Tinh Hoa

Đức hạnh đáng nể phục của người vợ xấu xí

Người vợ xấu xí mà đức hạnh nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa đó là nàng Mạnh Quang, vợ của Lương Hồng. Mạnh Quang sống vào thời nhà Hán, bà không chỉ nổi tiếng là một trong 5 người phụ nữ xấu nhất lịch sử mà còn là người vợ đức hạnh mẫu mực.

Mỗi khi Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang đều đặt thức ăn trên một cái mâm gỗ rồi bưng mâm cơm cung kính mời chồng.

Đời Hậu Hán (25- 219), ở đất Giang Nam có một chàng hàn sĩ tên là Lương Hồng, bố mất sớm, sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng rất ham học, chàng vừa phải chăn lợn thuê vừa dành thời gian học tập. Tuy vậy, Lương Hồng lại là người rất khí tiết, giữ đạo thanh bần cao đẹp. Tài năng của chàng được nhiều người khâm phục, nổi tiếng khắp nơi nên nhiều gia đình quý tộc muốn gả con gái cho.

Người thì bảo cô gái nhà Đông xinh đẹp, cô gái nhà Tây giàu có. Nhưng trong lòng Lương Hồng muốn tìm một người con gái có hiểu biết, có lễ nghĩa. Chàng không ham vinh hoa phú quý, chỉ cần một người phụ nữ có đức hạnh, cần cù, chịu khó để làm vợ. Vì thế, dù được mai mối nhiều nhưng Lương Hồng vẫn không hề động lòng với ai.

Ở cùng huyện, có nhà họ Mạnh vốn dòng nho gia đạo đức, giàu có nhất vùng. Tiểu thư Mạnh gia tính nết đoan trang đức hạnh, từ nhỏ đã thông Kinh thư, là người dịu dàng, lễ phép, năng nổ làm việc, đang ở tuổi kén chồng. Đáng nói là nàng nổi tiếng vừa xấu lại vừa đen, khỏe đến mức có thể bê được cối đá nên 30 tuổi vẫn chưa có ai lấy. Nhiều người dạm hỏi, nàng trả lời ba mẹ rằng: “Con không cần cao sang, không tham phú quý, con chỉ muốn lấy được một người đạo đức giống như Lương Hồng mà thôi”.

Câu nói của tiểu thư nhà họ Mạnh đến tai Lương Hồng, chàng nghĩ đã tìm được người tâm đầu ý hợp, chẳng để ý đến dung nhân xấu xí của nàng, bèn mời người làm mối đến cầu hôn. Được đúng người mình thích đến cầu hôn, con gái Mạnh gia rất vui mừng, bèn đi sắm nữ trang, áo lụa, hài gai để diện.

Khi làm lễ thành hôn, nàng vấn tóc cao, mặc xiêm y lộng lẫy, trang sức toàn vàng ngọc cốt làm tăng vẻ đẹp để làm vừa ý chồng. Lương Hồng thấy vợ như thế không bằng lòng cũng không nói gì, nhưng qua bảy ngày đêm mà chàng không hề đoái hoài đến người vợ mới cưới.

Nàng lấy làm lạ, kiểm điểm lại lời nói cử chỉ của mình không tỏ vẻ gì vô lễ. Thấy vậy, Mạnh Quang bèn hỏi nguyên nhân, Lương Hồng nói: “Ta muốn cưới một người vợ cùng sống ẩn cư trong núi sâu, nàng trang điểm như vậy không giống với những gì ta mong muốn”. 

Nghe chồng nói thế, Mạnh Quang bèn đáp: “Chẳng qua là thiếp muốn thử chí hướng của chàng một chút, trang phục ẩn cư thiếp đã chuẩn bị xong từ lâu”. Nói xong, nàng lập tức trút bỏ lớp áo quần lộng lẫy, vòng vèo, kẹp tóc và cuốn mái tóc dài của mình lên, thay trang phục rồi bắt tay vào làm việc nhà.

Lương Hồng thấy vậy rất vui: “Đây mới chính là vợ của ta. Hồng này không màng danh lợi, không ham của bạc vàng. Ta chỉ muốn cùng vợ cày ruộng, trồng lúa, dệt lấy vải, sinh sống trong cảnh nghèo mà lúc nào cũng giữ tròn khí tiết, đạo đức, vợ lúc nào cũng kính trọng chồng và chồng lúc nào cũng nể yêu vợ” . Từ đó về sau vợ chồng Lương Hồng – Mạnh Quang ngày càng yêu thương nhau hơn.

Sau đó, hai vợ chồng lên núi Bá Lăng cùng nhau sống một cuộc sống tự do, tự tại. Ngày ngày trồng trọt, đọc sách, chơi đàn, viết văn. Mặc dù cuộc sống khốn khó nhưng vợ chồng Lương Hồng vẫn giữ được những lễ nghi rất đáng khâm phục.

Mỗi khi Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang đều đặt thức ăn trên một cái mâm gỗ rồi bưng mâm cơm cung kính mời chồng, nàng không ngước mắt nhìn lên mà mỗi lần đều nâng mâm cơm cao ngang mày, Lương Hồng cũng rất lễ phép đưa hai tay đỡ lấy mâm cơm. Hành động của Mạnh Quang giống như người làm nô bộc khiến người ta phải chú ý. Đó chính là cội nguồn của câu nói “cử án tề mi” được lưu truyền trong cổ ngữ Trung Hoa cho tới tận bây giờ.

Ý câu nói muốn nhắc tới sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cặp vợ chồng. Bởi thế, trên cửa phòng của nhà trai buổi tân hôn, người ta thường dán 4 chữ “cử án tề mi” để chúc các đức lang quân có được vợ đức hạnh như nàng Mạnh Quang.

Theo afamily