Tinh Hoa

Đừng biến những tai nạn đau thương thành chiêu trò cảm động…

Nếu như có một bà lão đang đi trên đường bỗng dưng ngã vật xuống đất, dập đầu rớt cả răng, các ký giả sẽ đưa tin như thế nào? Đây chính là cách ‘khác thường’ tại Trung Quốc qua lời của tác giả Trần Văn Vận.

(Ảnh: Internet)

Khi bà lão đi trên đường bị ngã gãy răng…

Ký giả Hồng Kông sẽ chất vấn Thành ủy rằng: Thi công đường sá phải chăng để lại tai họa ngầm?

Ký giả Đài Loan sẽ truy cứu bảo hiểm điều trị: Ai sẽ phải trả khoản tiền trồng răng này?

Ký giả nước Mỹ sẽ theo dõi vấn đề phúc lợi xã hội dành cho người già: Những người già ở bên lề của xã hội sẽ phải sinh sống thế nào?

Còn nếu ở Trung Quốc, đề tài được chọn sẽ là như sau:

“Một người rớt răng, mọi người tương trợ”.

“Đường sá vô tình, người hữu tình”.

“Cụ già rớt mất răng, chúng ta có chung tay giúp đỡ hay không?”.v.v

Nói tóm lại, trong bất cứ sự kiện và tai nạn gì, chúng ta đều có thể phát hiện cách nói đầu tiên chính là: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của…”, chuyện gì cũng có thể khen ngợi và ca tụng.

Trong sự cố nhà máy hóa chất Tĩnh Giang phát nổ, nhân viên cứu hỏa Chu Quân yểm trợ đồng nghiệp, đi ngược chiều để đóng van lại, và anh đã ngã xuống ở hiện trường vụ nổ khi chỉ mới 26 tuổi.

Anh đương nhiên là anh hùng! Hình bóng trẻ trung nhanh nhẹn của anh đã mang lại hy vọng cho chiến hữu sống sót trở về, tất nhiên là cao đẹp rồi!

Nhưng, điều tôi lo lắng là sau những lời khen ngợi đẹp đẽ đó, chúng ta chẳng cần đợi lâu chính là lại có một vụ nổ tiếp sau đó nữa! Và đương nhiên, những lời khen ngợi lúc đó lại có thể được thốt lên rồi!.

Chỉ vỏn vẹn năm 2015, đã có đến 7 vụ nổ nhà máy hóa chất lớn được thống kê trên trang tin China Business Network (CBN). Báo cáo từ phía chính quyền cho biết có tổng cộng 274 người chết.

Một thân nhân hành khách không giấu được nước mắt khi đứng đợi thông tin người thân tại một nhánh của sông Dương Tử trong vụ chìm tàu Ngôi sao Phương Đông. (Ảnh: Reuters)

Lần này tới lần khác, hết đợt này đến đợt khác, nguy cơ bao trùm, tôi không khỏi tự hỏi rằng:

1. Sau cùng mỗi một vụ nổ đều là vì để cảm động Trung Quốc cả ư?

Mỗi lần gặp tai nạn, bất kể là vụ chìm tàu “Ngôi sao Phương Đông” hay là vụ nổ nhà máy hóa chất Thiên Tân, điều nhìn thấy sau cùng không phải là những người không làm tròn trách nhiệm bị truy cứu, những người vi phạm pháp luật bị xét xử. Không kể trách nhiệm sự cố bi thảm như thế nào, khiến người ta phẫn nộ như thế nào, thì điều nhìn thấy sau cùng không hề ngoại lệ, đều là biểu dương và khen thưởng các loại.

Vụ chìm tàu “Ngôi sao Phương Đông” khiến cho hơn 440 người chết, cuối cùng lại có hơn 100 tập thể cá nhân anh hùng được biểu dương, trên thực tế chỉ thành công cứu sống được 1 người!.

440 vong linh không có một người chịu trách nhiệm, 1 người may mắn sống sót lại thành tựu hơn 100 tập thể và cá nhân tiêu biểu, tôi e rằng nếu như Trang Công còn sống cũng sẽ nói: “Chao ôi! Lão đây dẫu có nằm mơ cũng mơ không thấy điều này!”.

2. Nhiều trách nhiệm sự cố như vậy đều không thích hợp dùng luật hình sự, luật hành chính ư? Đều không vi phạm pháp luật ư?

