Tinh Hoa

Dũng cảm và niềm tin: Những bức ảnh chấn động trong lịch sử

Những bức ảnh lịch sử dưới đây không thể bao quát hết những câu chuyện đáng khâm phục vẫn diễn ra hàng ngày, và cũng không thể diễn tả đầy đủ hàm nghĩa trong cụm từ “lòng dũng cảm“, nhưng nó sẽ cho chúng ta hiểu phần nào cụm từ không phải ai cũng làm được này.

1. Bài diễn văn của ông thợ cạo trong phim “Nhà độc tài vĩ đại” (1940)

Vua hề Sác-lô trong vai ông thợ cạo bất đắc dĩ bị nhận nhầm là Nhà độc tài do có ngoại hình giống hệt ông ta. “Ông thợ cạo” đã dũng cảm thổ lộ nội tâm của mình khi bị buộc phải đứng lên phát biểu trước hàng triệu người lính. (Ảnh: wonderlancer)

Charlie Chaplin (16/4/1889 – 25/12/1977) vẫn được gọi với cái tên trìu mến là vua hề Sác-lô, và bộ phim thành công nhất của ông chính là “Nhà độc tài vĩ đại” (1940). Nó ra đời trong hoàn cảnh Hitler đang ngày càng củng cố quyền lực và tiêm nhiễm vào những người lính Đức các tư tưởng méo mó về thù hận và chiến tranh. Tuy nhiên ở thời điểm đó, rất nhiều chính phủ và cơ quan truyền thông trên thế giới đã im hơi lặng tiếng trước sự kiện này, và cảm thấy khó khăn trong việc bày tỏ thái độ về Đức Quốc Xã.

“Nhà độc tài vĩ đại” đã nói lên tâm sự của vua hề Sác-lô, và cũng là cõi lòng sâu thẳm của rất nhiều người dân thế giới lúc bấy giờ. Có lẽ nhân loại sẽ không thể nào quên được những lời diễn thuyết hùng hồn của Ông thợ cạo bất đắc dĩ trong phim: “Chúng ta cần phải tạo dựng hạnh phúc cho mình trên cơ sở hạnh phúc của người khác chứ không phải là trên sự đau khổ của người khác…”. Lòng dũng cảm dám nói lên sự thật ấy đã khiến “Nhà độc tài vĩ đại” trở thành bộ phim thành công nhất trong sự nghiệp của vua hề Sác-lô.

2. Nhẫn nhịn và ôn hòa phản đối nạn phân biệt chủng tộc (1960)

Những sinh viên da đen nhẫn nhịn trước hành động khiêu khích, chửi bới, đổ đồ uống lên đầu của các sinh viên da trắng khác (Ảnh: Greensborositins.wordpress.com)

Trong bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra phổ biến tại miền Nam nước Mỹ, chuỗi cửa hàng Woolworth đã từ chối phục vụ những người da đen ở nước này. Chính vì thế, bộ tứ da đen là David Richmond, Franklin McCain, Ezell Blair Jr., và Joseph McNeil đã khởi đầu cho một cuộc biểu tình ôn hòa nhằm phản đối cách đãi ngộ bất công với đồng loại tại Greensboro.

Theo sau họ, rất nhiều sinh viên da đen đã tới biểu tình ngồi tại các cửa hàng Woolworth, nhẫn nhịn trước hành động khiêu khích, chửi bới, đổ đồ uống lên đầu của các sinh viên da trắng khác. Mặc dù kết quả trực tiếp của cuộc biểu tình ngồi này chỉ dẫn đến sự thay đổi trong chính sách của Woolworth, nó đã khởi đầu làn sóng chống phân biệt chủng tộc, và góp phần quan trọng vào một giai đoạn chuyển biến của lịch sử nước Mỹ, khiến đất nước này trở thành một quốc gia đa văn hóa, đa chủng tộc, tự do hơn và công bằng hơn.

3. Tuần hành yêu cầu quyền được bỏ phiếu (1965)

Những người da đen diễu hành đòi quyền được bầu cử đã dũng cảm lên tiếng không sợ hãi trước binh lính và cảnh sát Mỹ (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Spider Martin)

Cuộc tuần hành diễn ra từ Selma tới Montgomery, Mỹ, gắn liền với Ngày Chủ Nhật đẫm máu (7/3/1965) của nước này. Trong đó, những người da đen đã dũng cảm tham gia vào một cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử. Mặc dù cuộc tuần hành này đã bị chính quyền đàn áp, nhưng nó cũng khiến Đạo luật về Quyền bầu cử (1965) ra đời.

Theo đó, Chính phủ Liên bang sẽ đăng ký cử tri tại những nơi mà trước kia, các quan chức không cho phép cử tri da đen đăng ký bỏ phiếu.

Cuộc tuần hành bị chính quyền đàn áp (Ảnh: Pinterest)

4. Vận động viên da trắng ủng hộ niềm tự hào da màu tại Olympic (1968)

Vận động viên da trắng Peter Norman ủng hộ hai vận động viên da đen lên tiếng vì nạn phân biệt chủng tộc trên thế giới. Sự nghiệp vận động viên của ông Peter đã thầm lặng kết thúc sau đó, và ông đã bị lãng quên… (Ảnh: Pinterest)

Dũng cảm giúp đỡ người cô thế không chỉ là hành động của những người da đen. Tại Thế vận hội 1968, vận động viên Peter Norman thuộc đội tuyển Úc (huy chương bạc) đã khiến toàn bộ ban tổ chức và khán giả ngỡ ngàng khi âm thầm đứng cạnh hai vận động viên da đen thuộc đội tuyển Mỹ. Đó là thời điểm mà nạn phân biệt chủng tộc đang được nhắc đến trên toàn thế giới, và những đe dọa ám sát được gửi tới Thế vận hội hàng ngày.

Khi ấy, được Peter Norman ủng hộ, Tommie Smith (huy chương vàng) và John Carlos (huy chương đồng) đã cùng nhau bước lên bục nhận giải và ra dấu chào “salute” của người da đen. Sự nghiệp vận động viên của Peter Norman thầm lặng kết thúc kể từ đó do sức ép từ chính quyền, và ông là một người anh hùng bị quên lãng… Mãi cho đến năm 2012, 6 năm sau khi Peter qua đời, gia đình ông mới nhận được lời xin lỗi chính thức từ chính quyền nước Úc.

5. Thủ tướng Đức dũng cảm quỳ xuống xin lỗi người Do Thái (1970)

“Trực diện với vực thẳm của lịch sử nước Đức và dưới sức nặng của hàng triệu người đã bị sát hại, tôi đã làm điều mà con người làm khi ngôn ngữ tê liệt”, thủ tướng nước Đức Willy Brandt. (Ảnh: SlideShare)

Xin lỗi cũng cần đến lòng dũng cảm, đặc biệt là đối với ngài Willy Brandt, thủ tướng Tây Đức lúc bấy giờ. “Trực diện với vực thẳm của lịch sử nước Đức và dưới sức nặng của hàng triệu người đã bị sát hại, tôi đã làm điều mà con người làm khi ngôn ngữ tê liệt“, Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt hồi tưởng như vậy về khoảnh khắc khi ông quỳ xuống trước tượng đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khởi nghĩa Do Thái ở Warsaw. Lòng dũng cảm nhận lỗi của một nguyên thủ quốc gia đã là một “khoảnh khắc nâng tầm nước Đức“, một sự hòa giải đến tự đáy lòng.

