Big Food đã nỗ lực lừa dối người tiêu dùng và đổi tên các thành phần có hại trong sản phẩm. Một trong số các ví dụ điển hình là đường sirô bắp cao fructose (HFCS).
Sản phẩm này được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Fructose, siro bắp, đường bắp, Isoglucose và siro Glucose,…
Nhưng tất cả chúng chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều cái tên được sử dụng để che đậy sự nguy hiểm của sản phẩm này.
Gần đây nhất, Fructose đã được các công ty thực phẩm khẳng định là một chất làm ngọt tự nhiên. Nhưng điều này không đúng sự thật, sirô bắp cao fructose không phải là một thành phần tự nhiên.
Không quan tâm đến nó, Hiệp hội các nhà tinh chế bắp (CRA) vẫn cho rằng HFCS là chất làm ngọt tự nhiên.
Họ nói: “HFSC, một chất làm ngọt được làm từ bắp tồn tại dưới dạng hai chế phẩm chính là HFCS-42 (42% Fructose) và HFCS-55 (55% Fructose).
Về mặt thành phần, HFCS có công thức gần giống với đường (Sucrose) bao gồm 50% Fructose và 50% Glucose. Trong đó Glucose là một trong những loại đường đơn đóng vai trò như một khối kết dính cho việc xây dựng carbohydrate. Riêng Fructose lại là loại đường đơn được tìm thấy phổ biến trong trái cây và mật ong.
Chiến dịch tiếp thị được thực hiện với mục đích lừa dối khách hàng!
Sự thay đổi tên gọi này được ngành công nghiệp thực phẩm thực hiện với mục đích lừa dối người tiêu dùng. Họ muốn mọi người nghĩ rằng mình đang mua và tiêu thụ một sản phẩm được làm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và an toàn cho sức khỏe. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Thực chất HFCS là một chất làm ngọt được tinh chế và nó không có bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào. Thay vào đó nó chỉ giúp cho các công ty thực phẩm gia tăng lợi nhuận.
Nhưng tồi tệ hơn cả chính là nó sẽ phá hủy cơ thể và quá trình trao đổi chất của cơ thể.
4 mối nguy hiểm chết người của HFCS mà bạn cần phải biết
Chúng ta có đến hàng chục lý do để tránh xa dòng sản phẩm độc hại này. Và sau đây là 4 lý do hàng đầu:
- HFCS gây ra căn bệnh béo phì
Các tài liệu được công bố về HFCS và sự tăng cân đã cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thức uống HFCS và bệnh béo phì ở trẻ em.
Cụ thể các phân tích đã chỉ ra rằng lượng HFCS có đóng góp lớn trong việc gia tăng nguy cơ béo phì ở trẻ. Cho nên việc hạn chế sử dụng nó sẽ giúp cho tỷ lệ béo phì suy giảm trong cùng một nhóm dân số.
- HFCS gây hại chức năng não
Nghiên cứu cho thấy HFCS có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến chức năng trao đổi chất và khả năng miễn dịch của cơ thể.
Không dừng lại ở đó nghiên cứu được công bố năm 2015 chỉ ra rằng: Việc tiêu thụ hàm lượng HFCS thường xuyên sẽ phá hủy một phần của não bộ, nơi được gọi là vùng hippocampus.
Đây là khu vực chịu trách nhiệm về việc duy trì khả năng ghi nhớ và điều hòa tâm trạng lâu dài.
HFCS còn có thể gây ra sự viêm nhiễm cho các dây thần kinh, nhất là các dây thần kinh bên trong não bộ.
- HFCS làm tăng nguy cơ các vấn đề về tim mạch
Trong cuộc nghiên cứu năm 2015 của ông Stanhope, kết quả cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc uống nước ngọt có chứa HFCS và nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở thanh thiếu niên.
Được biết nếu như tỷ lệ phần trăm HFCS có trong thức uống càng cao, thì nguy cơ mắc bệnh tim càng lớn.
Cũng trong nghiên cứu này, người ta còn phát hiện ra rằng HFCS có thể làm rối loạn lượng đường trong máu ngay sau khi sử dụng. Nó sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao kéo dài và gây hại cho các cơ quan và mô.
- HFCS làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phổi mãn tính
Nghiên cứu của các nhà khoa học DeChristopher, Uribarri và Tucker năm 2015 cho thấy: Nước ngọt có chứa HFCS là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh viêm phế quản mãn tính ở người lớn từ 20 đến 55 tuổi.
Việc uống nước ngọt không kiêng cử sẽ dẫn đến rối loạn hấp thu Fructose, các vấn đề về phổi, đặc biệt là bệnh hen suyễn.
Nghiên cứu chu sinh trên các bà mẹ mang thai cho thấy: Việc gia tăng hàm lượng Fructose càng cao, thì khả năng con của họ mắc căn bệnh hen suyễn càng lớn.
Cách phòng tránh thành phần độc hại HFCS
Một số việc bạn cần làm để tránh tiếp xúc với HFCS là:
- Đọc kỹ nhãn dán và tránh xa các thực phẩm đã chế biến.
- Sử dụng loại đường được cung cấp từ các nguồn tự nhiên như trái cây, mật ong và cỏ ngọt Stevia.
- Nếu như bạn cần đường để nấu ăn, tốt nhất hãy sử dụng đường dừa và đường mía thô.
Tú Văn, theo WMHB