Vì sao bạn tốt cứ dần rời xa? Có một số người sau một thời gian thân thiết lại cứ dần dần xa cách. Đó có thể là do cách kết nối và cách nói chuyện của chúng ta có vấn đề.
Nếu như bạn phát hiện lời mình nói không ai muốn nghe, bạn bè ngày càng ít, vậy thì rất có thể bạn cũng phạm phải những sai lầm dưới đây.
1. Tùy ý phán xét về cuộc sống của người khác
Tôi có mấy người bạn học cấp ba, bởi vì tính tình hợp nhau nên tuy đã tốt nghiệp nhiều năm rồi nhưng vẫn giữ liên lạc. Nhưng kể từ khi Hạ Vy kết hôn, những người khác lại dần dần tránh xa cô.
Nguyên nhân chỉ vì Hạ Vy sau khi kết hôn thì hay dùng chiêu “Vì muốn tốt cho bạn” “Cũng hy vọng bạn được hạnh phúc” mà không ngừng thúc giục những người khác kết hôn.
Ví dụ như Thục Trinh năm nay tốt nghiệp nghiên cứu sinh và đã lên kế hoạch cho chuyến đi tốt nghiệp của mình. Cô liền gửi mấy tấm hình đi chơi cho bạn bè xem, khi đó Hạ Vy nhắn lại: “Đi ra ngoài chơi thì có gì thú vị đâu, cậu nên tranh thủ thời gian đi tìm đối tượng đi”.
Lại thêm ví dụ nữa, mọi người đang nói chuyện phiếm, có người nói công việc cực kỳ áp lực. Hạ Vy đến nói một câu: “Cậu cần một người chồng để chăm sóc rồi đó, kết hôn rồi thì áp lực cũng không còn lớn nữa”.
Còn nói là “Có nhiều người bạn học đã kết hôn sinh con rồi, mọi người không nhanh lên, đến lúc lớn tuổi rồi thì khó lấy chồng đó”.
Theo quan điểm của Hạ Vy, dường như chỉ có kết hôn là việc có ý nghĩa trong cuộc đời. Những người khác chỉ cố gắng làm việc và học tập thì cô không cách nào lý giải được.
Thời gian dần qua, mọi người có việc gì cũng không nói với Hạ Vy nữa, liên hệ với cô càng ngày càng ít. Đã từng không có gì giấu nhau mà giờ lại trở thành xã giao thế này.
Rất nhiều người dường như đã trở thành thói quen, mang thứ hạnh phúc trong mắt mình đi áp dụng vào người khác, vì vậy luôn cho rằng người khác không hạnh phúc.
Nhưng mà mỗi người đều nhìn nhận cuộc sống theo một cách riêng. Bạn có thể sẽ không hiểu được hạnh phúc của người khác; mà hạnh phúc trong mắt của bạn, đối với người khác có khi lại không có giá trị gì.
Dùng quan điểm của bản thân đi phát xét người khác, bạn đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong kết giao với bạn bè.
2. Quá hào hứng với những chuyện không đâu
Có người mà câu cửa miệng khi gặp người khác luôn là: “Cậu biết không? Người đó lại xảy ra chuyện rồi”.
Lần đầu gặp phải loại người này, tôi thật không hiểu, tại sao lại phải hứng thú với mấy chuyện đó, dường như mỗi ngày đi làm đều là nghe ngóng những chuyện bí mật của người khác.
Giáo sư Diêu Bác của trường đại học Texas đã từng làm một điều tra liên quan đến vấn đề này và ông phát hiện:
“Người thích thú với những chuyện của người khác thường có tâm lý tự ti, hy vọng có thể thông qua những tin tức bí mật này mà đề cao địa vị của mình, tăng thêm thiện cảm đối với người khác, làm mối quan hệ thêm gắn bó”.
Tôi nhớ từng nghe được một câu: “Tình cảm giữa phụ nữ, đều là bắt đầu bằng việc nói xấu về một người khác”.
Lời này chợt nghe thì thấy có lý, nhưng suy nghĩ sâu thêm một chút thì thấy, thông qua ‘nói xấu’ để đạt được tình cảm chính là thể hiện tầng thứ nông cạn, bạn rất khó có thể cùng người khác tiến sâu thêm nếu làm theo cái cách này.
Mặc dù mọi người đều thích đàm luận linh tinh một chút, nhưng lại không muốn bên mình có một “bà tám siêu cấp”, ai cũng lo lắng rồi mình sẽ trở thành nạn nhân lúc nào không hay.
MC Thái Khang Vĩnh từng nói: “Nói chuyện phiếm cũng là một phần của cuộc sống, căn bản là ở tiêu chuẩn”.
Điều này hoàn toàn đúng, nói chuyện phù hợp sẽ làm cho cuộc sống thêm hài hòa. Nhưng một khi nói quá phận của mình thì sẽ trở thành người thiếu tu dưỡng.
Kéo dài như vậy sẽ làm mất hình tượng của bản thân, cũng làm cho người khác dần dần tránh xa bạn.
3. Chủ nghĩa tiêu cực, lúc nào cũng phàn nàn
Người theo chủ nghĩa tiêu cực sẽ như thế nào? Bạn nói thời tiết tốt, anh ta sẽ nói quá nắng; bạn nói gà chiên ăn ngon, anh ta nói ăn nhiều coi chừng béo…
Kỳ thực điều anh ta nói cũng đúng, nhưng anh ta luôn chỉ nhìn sự việc từ một phía. Người tiêu cực, nhìn cái gì cũng cảm thấy không tốt, luôn chứa đầy cảm xúc bi quan, thậm chí sẽ đem cảm xúc này lây cho người khác.
Tố Trân chính là một người mang theo năng lượng phụ diện rất lớn, ít có ai nói chuyện với cô mà cảm thấy vui vẻ.
Lúc nào cũng thấy cô phàn nàn, nào là công việc, nào là cuộc sống. Tóm lại là từ những việc nhỏ xíu như hạt vừng cho đến việc quốc gia đại sự, cô luôn có thể tìm được điểm không vừa mắt, sau đó là nói mãi không dứt.
Ngồi nói chuyện phiếm với cô, không chỉ cảm thấy không thoải mái, mà còn ảnh hưởng đến cả tâm lý sau đó. Lâu dài về sau, rốt cuộc không ai muốn nói chuyện với cô nữa.
Đôi khi nhắc nhở một cách lý trí cũng là điều tốt, nhưng với việc nào cũng làm như thế thì chỉ làm cho người khác khó chịu mà thôi.
Kỳ thực, muốn kết nối với người khác cũng không khó, mấu chốt là phải hiểu được cách thay đổi góc độ suy nghĩ, biết suy nghĩ cho người khác.
Tăng Tử viết: “Tôi mỗi ngày phản tỉnh ba điều: Lo việc cho người đã làm hết mình chưa? Làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín chưa? Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập chưa?”.
Nếu đợi đến lúc bạn bè chán ghét và xa lánh, thì dù có muốn phàn nàn đi chăng nữa cũng chỉ có chính mình nghe mà thôi.
Chân Chân biên dịch
Xem thêm: