Động vật cảm xúc sâu sắc hơn con người, đó là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học và kết quả thu được khiến chúng ta sẽ thấy rất bất ngờ…
Nếu nuôi thú cưng, đặc biệt là mèo hay chó, bạn chắc chắn sẽ biết được chúng cũng có cảm xúc. Những biểu hiện cảm xúc cơ bản nhất như ngạc nhiên, ghen tỵ, sung sướng (ví dụ như con chó lâu ngày mới gặp lại chủ nhân), yêu mến, mãn nguyện (hãy nghĩ tới một chú mèo nằm gọn trong lòng chủ nhân), lo sợ, tức giận, bị kích động (đặc biệt hay thấy ở mèo), thậm chí cảm thấy có lỗi hay thẹn thùng (rất dễ thấy ở chó).
Dù động vật không biết tiếng người để bày tỏ cảm xúc qua lời thoại đối với chủ nhân, tuy nhiên cử chỉ và tiếng kêu của chúng cũng tương tự như cách thể hiện trạng thái cảm xúc ở một cung bậc nhất định. Biên tập viên Gene Weingarten tại Washington Post từng viết về thú cưng quá cố là con chó Harry như sau: “Vợ tôi là diễn viên. Một ngày nọ cô ấy đang độc thoại cho vai diễn sắp tới, vở kịch “Night, Mother” (lược dịch “Ban đêm, người mẹ”) của Marsha Norman kể về một bà nội trợ cố gắng ngăn cản con gái tự tử. Bà nội trợ tên Thelma trước mặt cô con gái tỏ ra khá lúng túng và yếu thế, nhưng vẫn gắng sức thuyết phục cô bé trong tâm trạng hoang mang rằng mình sẽ bị bỏ rơi một mình vì không thể níu kéo mạng sống cho con. Đó thực sự là một vai diễn đầy đau khổ và nước mắt”.
“Vợ tôi đang độc thoại thì dừng lại. Con chó Harry có biểu hiện rất căng thẳng và kích thích. Nó không thể hiểu nổi nghĩa của mỗi một từ vợ tôi thốt ra, nhưng những gì Harry chứng kiến qua vai diễn của nữ chủ nhân khiến nó hiểu được cô ấy đang đau khổ thế nào. Đó là điều Harry chưa bao giờ thấy. Và rồi Harry rên rỉ, cào khẽ vào đầu gối vợ tôi, liếm tay cô ấy. Nó đang cố gắng làm mọi điều có thể để an ủi nữ chủ nhân”.
Weingarten kết luận rằng: “Bạn không cần một trí não quá xuất chúng để rung động trong trái tim”. Ông đang đề cập tới chú chó Harry. Một phần não người liên quan tới cảm xúc, được gọi chung là hệ viền, cũng tồn tại ở các loài động vật có hộp sọ và hệ thần kinh. Nhà thần kinh học Jaak Panksepp vốn nổi tiếng với nghiên cứu của ông về xúc cảm, đã tuyên bố: “Có những bằng chứng không thể chối cãi rằng, về cơ bản, mọi động vật có vú đều cảm nhận và biểu hiện cảm xúc”.
Thậm chí có người còn cho rằng một số động vật có vú thậm chí tư duy sâu sắc hơn con người, bởi chúng sở hữu cái gọi là ý thức “nguyên thủy”. Những động vật này hiểu rõ về bản thân và môi trường đang sinh sống, nhưng ít gánh nặng phức tạp về suy tư điển hình ở con người. Chúng sống chân thật hơn con người.
Một chuyên gia nghiên cứu hành vi của động vật là Jeffrey Masson đã nhận xét rằng động vật có cảm xúc “rất tự nhiên và rõ ràng”, ít ra là cho đến hiện giờ, so với “những suy nghĩ sâu xa và khó hiểu của con người”. Một nhà phân tích tâm lý học cũng từng băn khoăn, liệu có phải cái tôi trong mỗi con người không tương quan với biểu hiện cảm xúc trực tiếp và bột phát giống như thấy ở động vật.
Ông Masson cũng lưu ý rằng động vật có khả năng biểu hiện niềm hạnh phúc rất trong sáng và tự nhiên. Ví dụ như tiếng hót của đàn chim trong ngày mùa xuân ấm áp sẽ cho ta thấy một cảm giác rất thoải mái và vượt ra khỏi sự giao tiếp thông thường. Nhà tự nhiên học Joseph Wood Krutch phỏng đoán rằng: “Có lẽ một số loài vật nhất định vừa hưởng thụ cuộc sống và hoàn toàn vô tư hơn bất kỳ con người nào”. (Ông ấy cũng lập luận rằng, “bất kỳ ai nghe chim hót và nói ‘tôi không thấy cái gì gọi là hưởng thụ hay sung sướng ở trong đó’, thì cũng không hẳn đang nói về con chim, nhưng lại cho thấy rất nhiều suy tư của chính người này”).
Nói về tình trạng “u buồn” ở động vật, ông Masson cũng đề cập tới một con sư tử bị nhốt trong chiếc lồng sắt. Nó tiến lên lùi xuống một cách uể oải nhưng rõ ràng có chút giận dữ. Một động vật bị cấm đoán sử dụng bản năng tự nhiên của nó như săn mồi, gầm rú, leo trèo, phá phách như con sử tử này, chắc chắn đang cảm thấy vô cùng u sầu, bí bách và tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn nếu như nó không thể thốt ra bằng lời tâm tư của mình.
Như vậy, theo nhận xét của ông Masson, “ngôn ngữ thể hiện cảm xúc rất hiệu quả…câu nói đơn giản như “tôi đang buồn chán” rõ ràng với nguyên nghĩa của nó đã nói rõ tâm trạng ai đó, nhưng có thể không biểu cảm và ấn tượng bằng những động tác của động vật vốn rất dễ thấy. Điều đó chứng tỏ động vật đôi khi nhạy cảm và tư duy sâu sắc hơn con người nhiều, cho dù chúng ta có ngôn ngữ hẳn hoi.
(Đây là bài viết của Michael Jawer, người đã và đang nghiên cứu nền tảng tư duy và thân thể cá nhân cũng như sức khỏe trong 15 năm qua. Các bài báo và bình luận của ông từng xuất hiện trên mục Khám phá Tinh thần và Sức khỏe của những tạp chí uy tín như The Journal of Journal of Science and Healing, Noetic Now, and Science & Consciousness Review. Jawer đã trình bày nghiên cứu của mình trước Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ và trả lời phỏng vấn với nhiều ấn phẩm).
Theo minhbao.net