Vì sao Hồng vệ binh lại trở nên tàn bạo trong thời Cách mạng Văn hóa?

23/12/17, 10:02 Trung Quốc

Nhìn lại cuộc Cách mạng Văn hóa (1966–1976) do Mao Trạch Đông phát động tại Trung Quốc, rất nhiều người khó mà hiểu được vì sao nhân dân trăm họ lại tích cực hùa theo? Vì sao Hồng vệ binh lại có thể đánh chết người mà không chớp mắt?

Hồng vệ binh là những thanh thiếu niên ở Trung Quốc tôn sùng tư tưởng Mao Trạch Đông, được sử dụng để thanh trừng bè phái, tra tấn và bức hại những quan chức và dân thường tỏ ra thiếu tin tưởng vào Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa. (Ảnh: Artron)

Tính cách con người là từ giáo dục mà ra. Từ khi còn học tiểu học, Hồng vệ binh đã được tham gia các loại triển lãm như: chủ nô móc mắt người dân, lột da người dân làm chụp đèn, lấy người sống để đốt đèn trời, hay Quốc dân đảng mà bắt được người của phe Cộng sản thì sẽ cho ngồi ghế hổ, cắm tăm tre, hay sử dụng các loại hình thức tra tấn ghê gớm khác… Ngoài ra, chúng còn được nghe kể câu chuyện địa chủ Lưu Văn Hái giam nông dân vào lồng nước, tống khí vào bụng người ta qua khí quản cho đến khi vỡ bụng…

Vì cứ nghe mãi những chuyện kích thích thù hận kiểu này nên những đứa trẻ lớn lên sẽ hận, chúng hận địa chủ, hận Quốc dân đảng, hận các nhà tư bản, và muốn báo thù bọn họ, và phải dùng cách có cùng mức độ tàn nhẫn như họ cho công bằng, xem đó như là luân lý của đất trời không cần nói cũng biết.

Nhưng không ai cho bọn chúng biết rằng, đại đa số những gì được tuyên truyền ấy là gian manh. Cho dù có một phần nhỏ những điều đó là đúng, cũng chỉ là có một số ít những người địa chủ Quốc dân đảng mới xấu xa đến mức như vậy. Địa chủ Lưu Văn Hái đó không đại biểu cho tất cả các địa chủ. Điều “sơ suất” này tạo thành hậu quả đáng sợ như thế nào thì phải đợi đến Đại Cách mạng Văn hóa mới biết.

Muốn giáo dục những đứa trẻ hồn nhiên trong sáng trở thành người một lòng một dạ muốn đánh chết những kẻ “bại hoại” chống cách mạng, đó không phải chuyện dăm ba ngày là có thể làm được. Bắt đầu từ tiểu học, chúng đã được nghe những báo cáo kể khổ của công nông dân.

Họ gần như đều được trải qua huấn luyện, vì trong từng báo cáo, từng câu đều có những ý như: phàm là địa chủ, tư bản, người giàu thì không có ai tốt cả, “cửa nha môn đã mở từ lâu, có lý mà không có tiền thì đừng vào”, ý là người nghèo mà bị hại thì đừng hy vọng dựa vào lý lẽ mà nói chuyện công đạo, “những người nghèo trong thiên hạ là cùng một nhà”, chỉ có thể giúp người nghèo, “cứu tinh Cộng sản đã đến”, và cuối cùng là người nghèo đánh địa chủ phân đất như thế nào…

Mỗi lần nghe xong báo cáo thì sẽ viết bản thu hoạch, sau đó giáo viên sẽ biểu dương những em có bài viết tốt. Bài viết này phải “thấm đẫm cảm tình giai cấp” chẳng hạn như “tôi nghe thấy bà Dương phải đổi con lấy 2 đấu lúa mì thì không cầm được nước mắt…”

Một người trải qua thời Cách mạng Văn hóa đã kể lại câu chuyện sau:

-***-

(….) Khi đó ai cũng muốn được biểu dương? Thế là tôi hạ quyết tâm lần tới lại khóc tiếp. Nhưng việc này cũng không dễ dàng lắm vì từ nhỏ tôi đã không thích khóc, từ khi lên tiểu học, ngay cả bị bố đánh tôi cũng không khóc, càng đánh càng trừng mắt. Lần này vì để được biểu dương mà phải nỗ lực.

