Tinh Hoa

Dự ngôn ‘Thôi Bối Đồ’ hé lộ thiên cơ về dịch viêm phổi Vũ Hán?

Tượng 56 trong Thôi Bối Đồ dường như đã nói về dịch viêm phổi Vũ Hán cũng như quy mô và mức độ của nó…

Dự ngôn ‘Thôi Bối Đồ’ hé lộ thiên cơ về dịch viêm phổi Vũ Hán. (Ảnh qua NTD Việt Nam)

Tương truyền rằng, Đường Cao Tổ Lý Thế Dân vì để đoán vận mệnh của Đường triều nên đã mời hai vị đại thần là Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong đến suy tính. Không ngờ, Lý Thuần Phong suy tính vận mệnh của Trung Quốc đến… 2000 năm sau. Mãi khi Viên Thiên Cang đẩy lưng của Lý Thuần Phong và nói: “Thiên cơ không thể tiết lộ, hay là đi về nghỉ ngơi đi”, Lý Thuần Phong mới dừng lại. Cho nên cuốn sách này được đặt tên là “Thôi Bối Đồ” nghĩa là hình vẽ đẩy lưng. 

Thôi Bối Đồ có 60 tượng, kết cấu của một “tượng” bao gồm: Đồ tượng (hình vẽ), sấm (lời sấm), tụng (lối văn của Trung Quốc), quẻ (trong Kinh Dịch) và phần ghi chú ở bên trái.

Rốt cuộc tượng 56 nói về dịch viêm phổi Vũ Hán như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau luận giải.

Đồ tượng

Hình vẽ nổi bật là hai chàng võ sĩ cầm vũ khí, còn miệng thì phun lửa (trong đồ tượng còn có 2 con chim và 4 con cá). Chàng võ sĩ trong tiếng Trung là Võ (1) sĩ Hán tử (武士漢子), ở dữ kiện này ta thu được hai chữ Võ Hán, hay đọc thuận hơn là Vũ Hán. Còn miệng hai võ sĩ phun lửa, ở đây ta có 2 lửa, lửa là hỏa (火), 2 chữ hỏa (火) tạo thành chữ viêm (炎). Ta biết rằng cá thở bằng mang, còn con người hay động vật có vú thì thở bằng phổi. Phổi là phế (肺). Miệng cũng là cơ quan thuộc hệ thống hô hấp. Do đó, kết hợp với các dữ kiện ở trên ta có được chữ “Vũ Hán phế viêm” (武漢肺炎) tức là dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tượng 56 trong Thôi Bối Đồ. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sấm, tụng và ghi chú

Sấm viết:

Phi giả phi điểu
Tiềm giả phi ngư.
Chiến bất tại binh
Tạo hóa du hý.

(飛者非鳥
潛者非魚.
戰不在兵
造化遊戲.)

Dịch nghĩa:

Sấm rằng: Loài bay không phải chim, loài lặn không phải cá; chiến tranh không khởi binh, mà là do tạo hóa. Hai câu đầu là để mở màn dẫn dắt cho câu thứ ba. Tức là, nhìn trong đồ tượng là chim cá nhưng không phải là chim cá; đến câu thứ ba: đây là cuộc chiến nhưng lại không khởi binh đao.

“Chiến” (戰) trong câu thứ ba dường như ngầm nói về cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong lịch sử, khi thay đổi triều đại hoặc chính quyền bức hại tín ngưỡng và người tu luyện thì thường có dịch bệnh hoặc thiên tai. Câu thứ tư nói “cuộc chiến” này là do “tạo hóa”. “Tạo hóa” (con tạo) chỉ “Thiên ý”, có thể lấy ví dụ như “Tạo hoá gây chi cuộc hý trường / Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương” (Thăng Long thành hoài cổ – Bà Huyện Thanh Quan) hay “Cũng liều nhắm mắt đưa chân / Để xem con tạo xoay vần đến đâu” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Tụng viết:

Hải cương vạn lý tận vân yên
Thượng ngật vân tiêu bất cập tuyền.
Kim mẫu mộc công công huyễn lộng
Can qua vị tiếp họa liên Thiên.

