“Từ bi” là từ thường xuyên được những người tu luyện sử dụng. Chúng ta hay nghe thấy những câu như “Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi”, “Phật tổ từ bi vô lượng”, v.v. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về hai từ này, cũng không dễ mà thực hiện được nó.
Từ bi là gì?
Từ bi là một cảnh giới vô tư được ma luyện từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống, không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình rèn luyện tu dưỡng dài đằng đẵng.
Thiện là một biểu hiện của từ bi, là sự thương cảm dành cho những người gặp khó khăn thống khổ trong cuộc sống; là sự xót thương và khuyến thiện đối với những người hành ác; là sự chiếu cố đối với người lương thiện, v.v. Trong từ bi toát ra sự chân thành, chỉ có sự thuần chân phát ra từ đáy lòng mới có thể chạm tới nhân tâm, giáo hóa được người khác.
Trong từ bi cũng có tấm lòng rộng lớn, đối mặt tổn thương không tức giận; đối mặt tình cảm không thiên vị, có thể dung nạp vạn vật. Vì vậy, trong từ bi có chân, có thiện, cũng có nhẫn. Nói ngược lại chính là, trong Chân, Thiện, Nhẫn có thể tu xuất ra từ bi.
Câu chuyện tu luyện của Mật Lặc Nhật Ba chính là một ví dụ
Khoảng thời gian Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa) tu hành ở trong động, một ngày, có một đám thợ săn mang theo chó săn đến đó, nhưng mãi mà chẳng săn được gì, rồi vô tình đi đến trước động của Mật Lặc Nhật Ba.
Vừa thấy Mật Lặc Nhật Ba, nhóm thợ săn sợ hãi la lên: “Ngươi là người hay quỷ? Sao toàn thân đều là màu xanh?”
Mật Lặc Nhật Ba đáp: “Ta là người, bởi vì ăn cây gai một thời gian dài, nên mới biến thành như thế này”.
Nhóm thợ vào trong động nhìn khắp một lượt rồi hung hăng uy hiếp: “Ngươi tu hành vậy lấy lương thực ở đâu? Có thể đưa cho bọn ta được không, sau này chúng ta sẽ trả tiền cho ngươi. Nếu ngươi không lấy ra, bọn ta sẽ giết!”
Mật Lặc Nhật Ba nói: “Ngoại trừ cây gai này ra thì ta không có gì hết. Mà nếu có, ta cũng không giấu làm gì. Nhưng đối với người tu hành các vị chỉ nên cung dưỡng lương thực, không nên đoạt!”
Một thợ săn trong nhóm nói: “Cung dưỡng lương thực cho người tu hành có chỗ nào tốt chứ?”
Mật Lặc Nhật Ba nói: “Cung dưỡng cho người tu hành thì sẽ có phúc báo”.
Người này này liền cười nói: “Được! Được! Ta sẽ đến cung dưỡng cho ngươi một lần!”
Nói xong, liền ôm Mật Lặc Nhật Ba đang ngồi ở trên quăng xuống đất, những người khác xúm lại liên tục nâng Mật Lặc Nhật Ba lên rồi lại ném xuống. Bọn họ cứ làm như vậy khiến thân thể gầy yếu của Mật Lặc Nhật Ba đau đớn vô cùng, không thể chịu được.
Mặc dù nhóm thợ săn vũ nhục hành hạ Mật Lặc Nhật Ba như vậy, nhưng ông lại xuất ra tâm từ bi, thương xót họ mà rơi lệ.
Một người thợ săn trong nhóm vốn không tham gia nhục mạ đánh đập Mật Lặc Nhật Ba nói: “Không nên làm như vậy. Hắn thật sự là một người tu khổ hạnh! Cho dù hắn không phải người tu hành cũng không nên ăn hiếp một người gầy còm ốm yếu, như vậy không xứng là anh hùng hảo hán! Hơn nữa chúng ta không phải vì hắn mà bị đói, không nên làm vậy nữa!”.
Người thợ săn kia nghe vậy mới dừng tay và nói với Mật Lặc Nhật Ba: “Ta đã cung dưỡng cho ngươi rồi đó!” Nói xong cười ha ha rồi cả bọn cùng rời đi.
Trong câu chuyện, Mật Lặc Nhật Ba đã không thi triển chú pháp để trừng phạt những người đánh mình, mà ngược lại còn xuất tâm từ bi thương xót họ, đây là một sự độ lượng to lớn.
Thế nhưng, những người kia cuối cùng vẫn phải nhận báo ứng. Trong một vụ việc khác, người mà trước đó đã đánh Mật Lặc Nhật Ba đầu tiên và nhiều nhất bị quan tòa xử tội chết, những người tham gia đều bị xử phạt nặng, chỉ có người không đánh Mật Lặc Nhật Ba là không bị sao cả.
Từ bi không phải khi người khác tốt với mình thì mới thiện với họ, mà từ bi là một tình yêu thương bao la rộng lớn, là một trạng thái vĩnh hằng. Và đương nhiên, hàm nghĩa thâm sâu của từ bi không phải là điều mà người phàm mắt thịt có thể liễu giải được.
Lê Hiếu