Khi nghe những báo cáo kể khổ, tôi cảm thấy như dám liều mạng, khi nghe đến “Địa chủ ép nợ, bán con, xin cơm bị chó cắn” thì thực sự có chút không chịu được, nhưng mà không thể nào ép cho ra nước mắt được, trong tâm ngày một lo lắng, sắp đến đoạn “cứu tinh cộng sản Đảng đến” rồi, mà đến đoạn đó thì không được khóc nữa và bài viết cũng sắp xong rồi.

Cuối cùng, tôi lo lắng, mang theo tâm khó chịu mà ép ra hai giọt nước mắt. Sau đó còn phải nghĩ cách làm sao để các bạn học nhìn thấy, để làm bằng chứng. Thế là tôi ngó đầu sang bên trái, thì thấy bạn bè ngồi phía bên trái khóc nước mắt đầy mặt, không thèm nhìn tôi, tôi lại quay sang bên phải, thì thấy các bạn ngồi bên phải nước mắt ngấn lệ chỉ nhìn về phía trước, rồi tôi quay đầu về sau, các bạn ngồi sau chắc chắn không thể tránh được, nhất định phải nhìn tôi.

Đợi báo cáo xong, tôi đang cao hứng nghĩ cách viết bài thu hoạch, thì nghe giáo viên nói: “Hôm nay tất cả các bạn trong lớp đều làm rất tốt, chỉ có một bạn cá biệt là không coi trọng, hết nhìn đông tới nhìn tây”. Lập tức lúc đó tôi phát lạnh toàn thân, hỏng rồi, lại hỏng rồi.

Ngoài việc xin các bác bần nông và công nhân nghèo làm báo cáo kể khổ ra, chúng tôi còn bị bắt về nhà để “nhận giáo dục”. Có một bài văn yêu cầu so sánh tuổi thơ của tôi và bố tôi. Rất nhanh, chỉ vài phút là tôi đã nghĩ ra cốt truyện: “Khi còn nhỏ, bố tôi chăn trâu cho địa chủ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, còn hay bị đánh, sau này bố tôi tham gia vào Bát lộ quân, bắt tên cẩu địa chủ ấy rồi bắn chết”. 

Câu chuyện này nghe quen quen, dường như nghe ở đâu đó rồi. Nhưng mà không sao, địa chủ trong thiên hạ thường là đen tối, những người nghèo trong thiên hạ cũng không khác là mấy. Tôi rất hài lòng với cốt truyện này, chỉ đợi bố tôi gật đầu đồng ý là có thể hạ bút viết thành văn.

Khi tìm được bố, tôi nói ngay: “Bố, hồi còn nhỏ bố có phải chịu khổ không?” Cái này thì tôi nắm chắc, bố tôi đã từng nói không chỉ một lần, rằng khi còn nhỏ ông phải chịu nhiều khổ. Quả nhiên, bố tôi nói là đúng. Tôi lập tức đi thẳng vào chủ đề chính: “Có phải là khi bố chăn trâu cho địa chủ thì hay bị đánh không?” 

Bố tôi ngập ngừng, nói rằng ông chưa từng đi chăn trâu. Tôi có một chút cảm thấy không thở nổi: “Chưa chăn trâu?”. Vậy thì bài văn của tôi làm thế nào bây giờ? Bố tôi nói có chăn dê mấy ngày. Tôi thấy cũng được, dê thì hơi bé một chút, nhưng cũng được. Liền vội hỏi: “Có phải địa chủ hay bới móc lỗi để kiếm cớ đánh bố không?”

Bố tôi trở nên mù mờ không hiểu, hỏi địa chủ nào, làm sao mà lại đánh ông? “Thì chê bố là chăn dê không tốt chẳng hạn”! Bố tôi vẫn không hiểu, nói: “Ai đánh? Dê là của nhà mình mà”.

