Đường mòn Inca là một hệ thống đường giao thông rộng lớn và tiên tiến nhất được xây dựng vào thời kỳ tiền Columbus tại khu vực Nam Mỹ. Hiện nay nó vẫn còn tồn tại và là con đường nổi tiếng nhất thế giới.
Người Inca, một tộc người da đỏ tại miền Nam châu Mỹ, đã xây dựng mạng lưới đường mòn trải dài trên khắp các góc xa xôi của đế chế Inca, từ Quito, Ecuador tới Santiago, Chile và phía đông đến Medoza, Argentina. Trong đó, Cusco là thủ phủ lịch sử của đế chế vĩ đại này. Hầu hết các đường mòn chính đều nằm trên những ngọn núi xung quanh Cusco.
Họ phát triển kỹ thuật xây dựng vượt qua những khó khăn hiểm trở của địa hình trên dãy núi Andes. Trên các sườn núi, họ xây dựng các bậc đá giống như nhà hát ngoài trời khổng lồ. Trong khu vực sa mạc gần bờ biển, họ xây dựng những bức tường thấp để giữ cho cát khỏi bay lấp mất con đường.
Các con đường trong hệ thống đường mòn này khi liên kết với nhau sẽ có tổng chiều dài lên tới 40.000 km. Mặc dù có nhiều nhánh nhưng công trình này có 2 nhánh chính, một nhánh đi qua dãy Andes và một nhánh đi từ Inca tới kỳ quan thế giới Machu Picchu.
Trong đó, nhánh đường dẫn đến Machu Picchu là đoạn nổi tiếng nhất trong hệ thống đường Inca với tổng chiều dài lên đến 23.000km nhưng chỉ dùng để… đi bộ. Vì người Inca xưa kia không có ngựa cũng như xe kéo để đi lại như ở Châu Âu, Á.
Trải dài qua các quốc gia: Ecuador, Chile, Peru, Bolivia, Argentina, tuỳ theo địa hình mà con đường có thể rộng 8 m (ven biển) và hẹp chỉ 1 m (ven núi). Hệ thống giao thông cổ đại này gồm đường ven biển dài hơn 4.000 km rộng 8m, và đường dọc theo dãy núi Andes dài 5.200 km cùng vô số nhánh nhỏ khác.
Đường mòn Inca quan trọng nhất là Camino Real (Đường Hoàng gia), và nó được biết đến ở Tây Ban Nha với chiều dài lên tới 5.200 km (3.200 dặm). Nó bắt đầu từ Quito, Ecuador qua Cusco và kết thúc tại những gì bây giờ là thành phố Tucumán, Argentina. Camino Real đi qua các dãy núi thuộc Andes, với độ cao có thể đạt tới hơn 5.000 m.
Tuy có tổng chiều dài tới 40.000km, nhưng đường khảo cổ quan trọng và đẹp nhất chỉ dài 43 km đi qua Runcuracay, Sayacmarca, Phuyupatamarca, Winay Wayna và Machu Picchu. Cung đường này tương đối dễ đi nhưng khí hậu có sự thay đổi tương lối lớn khi đi từ chân núi tới đỉnh núi với độ cao lên tới 4.200 mét so với mặt nước biển. Dọc theo cung đường này còn có vô số những di tích khảo cổ quan trọng, vốn là những công trình, những tàn tích của đế chế Inca hùng mạnh.
Trên đường mòn Inca, ngoài con người có lẽ chỉ có lạc đà là phương tiện giao thông chuyên chở. Bởi không có ngựa như tại các quốc gia khác do đó người Inca xưa kia dùng lạc đà thay thế cho ngựa để di chuyển và vận chuyển hàng hóa qua lại tuyến đường này.
Người Inca xưa kia đã xây dựng cung đường này với nhiều mục đích chứ không chỉ đơn thuần phục vụ giao thông. Trên thực tế cung đường này còn phục vụ cho mục đích quân sự, thương mại và cả tôn giáo.
Về thương mại, người Inca đã dùng đường mòn nổi tiếng này là cầu nối để vận chuyển và trao đổi cũng như cung cấp lương thực, hàng hóa tới những khu vực xa xôi của đế chế. Cũng như những đế chế hùng mạnh khác, tài sản của người Inca tập trung tại khu vực trung tâm do giai cấp thống trị kiểm soát. Để phân bổ nguồn tài nguyên này, họ đã sử dụng đường mòn và những nhánh cầu được xây dựng trên tuyến đường để vận chuyển, tiếp ứng lương thực, hàng hóa tới những vùng xa trung tâm.
Một tù trưởng Inca ngồi trên kiệu do 4 thanh niên nâng đi, phía sau là một cây cầu dây được bện từ các loài thực vật địa phương.
Về tính quân sự, con đường này giúp cho việc liên lạc truyền thông tin cũng như tổ chức hậu cần cho quân đội đươc nhanh chóng và thuận lợi hơn. Trên con đường này, người Inca đã cho xây dựng những kho lưu trữ thực phẩm phòng trường hợp xảy ra xung đột, chiến tranh. Những kho lưu trữ này luôn có một số lượng nhất định hạt ngũ cốc, ngô dự phòng để phục vụ quân đội.
Về mặt tôn giáo, người Inca cổ xưa có nhiều nghi lễ truyền thống trong đó có những nghi lễ hiến tế trẻ em, hàng hóa, lạc đà…lên các vị thần. Việc hiến tế thường được bắt đầu bằng những lễ cúng tế dưới chân núi, sau đó vật hiến tế sẽ được chuyển lên đỉnh núi để dâng lên thần linh. Cách duy nhất để người Inca có thể tiếp cận và đưa vật hiến tế lên đỉnh núi là đường mòn này. Vì vậy mà dọc theo đường mòn lên đến đỉnh núi còn có những đền thờ thần núi được xây dựng, hệ thống những đền thờ này có tên gọi là đền thờ Zeq’e.
Đến nay, hệ thống giao thông cổ đại này vẫn còn tồn tại. Vào năm 2014, tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) đã công nhận Đường mòn Inca của Bolivia cùng với Argentina, Chile, Colombia, Ecuador và Peru là di sản văn hóa thế giới.
Sự nổi tiếng của kỳ quan thế giới Machu Picchu đã góp phần làm cho đường mòn Inca trở thành đường mòn nổi tiếng nhất thế giới. Đặc biệt cung đường dẫn từ Inca tới Machu Picchu là đoạn đường mà nhiều người yêu thích du lịch mạo hiểm tìm đến.
30 năm trước, cung đường này đã được chính phủ Peru đưa vào khai thác du lịch. Tuy nhiên để đảm bảo việc khai thác du lịch không ảnh hưởng tới di sản văn hóa này, số lượng khách du lịch được quản lý rất chặt chẽ và hạn chế. Tất cả hướng dẫn viên du lịch, các công ty lữ hành đều phải được cấp phép và số lượng giấy “thông hành” trong ngày giới hạn ở con số 250.
Tuy nhiên, trong số này chỉ có 150 giấy phép dành cho du khách, còn lại là hướng dẫn viên, người vận chuyển, đầu bếp… Vì thế, để có thể tham gia vào tour du lịch trải nghiệm, khám phá trên con đường mòn này, thông thường khách du lịch phải đặt trước từ 4 đến 6 tháng với giá tiền không hề rẻ.
Theo Khoahoc