hy Lai là Bạc Hy Thành, cũng xuất hiện trong đội ngũ diễu hành với tay giương cao tấm ảnh của người cha Bạc Nhất Ba.
Sáng ngày 1/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức đại lễ duyệt binh mừng 70 năm xây dựng chính quyền tại quảng trường Thiên An Môn. Tập Cận Bình, người đứng đầu của ĐCSTQ, và các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu đều xuất hiện ở cổng thành Thiên An Môn.
Kênh CCTV cho hay, một nhóm cựu chiến binh năm đó bán mạng cho ĐCSTQ và đời sau của họ là “quân nhị đại”, đều được xếp vào đội ngũ 100 ngàn quần chúng diễu hành, có một vài con cháu của các cựu chiến binh được mời tham gia vào đoàn diễu hành đã giơ cao ảnh cha mẹ của họ.
Trong đoàn diễu hành có cả Bạc Hy Thành, con trai của Bạc Nhất Ba, 1 trong 8 đại nguyên lão của ĐCSTQ, cũng giơ cao di ảnh cha của mình. Bạc Hy Thành là em trai của Bạc Hy Lai, cựu Bí thư thành phố Trùng Khánh đã bị thất thế.
Có người trên mạng châm biếm rằng, Bạc Hy Thành giơ cao lên tấm hình cho Tập Cận Bình xem giống như là muốn nói: “Nếu không có cha của tôi giúp ông cướp chính quyền, thì cũng không có Tổng Bí thư Tập của ngày hôm nay”.
Trước đại lễ duyệt binh ngày 1/10 của ĐCSTQ, đã có người dùng Twitter đăng một số hình ảnh của lễ duyệt binh trong quá khứ của ĐCSTQ và nói: “Các lãnh đạo tham gia lễ duyệt binh ở Thiên An Môn, hiện tại tất cả đều đã bị giam trong nhà tù Tần Thành (Qincheng)!” Trong bức hình còn có cả Bạc Hy Lai, nhiều năm trước cũng đã bị giam ở nhà tù Tần Thành.
Bạc Hy Lai đã ngồi tù hơn 7 năm, vào tháng 2/2012, sau khi phát sinh sự kiện ở Trùng Khánh, âm mưu đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang đã bị bại lộ. Ngày 15/3 cùng năm, Bạc Hy Lai bị cách chức. Tháng 9/2013, bị kết án tù chung thân.
Bạc Nhất Ba là cha của Bạc Hy Lai, trước kia có tên là Bạc Thư Tồn, là một trong 8 đại nguyên lão của ĐCSTQ thời kỳ Đặng Tiểu Bình. Bạc Nhất Ba có 7 người con, ngoại trừ người con trai thứ 2 là Bạc Hy Lai đang bị giam ở nhà tù Tần Thành ra, ở trên còn nói đến người con của Bạc Nhất Ba là Bạc Hy Thành, là người con thứ 6 trong nhà họ Bạc.
Bạc Hy Thành sinh năm 1951, từng là Bí thư, Giám đốc của nhà máy Cảnh Thái Lam (Jingtailan) ở Bắc Kinh, Phó Bí thư, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghệ mỹ thuật Bắc Kinh, Bí thư tổ chức đảng, Cục trưởng Cục Du lịch thành phố Bắc Kinh. Hiện giữ chức Phó Hội trưởng Hội xóa đói giảm nghèo của ĐCSTQ, Chủ tịch của công ty TNHH khoa học thương mại Lục Hợp Hưng (Liuhexing) Bắc Kinh, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ sinh viên Hưng Đại (Xingda) Bắc Kinh.
Truyền thông Hồng Kông từng đưa tin vào năm 2013, Bạc Hy Thành vẫn là người xử lý các vấn đề chính cho Bạc Hy Lai, giải quyết các vấn đề trong nhà họ Bạc. Cũng nhờ cái bóng của cha mình, nên Bạc Hy Lai sau khi ngã ngựa thì ông vẫn không bị ảnh hưởng gì.
Tác giả Lý Ngạn Xuân từng công bố trong một bài viết với tiêu đề là “Tôi là một chiến sĩ từ trong nhân dân” rằng, người vợ đầu tiên của Bạc Nhất Ba đã bị ông bỏ rơi, trong khi người này đã có ơn cứu mạng đối với Bạc Nhất Ba.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động, Bạc gia cũng bị vạ lây. Bạc Nhất Ba là thủ phạm đứng đầu trong “tập đoàn 61 người phản đồ”, đầu năm 1967, đã bị hồng vệ binh bắt từ khu an dưỡng Quảng Châu về Bắc Kinh để đấu tố và bức hại. Người vợ thứ hai của Bạc Nhất Ba là Hồ Minh đã bị bức hại đến chết.
Năm 1978, Hồ Diệu Bang, Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương, dưới muôn trùng áp lực đã bình phản những án oan sai trong “Đại Cách mạng Văn hóa“. Án oan “Tập đoàn phản đồ 61 người” rất nhanh chóng đã được giải quyết.
Nhưng mà Bạc Nhất Ba sau khi được bình phản, vào năm 1986 lại cùng với nhiều người khác, gây khó dễ cho Hồ Diệu Bang, khi đó là Tổng Bí thư của ĐCSTQ, khiến cho Hồ bị đá văng khỏi chức Tổng Bí thư. Vì hành vi lấy oán trả ơn này, nên Bạc Nhất Ba được người ta gọi là “gian tướng” đệ nhất trong lịch sử trăm năm của Trung Quốc.
Bạc Nhất Ba cũng vì vậy mà được Đặng Tiểu Bình trọng dụng, từ năm 1982 đến năm 1992 làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ cố vấn Trung ương, phụ trách quản lý công tác thường ngày, trở thành một trong tám đại nguyên lão của ĐCSTQ thời kỳ Đặng Tiểu Bình.
Trong lúc diễn ra sự kiện thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông lại ủng hộ Đặng Tiểu Bình nổ súng hướng vào các sinh viên yêu nước, cũng giúp Đặng Tiểu Bình đánh hạ Triệu Tử Dương. Trong bài viết còn nói, hành động của Bạc Nhất Ba, ngoại trừ phản ánh nhân cách ti tiện của ông ta ra, cũng thể hiện sự đấu đá tàn khốc trong nội bộ của ĐCSTQ.
Minh Huy (The NTDTV)