Tôi trố mắt: “Sao! Dê của nhà à?”. Người nghèo đều là ăn trấu, ăn rau, cả nhà đắp chung một cái chăn rách, sao lại có dê được? Tôi chậm rãi hỏi bố tôi: “Chẳng phải bố nói hồi còn nhỏ bố toàn phải chịu khổ sao?”

Bố tôi nói đúng vậy, lúc đó năm mới thì mới được ăn mì trắng, bình thường thì ngay cả mì ngô (bột ngô) cũng không được ăn, toàn phải ăn khoai lang. Nghe thế tôi lại càng giận: khoai lang ngon như vậy tôi muốn ăn còn chả có, ông ấy suốt ngày được ăn lại còn kêu khổ?!

Trong tuyệt vọng tôi nhớ ra: “Chẳng phải bố nói năm mười mấy tuổi thì bố từng tham gia cách mạng sao? Bố đã từng đánh những kẻ xấu chưa?” Tôi nghĩ, việc chăn trâu cho địa chủ không dùng được nữa rồi, vậy thì viết về việc bố tham gia Bát lộ quân đánh Nhật vậy.

Nhưng bố tôi nói ông ở lại địa phương, không tham gia bộ đội và chưa từng đánh trận. Cái gì là “ở lại địa phương”, tôi không hiểu lắm, nhưng vẫn chưa hết hy vọng: “Vậy giặc Nhật đã từng tới phải không?”, trong tâm tôi nghĩ, nhìn thấy giặc chắc là bố sẽ đánh. Bố tôi nói giặc mà càn quét một cái là ông lại chui vào khe núi.

Mai phục để đánh phải không?”, tôi hỏi. “Chui vào trong khe núi để cho giặc không bắt được”. Hả? Thấy giặc không đánh, trốn đi vì sợ giặc bắt được?! Tôi tức đến mức sắp khóc: Đây mà cũng gọi là tham gia cách mạng sao? Hỏng rồi, hỏng rồi, ý tưởng cốt truyện hay thế mà bị bố tôi làm hỏng rồi.

Nhưng không sao, tôi ôm hy vọng qua hỏi mẹ tôi, tôi và mẹ so sánh thời thơ ấu cũng được chứ nhỉ? Nhưng kết quả lại càng tệ hơn. Mẹ tôi nói bà từng thi đỗ một trường trung học nữ nổi tiếng ở Khai Phong, cha của bà, chính là ông ngoại mà tôi chưa từng biết mặt, đã vô cùng vui sướng.

Trong tâm tôi căng thẳng: trong xã hội cũ sao lại vẫn có thể đi học? Ông ngoại không phải là địa chủ chứ? Mẹ tôi nói cha của bà là thương nhân. Tôi lập tức suy nghĩ: “Người tốt có Đảng Cộng sản, Hồng quân, Bát lộ quân, lão bần nông, công nhân…, còn những kẻ xấu thì có Quốc dân đảng, giặc Nhật, địa chủ, tư bản, ái chà, lại còn có cả chủ hiệu cầm đồ nữa, đây là thương nhân phải không?”

Mẹ tôi lại nói, ông ngoại tôi mua bán dược liệu. Tôi thở dài nhẹ nhõm: nhóm kẻ xấu hình như không có người mua bán dược liệu. Mẹ tôi kể tiếp rằng ở Khai Phong có một thời gian tốt đẹp, ông ngoại thường hay đến thăm bà, mua đồ ăn ngon cho bà, có thịt bò muối, muốn ăn bao nhiêu thì ăn.

Mẹ tôi khi nhớ lại thì rất cao hứng, không hề phát hiện ra là tôi đang bị mê đi và khó chịu như thế nào: Trong xã hội cũ độc ác như vậy, ai mới có thể ăn thịt bò chứ? Ngay cả ở trong “xã hội mới ngọt hơn cả mật” này cũng còn không được ăn, tôi lại đặc biệt thích ăn thịt bò, vậy mà một năm cũng chẳng được ăn mấy lần, hơn nữa mỗi lần vừa ăn xong, muốn ăn thêm thì lại chẳng còn nữa, từ trước tới giờ hoàn toàn không có chuyện “muốn ăn bao nhiêu thì ăn”!