6. Lấy thân mình chắn đạn cho người khác trong Ngày Chủ Nhật đẫm máu (1972)

Linh mục Công giáo Edward Daly dùng thân mình che chắn nòng súng để có thể đưa người bị thương ra khỏi vùng nguy hiểm (Ảnh: Alan Lewis/Whatsontianjin.com)

Cũng là một Ngày Chủ Nhật đẫm máu, nhưng nó diễn ra ở Anh. Nhân vật trung tâm của bức ảnh này là Cha Edward Daly, một linh mục Công giáo. Tại bãi đậu xe khu dân cư Rossville, ông đã vừa đi vừa vẫy một chiếc khăn nhuốm máu, và lấy thân mình che cho những người khác, với mong muốn đưa người bị thương thoát khỏi nòng súng của Quân đội Anh trong sự kiện Ngày Chủ Nhật đẫm máu (30/1/1972). Đây là ngày diễn ra sự kiện diễu hành quyền công dân tại Derry, Bắc Ireland, kêu gọi quyền bình đẳng cho người Công giáo, hầu hết là người theo đạo Tin Lành.

7. Một mình đứng chặn đoàn xe tăng trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn (1989)

Người thanh niên áo trắng một mình đứng trên đại lộ Trường An để chặn một hàng xe tăng đang chạy vào Quảng trường Thiên An Môn. Anh được truyền thông phương Tây mệnh danh là “Tank Man”, có nghĩa là người chắn xe tăng. (Ảnh: Jeff Widener/Boston.com)

Hình ảnh người thanh niên áo trắng vô danh một mình đứng trên đại lộ Trường An để chặn một hàng xe tăng đang chạy vào Quảng trường Thiên An Môn đã trở thành biểu tượng cho sự tự do và nhân quyền ở Trung Quốc. Sự kiện thảm sát Thiên An Môn xảy ra vào ngày 4/6/1989, khi hàng ngàn sinh viên tập trung tại quảng trường này đã bị giết chết một cách tàn bạo bởi quân đội của ĐCSTQ bằng súng và bánh xe tăng.

Cho đến tận bây giờ, chính quyền Trung Quốc vẫn che dấu và không thừa nhận cuộc đàn áp đẫm máu này mặc cho rất nhiều bằng chứng đã được các phóng viên và nhân chứng nước ngoài công bố. Hàng năm cứ đến ngày 4/6, chính quyền Trung Quốc lại kiểm soát chặt chẽ thông tin tưởng niệm về cuộc biểu tình này cả trong mạng Internet cũng như ngoài đời thực.

8. Dũng khí niềm tin (1999- Nay)

Những người theo tập Pháp Luân Công kiên trì thỉnh nguyện ôn hòa ở quảng trường Thiên An Môn, bất chấp việc sau đó sẽ bị bắt giữ, bị tước bỏ mọi quyền công dân, và tồi tệ nhất là, bị mổ cướp nội tạng sống. (Ảnh: Faluninfo.net)

Bắt đầu vào ngày 20/7/1999 và vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã để lại nhiều câu chuyện bi thương về những con người dám kiên cường bảo vệ tín ngưỡng chân chính của mình bất chấp hiểm nguy bị bắt giữ, bị tước bỏ mọi quyền công dân, và tồi tệ nhất là, bị mổ cướp nội tạng sống.

Cũng giống như cuộc thảm sát người Do Thái vào thời Đức Quốc Xã, cuộc thảm sát Pháp Luân Công cho đến hiện tại vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, số lượng tù nhân lương tâm là học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ giết hại vẫn không ngừng tăng cao.

Theo các tài liệu của hai luật sư nhân quyền được đề cử giải Nobel Hòa Bình là David Kilgour và David Matas, trong khoảng giữa năm 2000 và 2005, đã có khoảng 41.500 nội tạng được cấy ghép tại Trung Quốc được cho là của học viên Pháp Luân Công bị giết hại. Còn trong một nghiên cứu khác, nhà báo Ethan Gutmann đã thực hiện khảo sát và phát hiện ra rằng có từ 450.000 tới 1 triệu người tập Pháp Luân Công bị bắt giữ trong cuộc đàn áp. Đây là cuộc đàn áp tín ngưỡng nặng nề nhất và có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới Trung Quốc hiện đại.

