Cổ nhân đối với mối quan hệ giữa tiền tài và đức hạnh nhìn thấy rất rõ ràng. Có tài đức sẽ có phú quý, có quan to lộc hậu, mới có con cháu đầy nhà. Cho nên cổ nhân rất xem trọng tu tâm hướng thiện, tích đức để kéo dài phúc phận.
Người có đức hạnh, con cháu đời sau hiển hách
Trong những năm Đạo Quang nhà Thanh, Lâm Tắc Từ được triều đình bổ nhiệm làm khâm sai đại thần đến Quảng Châu để cấm thuốc phiện. Lúc ấy có rất nhiều người đút lót cho ông, nhưng Lâm Tắc Từ biết nha phiến gieo hại cho bách tính, nguy hại sâu xa, nên ông cự tuyệt các khoản hối lộ. Tại hổ môn ông đã tiêu hủy gần 2 vạn rương nha phiến.
Năm sau, quân Anh uy hiếp triều đình nhà Thanh. Để cầu hòa, triều đình nhà Thanh cách chức Lâm Tắc Từ, đưa đến biên cương sung quân. Ông phải chịu 5 năm lưu đày.
Lâm Tắc Từ sau khi qua đời, Lâm gia chẳng những không suy tàn, mà con cháu mấy đời của ông còn học hành thành đạt, đều có người thi đậu Tiến sĩ, cử nhân. Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, Lâm gia vẫn là nhà dòng dõi Nho học. Khi đó trưởng tối cao pháp viện – Lâm Tường chính là hậu nhân của Lâm Tắc Từ. Người này cũng có đạo đức rất cao.
Tăng Quốc Phiên là trọng thần của triều đại nhà Thanh, lãnh đạo ba quân, quyền cao chức trọng, nhưng xưa nay không tham một đồng một cắc để mang về cho gia đình. Nắm trong tay quyền lực tài chính, nhưng không hề động tâm tham. Ông không muốn phát tài, cũng không muốn tích lũy tài sản cho con cháu, ông sợ rằng con cháu sẽ bị tiền tài vấy bẩn, khó đạt được những thành tựu lớn lao.
Dưới ảnh hưởng của Tăng Quốc Phiên, hậu duệ của Tăng gia đều tự lực cánh sinh, truy cầu tiến tới, trong tộc xuất hiện rất nhiều nhân tài ưu tú. Có người thống kê, gia tộc họ Tăng, bắt đầu từ Tăng Quốc Phiên, trong 200 năm, suốt 8 thế hệ không có một “phá gia chi tử” nào. Trong số các con cháu của Tăng gia, có gần 200 người học đến đại học, và hơn 240 người có tài năng danh giá.
Cổ nhân giảng: Tô tiên tích đức đời sau hưởng phúc. câu này chứa đựng nội hàm đạo đức thâm sâu. Đức độ mà tổ tiên tích lũy được từ bao đời đủ để ban phúc phận cho thế hệ mai sau, đó là điều mà ngày nay con người không cách nào hình dung được.
Tiền tài bất nghĩa tán gia bại sản
Có 3 gia tộc giàu có ở Quảng Đông vào thời nhà Thanh đó là: Ngũ gia, Phan gia và Khổng gia. 3 gia tộc này lợi dụng chiến tranh nha phiến để làm giàu, trong lúc nước nhà đang lâm nguy kiếm được mấy trăm ngàn vạn ngân lượng, tài sản tích lũy vô cùng lớn. Họ ăn mặc sang trọng, ra vào đưa rước bằng xe hạng sang, cơm ngon áo đẹp, sống cuộc sống xa hoa lãng phí.
Vào thời điểm đó, hầu hết các bức tranh thư pháp cổ nổi tiếng đều có đóng con dấu của Ngũ gia, Phan gia hoặc Khổng gia, cho thấy những bức tranh và thư pháp quý giá đó từng được 3 gia tộc này sưu tập cất giữ. Nhưng mấy chục năm sau, trong số con cháu của 3 gia tộc này, không có lấy 1 người tài giỏi, kết quả cả 3 gia tộc đều lụn bại.
Vào thời đại đó, ở Thượng Hải có một doanh nhân giàu có họ Trần, ông là vua đầu tư đất đai. Tài sản của Trần gia lên tới bốn ngàn vạn đồng bạc, gần một nửa số đồ đồng nổi tiếng ở Trung Quốc là của Trần gia. Có thể tưởng tượng mức độ giàu có xa hoa như thế nào. Tuy nhiên, chỉ sau 7 năm, giá đất ở Thượng Hải đột ngột giảm thê thảm, Trần gia đầu tư thất bại dẫn đến phá sản. Kho đồ cổ, bất động sản và gần như toàn bộ tài sản của Trần gia đều bị ngân hàng tịch thu bán đổi lấy tiền.
Trong ‘Lễ ký đại học‘ có câu: “Tiền phi nghĩa kiếm được thì cũng phi nghĩa mà mất.”
Vậy nên muốn phú quý lâu dài, tiền đồ cho con cháu hưởng đời đời thì phải tu tâm hướng thiện, ước thúc nhân tâm tránh xa việc ác.
Tử Vi