Trẻ em được giáo dục thù hận và đấu tranh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. (Ảnh: Pinterest)

Những gì bố mẹ tôi nói hoàn toàn khác với những gì trong sách giáo khoa, trên đài phát thanh, những gì công nhân và lão bần nông, và cả cô giáo nói với chúng tôi. Cái nào mới là đúng? Vì có hai người cha mẹ khả nghi như vậy mà trong tâm tôi rất nặng nề.

Mà đấy là vẫn còn chưa nói đến Đại Cách mạng Văn Hóa, những thanh niên nhi đồng của Trung Quốc mới chúng tôi đã mang đầy tư tưởng cách mạng trong đầu, cả lớp, toàn trường, cả Bắc Kinh, cả Trung Quốc đều như nhau, chẳng quan tâm là con trai hay con gái, nông thôn hay thành thị, cũng không quan tâm là xuất thân từ gia đình cách mạng hay là gia đình đi bóc lột hay là gia đình khả nghi (như trường hợp của tôi).

>>> Cách mạng Văn hóa: Thảm họa bị lãng quên

Thế giới rất đơn giản, tổng cộng là phân thành hai loại: Xã hội mới và xã hội cũ. Tất cả con người cũng phân thành hai loại: người tốt và người xấu. Xã hội cũ là người xấu áp bức người tốt, người tốt toàn phải làm việc cực khổ, ăn không no, mặc không ấm, còn hay phải ăn roi da. Sau này Mao chủ tịch và Đảng Cộng sản đến, dẫn dắt người tốt đánh đổ những kẻ xấu bại hoại, và trở thành xã hội mới.

Nhưng vẫn chưa hết, Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan mất rồi, vẫn còn ở đó duy trì xã hội cũ. Các nước tư bản chủ nghĩa như Mỹ, Anh, Pháp cũng là xã hội cũ, ở đó những kẻ xấu suốt ngày ăn chơi lu bù, còn người tốt thì luôn ở trong nước sôi lửa bỏng, và đang đợi chúng ta tới cứu.

Nhưng có một điểm không hiểu rõ: đó là vì sao Mao chủ tịch của chúng ta vẫn chưa phát lệnh nhỉ? Một người bạn tên là Lưu Lực ở trong lớp cho chúng tôi biết một tin tức bí mật: “Sắp đánh nhau với Mỹ rồi!” Chúng tôi kích động trừng mắt nói: “Thật không?”. Lưu Lực mặt đầy đắc ý: “Những cảnh cáo nghiêm trọng đối với nước Mỹ chẳng phải là sắp đến lần thứ 500 rồi sao?”

Lúc đó máy bay của Mỹ cứ liên tục xâm phạm vào không phận của Trung Quốc, xâm phạm một lần thì Trung Quốc tuyên bố cảnh cáo nghiêm trọng một lần. Lưu Lực nói: “Một khi đến lần thứ 500 thì cần phải khai chiến với Mỹ!”. Chúng tôi hết sức vui mừng, còn mong Mỹ xâm phạm vùng không phận hơn cả mong chờ năm mới. Cuối cùng có một hôm, thì lần cảnh báo nghiêm trọng thứ 500 cũng đến. Nhưng vẫn chưa khai chiến.

Chúng tôi tức khí đầy bụng chất vấn Lưu Lực. Mặt của hắn đỏ lên, nói nhỏ hình như đổi thành 1000 lần rồi. Chúng tôi đột nhiên thất vọng nói: “1000 lần?”. Vậy thì còn phải bao nhiêu năm nữa? Có một người bạn nhanh mồm nhanh miệng là Trương Tiểu Đinh nói, cậu ấy biết vì sao không khai chiến với nước Mỹ, vì sao không giải phóng Đài Loan. Chúng tôi nhanh chóng hỏi vì sao, thì cậu ấy nói nhỏ rằng nước Mỹ có hàng không mẫu hạm, còn có bảy hạm đội, rất lợi hại.