Ngày 20/11/2001, có 36 học viên Pháp Luân Công người phương Tây đã đến quảng trường Thiên An Môn thỉnh nguyện ôn hòa, cùng giơ cao biểu ngữ “Chân – Thiện – Nhẫn”, mặc dù biết rằng mình sẽ phải đối mặt với việc bị bắt giữ. (Ảnh: Minh Huệ)

9. Cậu bé 15 tuổi ném đá xe tăng (2000)

Hình ảnh cậu bé 15 tuổi bày tỏ sự chán ghét chiến tranh liên miên tại dải Gaza đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm. (Ảnh: Avoicefrompalestine.wordpress.com)

Faris Odeh (12/1985 – 8/11/2000) là một cậu bé Palestine 15 tuổi được biết đến với hình ảnh cầm đá ném xe tăng được chụp vào ngày 29/10/2000. 10 ngày sau, khi Faris tiếp tục ném đá một lần nữa, cậu bé đã bị binh lính tự vệ Israel bắn vào cổ và tử vong. Hình ảnh về Faris đã trở thành một biểu tượng của lòng dũng cảm, và từ chối khuất phục của người dân tại dải Gaza đối với chiến tranh xảy ra tại khu vực này.

Nằm trong miền đất mà các cuộc nổ súng diễn ra liên miên giữa hai thế lực Palestine và Israel, những người dân Gaza phải đối mặt với một cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Với khoảng 1,4 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km², dải Gaza còn là vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên Trái đất. Dân cư đông đúc, xuất nhập khẩu bị cản trở, giao chiến liên miên, người dân tại Gaza đã vô cùng căm ghét những cuộc chiến tranh vô nghĩa.

10. Làn sóng biểu tình trong “Mùa xuân Ả Rập” (2010-2012)

Bức ảnh này còn có tên là “Tank Man” của Ai Cập, trong đó một thanh niên Ai Cập đã đứng chắn trước xe phun nước của cảnh sát. Nó đã trở thành một trong những biểu tượng của sự khao khát tự do của người dân thường trong “Mùa Xuân Ả Rập” (Ảnh: Wikipedia)

“Mùa xuân Ả Rập” bắt đầu khi Mohamed Bouazizi, một người đàn ông Tunisia tự thiêu vì bị một nữ cảnh sát tát vào mặt. Cú tát đó, cả thế giới đều nghe thấy. Trong một thời gian rất dài, tâm hồn của những người dân Ả Rập đã lún sâu trong nhận thức độc hại về bản thân họ như là một dân tộc thụ động, co rúm trước cường quyền tàn bạo. Tuy nhiên, hành động tự thiêu của Bouazizi đã gây ra một hiệu ứng không thể nào ngờ – giọt nước tràn ly.

Bắt đầu bằng sự đồng cảm, và kết thúc bằng sự giận dữ và nổi dậy lan tỏa khắp Trung Đông, những cuộc cách mạng bùng phát phản đối sự ức hiếp của quan chức với người dân thường. “Mùa xuân Ả Rập” đã dẫn tới sự sụp đổ của 4 kẻ độc tài, và chấm dứt 127 năm cai trị tàn bạo. Nó mạnh mẽ đến nỗi thậm chí cả chính quyền Trung Quốc cũng phải sợ hãi và chặn các từ khóa như “Ai Cập“, “jasmine“,…, những từ ngữ được sử dụng trong làn sóng này.

***

Xem thêm Video: Nhạc phim Trung Quốc Tự do – Dũng khí niềm tin (Free China – The Courage to believe)

Đây là bộ phim tài liệu kể về câu chuyện có thật của 2 học viên Pháp Luân Công, Jennifer Zeng, một người mẹ, đã từng là Đảng viên CSTQ, và Tiến sỹ Charles Lee, một doanh nhân người Mỹ. Cả hai người đều đã từng bị tống giam và bức hại chỉ vì đức tin tinh thần của mình.

Theo Đại Kỷ Nguyên