Tinh Hoa

Động vật kỳ lạ nhất thế giới ở VN

Dơi ‘quỷ’, nhái bay ma cà rồng và rắn mắt ngọc của Việt Nam có tên trong danh sách những loài động vật kỳ lạ nhất mới được phát hiện năm 2011 do Tạp chí National Geographic vừa công bố.

TIN LIÊN QUAN

1. Dơi ‘quỷ’

Các nhà sinh vật học thuộc Viện bảo tàng thiên nhiên quốc gia Hungary và Tổ chức bảo tồn quốc tế Fauna & Flora (FFI) đã phát hiện 3 loài dơi mới tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm loài dơi quỷ (beelzebub) ở Việt Nam.

Mặc dù được đặt tên nghe rất hung dữ, nhưng loài dơi ‘quỷ’ rất nhút nhát. Chúng thường sống trong những khu rừng nhiệt đới hẻo lánh ở Việt Nam để tránh bị con người làm phiền. Chúng chỉ trở nên hung dữ khi bị bắt.

2. Cá mập một mắt

Một ngư dân đã rất bất ngờ sau khi phát hiện thấy trong bụng một con cá mập voi mà mình vừa đánh bắt được tại vịnh California, Mexico có một bào thai cá mập chỉ có một mắt và bị bệnh bạch tạng. Hiện tượng một mắt cực kỳ hiếm xảy ra ở những loài động vật, bao gồm cả con người.

Các nhà khoa học đã từng đề cập tới cá mập một mắt trong các tài liệu khoa học trước đây. Tuy nhiên, tiến sĩ Jim Gelsleichter, thuộc Đại học North Florida (Mỹ) cho biết chưa có cá mập một mắt sống sót ngoài tự nhiên được ghi nhận cho đến nay.

3. Nấm điều khiển não của kiến

Các nhà khoa học đã phát hiện một loài nấm mới, với tên khoa học là Ophiocordyceps camponoti-balzani, sống ký sinh trên những chú kiến ‘thây ma’ trong rừng rậm nhiệt đới ở Brazil. Phát hiện này được công bố trên tạp chí National Geographic vào tháng 3/2011.

Loài nấm ký sinh này có khả năng xuyên vào não bộ của kiến, sau đó giết chết con vật và rồi chui vào nơi lý tưởng trong cơ thể con kiến để phát triển và phát tán các bào của chúng.

4. Giun ma quỷ

Một nhóm nghiên cứu trường Đại học Princeton đã phát hiện một loài giun mới đặt tên là Halicephalobus mephisto (gọi theo tên của con quỷ Mephistopheles trong vở kịch Faust của Goeth) ở độ sâu chưa từng thấy.

Loài giun Halicephalobus mephisto được tìm thấy ở độ sâu khoảng 3.500 mét dưới mặt đất ở vùng lòng chảo Witwatersrand, gần Johannesburg. Phương pháp xác định niên đại bằng carbon cho thấy chúng đã sống ở độ sâu như thế từ 3.000-10.000 năm trước.

5. Nhái bay ma cà rồng

Vùng rừng núi của Việt Nam là nơi cư trú của một loài “nhái bay ma cà rồng” – có tên khoa học là Rhacophorus vampyrus, được các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện vào năm 2008 và chính thức công bố trên tạp chí National Geographic vào tháng 2/2011.

Loài nhái Rhacophorus vampyrus dài khoảng 5cm và chỉ sống duy nhất tại các khu rừng nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam. Bàn chân có màng giữa các ngón khiến chúng có thể liệng khá xa trên các cành cây để kiếm ăn. Chúng thường để trứng trên các hốc cây đọng nước để tránh kẻ thù làm hại con non sau khi nở.

6. Khủng long ‘quỷ’

Tháng 4/2011, các nhà khảo cổ học thuộc Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ cho biết họ đã phát hiện hóa thạch hộp sọ có hình thù rất lạ của một loài khủng long mới, được đặt tên là Daemonosaurus chauliodus.

Daemonosaurus chauliodus được mô tả là có đôi mắt to bất thường cùng bộ răng cong về phía sau. Chúng là loài thú ăn thịt, thuộc thời kỳ đầu của loài khủng long kỷ Trias, cách đây chừng 205 triệu năm trước. Các nhà khoa học cho rằng, đây là một mắt xích quan trọng đối với chuỗi tiến hóa của các loài khủng long thời tiền sử.

7. Loài rắn độc Viper tí hon

Tiến sĩ Jian-Huan Yang và các cộng sự thuộc Đại học Sun Yat-Sen, thuộc thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã phát hiện một loài rắn Viper mới có kích thước rất nhỏ, được đặt tên Protobothrops maolanensis.

Loài rắn Protobothrops maolanensis sống trong các khu rừng thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Maolan, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Chúng có kích thước khá nhỏ, với chiều dài tối đa khi trưởng thành khoảng 70 cm, nhưng có thể phóng độc tố rất độc. Đây là loài rắn nhỏ nhất được phát hiện ở Trung Quốc cho tới nay.

8. Ếch có răng nanh

Các nhà khoa học thuộc Đại học McMaster (Canada) vô cùng kinh ngạc khi phát hiện hiện thấy 13 loài ếch mới có răng nanh trên đảo Sulawesi ở Indonesia, vào tháng 8 vừa qua. Nhóm nghiên cứu đã phân tích ADN và lập bản đồ phân bố của 13 loài ếch có răng nanh, xác định chúng thuộc chi ếch Limnonectes, trong số này có 9 loài mới đối với giới khoa học.

Tiến sĩ Ben Evans, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết răng nanh của các loài ếch này không phải là răng thực sự mà là phần xương hàm nhô lên và một vài chiếc răng trong số chúng không thể nhìn thấy qua khe nướu.

9. Rắn mắt hồng ngọc

Hồi tháng 3/2011, các nhà khoa học đã công bố trên tạp chí National Geographic phát hiện loài rắn lục có mắt màu hồng ngọc có tên khoa học Cryptelytrops rubeus sống ẩn nấp trong các khu rừng gần Thành phố Hồ Chí Minh và các ngọn đồi thấp ở miền nam Việt Nam và miền đông Campuchia.

Theo các nhà khoa học, rắn Cryptelytrops rubeus thường xuất hiện gần các con suối và món ăn ưa thích của chúng là ếch. Bức ảnh trên được chụp khi con rắn mắt hồng ngọc đang bắt một con ếch.

Hà Hương

 

Theo VietnamNet