Chúng tôi đều không đồng ý và nói: “Quân giải phóng dùng thuyền gỗ cũng có thể đánh thắng chiến hạm, trên điện ảnh có diễn cả rồi”. Trương Tiểu Đinh lại không phục, nói: “Hàng không mẫu hạm có máy bay có tên lửa, so với thuyền ngư lôi thì còn lợi hại hơn nhiều”. Chúng tôi đều không tin. Nhưng Trương Tiểu Đinh vẫn cười lạnh lùng khẳng định.

Lưu Lực trợn mắt, nói: “Vậy thì chúng ta thử xem, cậu làm hàng không mẫu hạm, còn tớ làm thuyền máy ngư lôi, xem ai lợi hại hơn?” Nói chưa hết câu thì đã vặn tay của Trương Tiểu Đinh ra phía sau, đau đến mức ứa cả nước mắt phải cầu xin thả ra. Tất cả chúng tôi đều vui mừng: “Thuyền ngư lôi vẫn cứ là lợi hại”.

Năm 1962, 1963, khi Tưởng Giới Thạch lên tiếng muốn phản công lại Đại Lục. Tin chiến thắng ở tiền tuyến Phúc Kiến liên tiếp báo về. Pháo oanh tạc vào Kim Môn, bắt tướng đặc vụ của Mỹ. Ngay cả học sinh tiểu học cũng tham chiến, câu chuyện về họ đã lên đài phát thanh và truyền hình, gọi là “anh hùng tiểu Bát lộ”. Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ họ, đặc biệt là hận Tưởng Giới Thạch không phái đặc vụ tới Bắc Kinh.

Đương nhiên chúng tôi cũng biết rằng đến đâu cũng có kẻ xấu, không chỉ là đặc vụ, còn có giai cấp đối địch, ví dụ như tên cẩu địa chủ bóp chết đội viên đội thiếu niên Lưu Văn Học, chúng tôi vừa thương tiếc Lưu Văn Học, vừa có phần không hiểu rõ: “Vì sao bọn cẩu địa chủ lại có thể sống đến hôm nay? Nếu đánh chết cả ngay từ đầu thì có phải là không xảy ra chuyện gì nữa sao?”

Chúng tôi nhớ kỹ lời dạy của Mao chủ tịch: “Trong từng niệm đều không được quên đấu tranh giai cấp”, mở to mắt tìm kiếm những kẻ xấu ở mọi nơi. Một hôm trên đường đi học có một lão bà điên điên khùng khùng vỗ vào túi xách sau lưng tôi rồi nói: “Cháu ơi, cháu đi học ở đâu vậy? Trường học ở đâu?”

Bình thường thì chắc không có ai hỏi như vậy, Lưu Lực cảm thấy “có chuyện rồi”. Những người ở đây đều biết rằng trường học ở đâu, sao bà ấy lại không biết chứ? Có phải là đặc vụ không? Chúng tôi lập tức cảm thấy giống như “bà lão ấy mắt miệng trông rất gian, thật giống đặc vụ quá!” Thế là chúng tôi chạy đến trường báo cáo với giáo viên, sau đó đều theo dõi bà ấy, và cho một chữ là “bắt”.

Giáo viên Trương rất nghiêm túc nghĩ nửa ngày, nói rằng các học sinh có tính cảnh giác rất tốt, chúng ta hãy vào lớp trước. Chúng tôi hết sức thất vọng. Ngoài việc hận kẻ xấu, chúng tôi cũng yêu nhân dân. Đối với kẻ địch thì tàn khốc như mùa đông, đối với nhân dân thì ấm áp như mùa xuân. Đây là điều mà chú Lôi Phong nói.

Hồng vệ binh Trung Quốc. (Ảnh: Pinterest)

Có một buổi sáng nọ, trường học còn chưa mở cửa, như thường lệ có một lượng lớn học sinh đợi ở ngoài cổng. Đột nhiên có một bà cụ bước tới, mặc dù vẫn là một bà cụ, nhưng thứ nhất là không có mắt tam giác, hai là không có “răng đại kim“, đội một cái mũ rơm cũ, dẫn theo một đứa bé gái, họ đều ăn mặc rách rưới.