Trong vụ nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân, có hơn 700 tấn hóa chất Natri xyanua nguy hiểm được để ngoài trời.

Và trong quy định quản lý hóa chất nguy hiểm, Natri xyanua một lần dự trữ không thể vượt quá 20 tấn, hơn nữa cần phải cất giữ trong nhà kho bảo quản vật phẩm nguy hiểm phù hợp với tiêu chuẩn an toàn. Bởi vì Natri xyanua dễ bốc hơi, dễ cháy, và là chất kịch độc, chỉ cần 1,5 g có thể dẫn đến chết người.

Nhưng sau vụ nổ, chúng ta ngoài việc nhìn thấy những lời khen ngợi “hình bóng anh hùng đẹp nhất”, “anh hùng không có người ngoài biên chế”, nhìn thấy những màn thăm hỏi thân thiết ra, còn những tên đầu sỏ gây họa đều vẫn bình an vô sự.

Người gây tội lại không chết, còn những đứa trẻ ngoan thì lại mất mạng oan uổng ….

3. Nhiều gia đình anh hùng mất đi đứa con duy nhất như vậy, những người già cả neo đơn sẽ do ai chăm sóc đây?

Những “anh hùng” trong cuộc chiến tranh với Việt Nam năm đó cũng được báo chí truyền hình điện ảnh ca tụng hết lần này đến lần khác.

“Phong thái nhuộm máu”, “Tạm biệt, mẹ thân yêu!”, “Vòng hoa dưới chân đèo”…… những lời ca tụng rợp trời đậy đất!

Biết bao nhiêu người thế hệ trẻ đã phải bỏ mạng oan uổng như vậy! Con số thống kê chính thức là 27.000 người, đều là tuổi từ 18 đến 20.

Đỗ Phúc Cường đã hy sinh khi chỉ mới có 20 tuổi, mẹ của anh không biết anh đã hy sinh ở đâu, chôn cất ở chỗ nào, bà đã khóc đến mù cả hai mắt, ngay cả đến khi chết cũng không biết được con trai của mình táng thân ở nơi nào.

Người Mỹ đã xây bia tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam và Hàn Quốc ở Washington, trên đó khắc rõ họ tên của mỗi một người đã hy sinh thân mình vì đất nước, quốc gia dốc hết khả năng để tìm kiếm mỗi một bộ hài cốt mang về nước Mỹ, thậm chí hài cốt của các binh sĩ trong hai lần chiến tranh thế giới đến nay cũng không có bỏ đi.

Làm như vậy là vì để thể hiện sự tôn trọng đối với các di thể, vinh danh những người đã hy sinh, và đây càng là trách nhiệm của quốc gia đối với mỗi một gia đình.

Còn Trung Quốc thì sao?

Cha mẹ của những “anh hùng” đó thì sao?

Liệt sĩ Lương Cang hy sinh khi chỉ mới có 18 tuổi. Chính phủ chỉ cấp cho cha mẹ anh 500 đồng gọi là tiền an ủi chăm sóc, 36 năm sau đó bố mẹ anh không còn nhận thêm được một đồng nào nữa cả.

Người cha 86 tuổi và người mẹ 88 tuổi của anh, ngoài nước mắt lưng tròng tưởng nhớ con trai mình ra, thì còn biết trông chờ vào ai chăm lo cho mình lúc tuổi già?

Những nhân viên phòng cháy chữa cháy đã hy sinh hầu như đều là con một, là tương lai của mấy thế hệ người trong nhà.

Quốc gia đã dùng đến sinh mệnh của họ, vậy liệu có thể dùng tuổi trẻ và máu đào đã trả trước của họ để thay họ tận hiếu, chăm lo cho cha mẹ họ lúc cuối đời?

Mỗi lần nghĩ đến những công ty hóa chất chi chít khắp nơi, nào là công ty hóa chất ven sông, hóa chất công nghiệp…. giống như bom hẹn giờ, bản thân tôi không khỏi rùng mình lo sợ.

Mỗi lần nghĩ đến còn có nhiều hình bóng của những anh hùng trẻ tuổi bị ép phải rời khỏi thế gian này, bản thân tôi càng thêm lo sợ!

Bởi vì, con cái của nhà ai được sinh ra đều không phải là vì để hy sinh, càng không phải là vì để trở thành chiêu trò làm cảm động Trung Quốc!

Tác giả: Trần Văn Vận

Theo Soundofhope