(海疆萬里盡雲煙
上迄雲霄下及泉.
金母木公工幻弄
干戈未接禍連天.)

Dịch nghĩa:

Tụng rằng: Hải phận vạn lý không mây khói, cao tận trời xanh xa suối nguồn. Hai câu đầu của tụng chỉ phạm vi rộng lớn, tựa như ngồi trên máy bay cách xa mặt đất (mà suối chảy trên đất) nhìn hải phận không có mây khói che tầm mắt, không gian lúc đó rộng lớn mênh mông. Thêm vào đó phần ghi chú phía bên trái với nội dung: Việc hành quân dùng lửa (ý nói đồ tượng hai chàng trai cầm vũ khí phun lửa) không có ý là chiến tranh, còn hải phận của “cuộc chiến” không chỉ ở tại Trung Quốc. Kết hợp hai câu đầu của tụng và ghi chú, ta thấy “cuộc chiến” (tức dịch viêm phổi Vũ Hán) có phạm vi rất rộng, không chỉ bị ở Trung Quốc mà còn lan rộng trên thế giới.

Kim mẫu mộc công, làm việc đó biến hóa khó lường; binh đao chưa khởi họa đã thấu tận trời xanh. Hành Kim và hành Mộc tương ứng với hướng tây và hướng đông, do đó “Kim mẫu” chỉ Tây Vương Mẫu, còn “Mộc công” chỉ Đông Mộc công, cả hai đều là những vị Tôn Thần trong Đạo giáo. Câu thứ ba trong tụng cũng có ý giống câu thứ tư trong sấm, tức chỉ Thiên ý. Còn câu thứ tư chỉ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này là “họa thấu tận trời xanh”. 

Số người chết và số người nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc và các nơi trên thế giới liên tục cập nhật trong thời gian gần đây đã cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch viêm phổi Vũ Hán này.

Quẻ

Quẻ trong tượng 56 gồm Khôn dưới, Khảm trên, hai quẻ trên tạo thành quẻ Thủy Địa Tỷ (đồ hình ::::|:) – quẻ thứ 8 trong Kinh Dịch. Trong Thoán từ (lời giải trong Kinh Dịch) có đưa ra con đường cứu thoát, đây có thể xem là một tham khảo hữu ích cho mọi người. 

Thoán từ viết như sau: Phỏng theo việc giữ gìn trung trinh, thiện lương ban đầu thì không gặp tai họa. Người nào cứ theo kẻ xấu làm việc bất an thì gặp hung (2). Ở đây ta thấy người nào kiên định được con đường chân chính, bảo trì được thiện lương, đức hạnh thì tránh được điểm gở. Hoặc người nào biết mình làm sai, thành tâm hối cải để bù đắp lại lỗi lầm đã gây ra thì vẫn còn cơ hội. Kẻ hành ác thì chắc chắn gặp tai họa, còn những ai đi theo tà ác, tuy không làm điều tội lỗi nhưng chính vì thái độ thờ ơ của họ đã thêm dầu vào lửa, thì người ấy cũng sẽ gặp chuyện chẳng lành.

***

Dự ngôn đều là những lời cảnh tỉnh của Thần đối với thế nhân khi đạo đức tụt dốc, nhưng đồng thời trong đó cũng có những lời khuyên để con người giữ gìn thiện lương, đức hạnh để vượt qua kiếp nạn. Đây cũng coi như là sự từ bi của Thần Phật đối với chúng sinh vậy, giống như năm xưa Thượng đế đã báo cho Noah tính tình công chính về đại hồng thủy và bảo ông làm một con thuyền lớn, nhắm cứu vớt những sinh mệnh có thể cứu được…

Ghi chú: 

(1) 武 có hai âm là “vũ” hoặc “võ”, tùy theo trường hợp nào đọc thuận âm hơn thì chọn cách đọc đó. Ví nhu: võ thuật, vũ đạo… chứ người ta không nói vũ thuật hay võ đạo.

(2) Nguyên gốc là: Tỷ cát. Nguyên phệ, nguyên vĩnh trinh, vô cữu. Bất ninh phương lai, hậu phu hung – 比吉. 原筮, 元永貞, 无咎. 不寧方來, 後夫凶.

Theo ĐKN