Đó là thời kỳ rất khó khăn, trên quần áo của chúng tôi cũng thường có miếng vá, chỗ mông có vá một miếng tròn to hoặc nửa miếng tròn, trên đầu gối cũng vá hai miếng to. Nhưng trên người bà cụ và đứa trẻ này thì vá nhiều quá, không đếm hết. Mà vá đủ các loại màu sắc. Kiểu người như vậy là ít gặp ở Bắc Kinh, nói chung là từ nông thôn đến.

Từ trong não của chúng tôi thì không hẹn mà cùng hiện ra hai chữ: “Người nghèo”. Bà cụ cúi đầu về phía chúng tôi: “Các cháu ơi, cho bà chút gì ăn đi, thực sự là đói quá”. Có một số học sinh vừa ăn vừa đi học, trong tay còn có một nửa cái màn thầu hoặc bánh nướng, lập tức cho bà cụ, bà cụ nhanh chóng đưa cho đứa cháu gái.

Sau đó vừa rơi nước mắt vừa tiếp tục cúi đầu: “Cảm ơn các cháu, cảm ơn các anh, cảm ơn các chị”. Trong lúc đó, đứa bé vồ lấy màn thầu và bánh nướng, ăn đầy miệng. Nghẹn đến mức phải vừa duỗi cổ vừa mở to mắt, giống như gà trống sắp cất tiếng gáy. Chúng tôi thực sự cảm kích trước lòng biết ơn của người nghèo. nhanh chóng tiếp tục tìm đồ ăn.

Tôi thấy Lưu Lực tới thì lập tức chạy ra. Cậu này toàn được ăn đồ ăn ngon buổi sáng, nào là bánh bao đường, màn thầu táo, bánh nướng đường, đều là mua từ nhà ăn của cơ quan. Bố mẹ tôi cũng ở cơ quan, nhưng rất ít khi mua đồ ăn ngon cho tôi, buổi sáng toàn là ăn cháo ngô, dưa muối với màn thầu. Do vậy tôi trông Lưu Lực mà thèm, nhưng vẫn tỏ ra không thèm, không nhìn cậu ta. Nhưng hôm nay thì có lý do rồi, tôi chạy sang giành lấy nửa cái bánh bao đường của cậu ấy, cậu ấy vừa trố mắt ngạc nhiên thì tôi liền nói một cách hùng hồn rằng: “Người nghèo đều đói chết đi kia kìa!”. 

Lưu Lực không nói được câu nào, chỉ biết bực tức nhìn bốn phía. Ai có đồ ăn thì hắn đều lập tức chạy tới, học sinh lớp lớn hắn cũng không sợ, chỉ cần nói là lấy cho người nghèo, thì không có ai dám nói không. Bà cụ đó chỉ trong một lúc đã có đầy một mũ đựng đồ ăn, và vẫn không ngừng cúi đầu. Trong tâm chúng tôi thấy cực kỳ thoải mái, mà lại không có ai nghĩ được là: Vốn dĩ nên là người nghèo chỉ có trong xã hội cũ, sao họ lại có thể chạy đến xã hội mới vậy?

Trong ba năm khó khăn đó lúc nào cũng cảm thấy đói bụng. Thầy giáo lên lớp thì nói, thủ tướng Chu Ân Lai của chúng ta đã nói với cả thế giới rằng, mặc dù Trung Quốc gặp phải thiên tai tự nhiên nghiêm trọng, nhưng không có ai chết đói! Trong lòng chúng tôi lập tức xuất hiện một niềm tự hào, trong bụng lập tức không đói nữa.

Thầy giáo lại nói thiếu lương thực không chỉ là vì thiên tai, mà còn do Liên Xô ép nợ, đục nước béo cò. Nhưng những người Trung Quốc chúng ta có khí phách, trả họ không thiếu một xu! Hào khí trong tâm chúng tôi tiếp tục phình lên, không chỉ là không đói, mà còn cảm thấy có chút căng bụng. Tan học thì Lưu Lực bảo chúng tôi rằng, Liên Xô thật là xấu xa, cho họ táo, họ lại còn đòi lấy vòng sắt đo, to nhỏ đều không được, cứ phải vừa vặn.

