Những việc làm xấu xa nơi dương gian dù có che đậy khéo léo thế nào cũng không thể tránh khỏi ác báo nơi âm tào địa phủ.
Thương gia bị lừa gia tài bạc triệu
Có một người tên Cổ Mưu, vì lập được công trạng nên được phong tước vào làm quan trong thời Tuyên Hòa (niên hiệu thời Tống Huy Tông), trở thành Liêm phóng sứ, quản lý giám sát những sự vụ của địa phương. Do cuộc loạn lạc Tịnh Khang mà phải rời tới Lĩnh Nam, ở tại phủ Đức Khánh.
Thương tri huyện Tế Nam cũng ở tại phủ Đức Khánh, vợ của Thương tri huyện đã qua đời, để lại một đứa con gái 15 tuổi. Ngoài ra Thương tri huyện còn có một người thiếp và đứa con trai. Gia sản của Thương gia đều do người thiếp này quản lý.
Cổ Liêm phóng sau khi tìm hiểu biết Thương gia có đứa con gái chưa xuất giá, ông liền đem sính lễ đến hỏi vợ cho con trai là Cổ Thành Chi. Về sau, Thương tri huyện qua đời để lại Thương phu nhân một mình quán xuyến mọi việc.
Một ngày, có nha dịch đến nhà Thương gia truyền công văn nói rằng: “Phủ lý đang chuẩn bị cho Tiết Đoan Ngọ nên cần mượn một số vải lụa và vàng bạc, sau ngày lễ sẽ trả lại. Nếu như có của mà giấu thì sẽ bị đem ra luận tội”.
Thương phu nhân thấy những thứ đồ cần mượn quá nhiều, bất giác không nghĩ được gì, liền nói nha dịch đợi một lát, sai người tới Cổ phủ hỏi ý kiến của hai vợ chồng con gái.
Một lát sau gia nhân trở lại, nói rằng không tìm thấy tiểu thư, nhưng chuyển lời của Liêm phóng sứ: “Quan phủ tới mượn sao lại không cho chứ?” Thương phu nhân nghe Liêm phóng sứ nói như thế liền cho mượn ngay.
Kẻ trộm là ai?
Không ngờ qua mấy ngày sau vẫn chưa thấy phủ quan quay lại trả đồ, Thương phu nhân nói chuyện với con gái, hỏi rằng có nên đến phủ để đòi lại không? Thương tiểu thư tái mặt, khóc lóc nói: “Những gia sản đó đều là di vật của cha để lại, lẽ nào bị lừa dễ dàng vậy! Để con về nói với chồng điều tra xem rốt cuộc chuyện là thế nào”.
Sau khi nghe vợ kể lại sự việc, Cổ Thành Chi quyết định đem bản công văn tới phủ Đức Khánh, rồi dâng cáo trạng thông báo việc Thương phu nhân bị lừa một số gia sản lớn. Quan phủ nghe xong rất ngạc nhiên, xem xét công văn kia thì xác nhận là công văn giả, lập tức phái người truy bắt sứ thần để về điều tra, nhưng qua thời gian lâu cũng không thấy có tin tức gì. Thương gia bởi thế mà tổn thất một số gia sản lớn, gia cảnh ngày một suy yếu.
Dưới âm phủ, mọi ân oán sẽ được giải quyết
20 năm qua đi, Cổ Liêm phóng và Cổ Thành Chi đều đã qua đời. Đứa con thứ 2 của Thương phu nhân là Thương Mậu, tính tình cương trực, vừa nhiệt tình lại vừa điềm đạm. Một ngày anh ta mắc căn bệnh phong hàn nghiêm trọng, trong lúc bệnh tình nguy kịch, mê man, anh ta thấy một vị công lại đi tới nói: “Số mệnh của ngài đến đây thôi. Hiện có công vụ này, mời ngài đến phủ một chuyến”.
Thương Mậu đi theo công lại đến trước cửa phủ quan, thì trông thấy một tù nhân trên cổ đeo một cái gông, bị trói ở ngoài cửa. Bên cạnh tù nhân có một người đang đứng cầm chiếc quạt lớn chờ sẵn. Khi chiếc quạt vung lên, huyết nhục của tù nhân lập tức rơi lả tả trên đất, chỉ còn lại chiếc gông xiềng. Những cảnh tưởng đó cứ lặp đi lặp lại.
Thương Mậu thấy hoảng sợ, đột nhiên nghe thấy tù nhân gọi mình: “Ngươi còn nhận ra ta không? Ta là Cổ Liêm phóng đây. Khi còn sống ta đã làm việc trái với lương tâm, hôm nay ta phải trả giá cho từng việc mình đã làm. Rất nhiều việc không thể giải quyết ngay được, trước tiên ngươi hãy cùng ta chấm dứt một món nợ này”.
Ông ta lại nói: “Năm đó ta đã cướp gia sản của nhà ngươi, nhưng khi còn sống ta cũng đã hoàn trả lại hết rồi, nhưng âm phủ lại chưa kết án. Làm phiền ngươi hãy viết một bản khai, thừa nhận ta đã trả đủ rồi, để ta có thể thoát ly cái cảnh khổ cực này!”
Nói xong, huyết nhục ông ta lại rơi lả tả trên đất. Thương Mậu nhớ lại chuyện mẹ từng nói bị người ta lừa lấy đi gia sản, lại nghĩ tới việc bản thân được người anh rể Cổ Thành Chi chăm sóc, anh rể vừa chết, chị gái một thân một mình nên quyết định chuyển đến sống ở cạnh nhà Thương Mậu, cùng nhau chăm sóc mẹ. Chị gái sau đó đã đem tài sản Cổ gia giao cho em trai toàn quyền quyết định. Như vậy, coi như Cổ Liêm phóng đã trả hết số nợ với Thương gia. Thương Mậu vì thế đã đồng ý kết thúc nhân quả này.
Sau khi việc này kết thúc, Thương Mậu tỉnh lại, kể lại sự việc nhìn thấy dưới âm phủ cho mẫu thân nghe. Hiểu rõ ràng mọi chuyện, người mẹ thở dài, nói: “Bị báo ứng như vậy, có thể thấy rằng làm người không nên vì vật chất mà làm trái với lương tâm”. Từ đó về sau, Thương Mậu tin tưởng và kính trọng Thần Phật, sống đến tám mươi mấy tuổi mà không hề có bệnh tật gì.
Thanh Thư (dịch)