Có người từng nói: “Đọc văn của Dương Giáng giống như nghe một triết gia giảng đạo lý về những chuyện xưa cũ ở trần gian, cứ bình đạm, bình thường mà bên trong lại ẩn chứa một cuộc sống trác tuyệt”.
Ngay lúc bạn cảm thấy lo lắng, nóng nảy, mê mờ, nếu không ngại có thể đọc thử 4 câu này của nhà văn Dương Giáng. Mong bạn có thể quét đi được những bụi bặm trong lòng, nhẹ nhàng bước đi, rồi những năm tháng về sau sống một cuộc đời thật khoáng đạt.
1. Bất luận đời người đang ở giai tầng nào đi chăng nữa, ở dưới sẽ luôn có người đang ngước nhìn lên bạn, ở trên lại cũng có người đang nhìn xuống bạn. Ngẩng đầu tự ti, cúi đầu lại tự đắc, chỉ có nhìn thẳng mới có thể nhìn thấy tự kỷ chân chính.
Cuộc sống sẽ luôn có những lúc cảm thấy suy sụp, sau đó nhìn người xung quanh, bạn bè, người nhà, đồng sự, thậm chí cả những người không quen biết, dường như mỗi người đều hạnh phúc, vui vẻ hơn mình.
Lúc này sẽ khiến bạn không khỏi nghi ngờ những nỗ lực của mình, sẽ khiến bạn ước ao, thèm muốn, rồi lại thêm tưởng tượng, nếu như mình có thể có được những cái kia, nhất định là sẽ tốt hơn so với hiện tại.
Nhưng thực ra, nó giống như lý thuyết “Vây thành” vậy. Hôn nhân giống như là một tòa thành, người bên ngoài muốn đi vào, người bên trong lại muốn đi ra.
Nói chung đối với tất cả những ước ao trên đời cũng đều có thể dùng những lời này để giải thích, thân ở bên trong đau khổ, giày vò, lại bởi vì không đạt được mà cứ mãi xao động.
Trong tác phẩm “Đoạn chương” của Biện Chi Lâm có nói: “Bạn đứng trên cầu ngắm phong cảnh, người ngắm phong cảnh ở trên lầu ngắm bạn. Trăng sáng làm đẹp cửa sổ của bạn, bạn lại làm đẹp giấc mộng của người khác”. Bạn hâm mộ người khác, lại cũng có người khác hâm mộ bạn. Ai đó là phong cảnh của bạn, nhưng bạn lại chính là giấc mộng của ai đó.
Chúng ta cuối cùng sẽ nhận ra, cuộc sống của ai cũng có cả niềm vui và nỗi buồn. Mà điều duy nhất chúng ta có thể làm là đọc hiểu được nội tâm của mình, thừa nhận chính mình, tiếp nhận chính mình, sau đó tìm được con đường cho bản thân, bước đi từng bước vững chãi về phía trước. Chỉ có như vậy mới có thể đạt được nội tâm bình thản và phong phú.
2. Vấn đề của bạn chủ yếu ở chỗ đọc sách thì ít mà nghĩ thì quá nhiều
Từng có độc giả trẻ tuổi viết thư cho Dương Giáng, phàn nàn xã hội này đã quá loạn rồi. Trong thư hồi âm, Dương Giáng tiên sinh liền trả lời: “Vấn đề của bạn chủ yếu ở chỗ đọc sách thì ít mà lại nghĩ ngợi nhiều quá”.
Xem ra điều này đã trở thành bệnh chung của xã hội chúng ta ngày nay. Rất nhiều người trước khi làm một việc gì đều nghĩ rất nhiều, xem sẽ gặp phải những khó khăn gì? Làm nhiều vậy rồi lỡ thất bại thì sao đây? Đến lúc đó người khác sẽ nghĩ mình như thế nào?
Nghĩ mãi cuối cùng lại tự lừa mình dối người mà nói: “Được rồi, mình còn chưa chuẩn bị được tốt”.
Có một câu chuyện Phật giáo như sau: Có hai hòa thượng, một người thì nghèo, còn một người kia lại giàu, đều muốn đi hành hương đến Nam Hải. Hòa thượng giàu từ sớm đã bắt đầu tiết kiệm tiền, hòa thượng nghèo chỉ mang theo vẻn vẹn có mỗi cái bình bát đã lên đường rồi.
Một năm trôi qua, hòa thượng nghèo đã hành hương từ Nam Hải trở về, trong khi đó hòa thượng giàu chuẩn bị vẫn chưa xong. Hòa thượng giàu hỏi: “Thầy nghèo thế, dựa vào đâu mà đi Nam Hải được vậy?”
Hòa thượng nghèo nói: “Tôi không đi Nam Hải thì trong tâm khó chịu. Tôi cứ đi thêm một bước, lại cảm thấy khoảng cách với Nam Hải gần thêm một phần, trong nội tâm liền thấy bình an thêm một chút. Tính thầy thận trọng quá, việc gì không nắm chắc thì không làm, cho nên tôi đã trở về rồi mà thầy còn chưa xuất phát”.
Có câu rằng: “Thời gian tốt nhất để trồng một cái cây là mười năm trước, và tiếp theo chính là thời điểm hiện tại”. Tất cả sự tình trên thế gian, khó khăn nhất chính là lúc bắt đầu. Lúc bạn vượt qua được sự do dự, vượt qua đủ loại băn khoăn, cuối cùng bắt tay vào đi làm, kỳ thực chính là đã vượt qua được trở ngại lớn nhất trên con đường này.