Tôi hỏi luôn: “Vậy nếu họ không muốn thì làm thế nào?”. Lưu Lực nói rằng cũng không vận chuyển về được, đều bị hỏng nát ở bên kia. Xem xong “Giáp Ngọ phong vân” thì chỉ nóng lòng muốn cầm gậy đi đánh Nhật, sau khi nghe tin lửa đốt cháy vườn Viên Minh và tin về liên quân 8 nước thì phát thệ lớn lên sẽ tìm tất cả đế quốc liều mạng báo thù. Chớ thấy lão đại ca Liên Xô kêu ca mấy năm nay, để cho chúng ta quay mặt lại hận họ cũng không cần đến ba câu. Chúng ta chỉ nghe lời Đảng và Mao chủ tịch. Lớn lên thì làm gì đây, chỉ có 3 chữ: “Làm cách mạng!”.

-***-

Người kể lại câu chuyện trên còn nói: “Tất cả mọi thứ đều rất rõ ràng, còn có thể làm gì khác đây? Vấn đề duy nhất là có lực nhưng không biết bắn vào đâu: Những kẻ địch đã bị các tiền bối cách mạng tiêu diệt hết rồi, còn còn lại Tưởng Giới Thạch và chủ nghĩa đế quốc thì đã chạy xa rồi, để cho chúng ta không tóm được.

Do vậy, một khi Đại Cách mạng Văn hóa đến, thì đột nhiên mới thấy xung quanh mình xuất hiện bao nhiêu là kẻ địch, khiến cho chúng tôi vui mừng khôn xiết, mừng rỡ phát điên, nhịn bao nhiêu năm một lúc bùng nổ ra hết. Cái điên cuồng ấy đừng nói con người hiện tại không tin, ngay cả bản thân mình quay đầu lại cũng không dám tin”.

Hồng vệ binh đã từng làm nhiều việc xấu, thực sự đáng lên án, nhưng họ cũng có tư cách cao giọng chất vấn: Là ai đã giáo dục họ thành những kẻ điên?

Theo Trithucvn

Ad will display in 09 seconds

Những điều ít ai ngờ về Tổng thống Donald Trump

Ad will display in 09 seconds

Nhớ Tết quê 20 năm trước

Ad will display in 09 seconds

TT Trump gặp gỡ người tập Pháp Luân Công và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo

Ad will display in 09 seconds

Darwin đã dạy Hitler điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ sự thật về quan hệ giữa Vật chất và Ý thức

Ad will display in 09 seconds

Người đàn ông và Vụ tai nạn giao thông chấn động nước Mỹ

Ad will display in 09 seconds

Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Cậu bé mù xây cầu

Ad will display in 09 seconds

Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

Ad will display in 09 seconds

Hạt giống

  • Những điều ít ai ngờ về Tổng thống Donald Trump

    Những điều ít ai ngờ về Tổng thống Donald Trump

  • Nhớ Tết quê 20 năm trước

    Nhớ Tết quê 20 năm trước

  • TT Trump gặp gỡ người tập Pháp Luân Công và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo

    TT Trump gặp gỡ người tập Pháp Luân Công và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo

  • Darwin đã dạy Hitler điều gì?

    Darwin đã dạy Hitler điều gì?

  • Tiết lộ sự thật về quan hệ giữa Vật chất và Ý thức

    Tiết lộ sự thật về quan hệ giữa Vật chất và Ý thức

  • Người đàn ông và Vụ tai nạn giao thông chấn động nước Mỹ

    Người đàn ông và Vụ tai nạn giao thông chấn động nước Mỹ

  • Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

    Tên lửa sát hạm của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ như thế nào?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Cậu bé mù xây cầu

    Tinh Hoa kể chuyện: Cậu bé mù xây cầu

  • Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

    Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

  • Hạt giống

    Hạt giống

x