Người với người khác biệt chính là ở chỗ đó, có người cả ngày mộng tưởng hão huyền, có người lại cứ từng bước từng bước mà đi làm. Cho nên muốn gặp ai, muốn làm gì, nhất định phải lập tức làm ngay. Không cần chờ đến ngày mai, cũng không nên nói là chưa có chuẩn bị tốt, hiện tại chính là thời cơ tốt nhất.
3. Nếu muốn rèn luyện thành một người có thể làm việc đại sự, nhất định nên để cho anh ta chịu cực khổ, vất vả, trăm thứ không vừa lòng, mới có thể dưỡng thành tính cách kiên nhẫn
Vàng phải qua nấu luyện, bỏ đi tạp chất, mới có thể trở thành vàng ròng. Cát sỏi phải không ngừng biến đổi, trải qua trắc trở, mới có thể trở thành trân châu. Con người cũng như vậy, từ gian nan khổ cực mà trưởng thành lên, từ những mất mát mà học được cách quý trọng, từ những chia ly mà hiểu được cách buông tay.
Mạnh Tử nói: “Khi ông trời muốn giao trọng trách cho ai đó thì trước tiên để cho họ khổ cái tâm chí, nhọc cái gân cốt, đói cái thể xác, khốn cùng cái thân thể, làm việc gì cũng không thuận lợi, cho nên làm động cái tâm người ấy để tăng thêm tính nhẫn nại, để có lợi thêm cho những điều người ấy chưa làm được”.
Nói đúng ra thì một người trải qua những trình độ rèn luyện khác nhau, sẽ đạt được những trình độ tu dưỡng khác nhau, thu được những lợi ích khác nhau. Giống như hương liệu vậy, giã được càng vụn, mài được càng mịn, hương sẽ càng đậm hơn.
Cũng như Tô Thức, cả đời bị giáng chức ba lần, nhưng cũng nhờ ba lần giáng chức này mới tạo nên một Tô Đông Pha huy hoàng. Lần thứ nhất giáng chức ra Hoàng Châu, ông viết hai bài văn nổi tiếng: “Niệm nô kiều: Xích Bích hoài cổ”, “Tiền hậu Xích Bích”. Lần thứ hai giáng chức ra Huệ Châu, ông dốc lòng nghiên cứu Phật học.
Lần thứ ba giáng chức ra Đam Châu, ông mang văn hóa Trung Nguyên xán lạn đến Hải Nam, ở đây ông tiến hành “dạy học và giáo hóa”, khiến cho nơi đây tiếng đọc sách vang vang, tiếng đàn hát khắp nơi.
Có câu nói rất hay: “Cho dù bạn gặp ai, người đó cũng đều là người nên xuất hiện trong đời của bạn, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên, người đó nhất định sẽ dạy cho bạn một điều gì đó”. Cho nên bạn hãy tin rằng, bất kể là đi tới đâu, đó đều là nơi bạn nên đi đến, trải qua những việc nên trải qua, gặp được những người nên gặp.
4. Nhân gian không thể chỉ có sự vui vẻ, hạnh phúc luôn xen lẫn với phiền não và lo âu, nhân gian cũng không có điều gì là mãi mãi
Dương Giáng viết xuống những dòng này khi con gái Tiền Viện cùng với người chồng là Tiền Chung Thư lần lượt qua đời. Trong tác phẩm “Ngã môn ba”, những câu nói của bà cũng có ý khuyên giải chính mình, khích lệ chính mình thông suốt một chút, hết thảy đau thương rồi sẽ qua đi; khích lệ chính mình đi về phía trước, thời gian còn rất dài, sẽ còn những niềm vui bất ngờ khác nữa.
Có lẽ chính những suy nghĩ khoáng đạt này đã giúp Dương Giáng chịu đựng được nỗi đau mất con, vượt qua được nỗi bi thương mất chồng, dùng phong thái thanh nhã sống tiếp quãng đời còn lại.
Con người sống cả đời rồi sẽ nhận ra tất cả những vui vẻ, hạnh phúc, tất cả đau thương, theo thời gian rồi cũng nhạt dần, rồi từ từ tan biến đi. Kỳ thực những lời này của Dương Giáng, tìm cho đến ngọn nguồn của nó thì chính là một câu bên trong Đạo Đức Kinh: “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục”. Câu này có ý là họa và phúc là dựa vào nhau mà tồn tại, đồng thời cũng chuyển hóa qua lại với nhau.
Có khi nhìn là chuyện xấu nhưng lại dẫn đến kết quả tốt, mà chuyện tốt khi tới một lúc nhất định có khi lại là chuyện xấu. Cho nên mọi thứ nên xem nhẹ một chút, nhân gian không có gì là vĩnh viễn, tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi trong nháy mắt.
Đời người không phải cứ leo dốc mãi, cũng không thể lúc nào cũng đi xuống dốc. Người đứng trên sân khấu đẹp vô cùng cũng từng là khán giả đứng phía dưới. Hy vọng chúng ta có thể khắc ghi câu này: Gặp chuyện hãy cứ nhìn về phía trước, trước mắt dù xảy ra chuyện gì, bất quá cũng chỉ là mây khói thoảng qua. Ngày nay dù có nước mắt lưng tròng, ngày sau nhìn lại cũng chỉ ra một trận cười.
Chân Chân (Theo Secretchina)
Xem thêm: