Ở Mỹ, tầng lớp trung lưu là những người phải chịu nhiều thiệt hại từ khủng hoảng tài chính 2008 và hưởng rất ít lợi ích từ kế hoạch giải cứu nền kinh tế. Đặc biệt, khu vực ngân hàng nhỏ ngày càng gặp khó khăn với chính sách kiểm soát hệ thống ngân hàng chặt chẽ dưới thời Obama.
Những doanh nhân ở các thị trấn nhỏ và các cộng đồng ở nông thôn Mỹ đang đối mặt với khó khắn khi tiếp cận tiền mặt. Theo các nhà lập pháp, mặc dù kinh tế đã phục hồi và môi trường cho vay được cải thiện, thách thức vẫn tồn tại.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen phát biểu ngày 30/1 rằng, việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với tín dụng giá rẻ vẫn còn nhiều thách thức. Từ năm 2008 đến năm 2016, cho vay doanh nghiệp nhỏ giảm 13%, trong khi cho các doanh nghiệp lớn tăng 49%.
Ở Mỹ, doanh nghiệp nhỏ là thành phần kinh tế thuê mướn nhiều nhân công nhất. 29 triệu doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ tạo ra 2/3 công việc của khu vực tư nhân mới thành lập. Số bằng sáng chế trên mỗi lao động của doanh nghiệp nhỏ cao gấp 16 lần so với các công ty lớn. Vì vậy, việc doanh nghiệp nhỏ thiếu khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ ngăn cản động lực đi lên của nền kinh tế.
Đại diện Blaine Luetkemeyer, phó chủ tịch Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ Hạ viện nói rằng: “Trong 7 năm qua, mỗi ngày chúng ta mất đi một ngân hàng nhỏ hoặc quỹ tín dụng”.
“Kết quả là thành phần trung lưu sẽ mất các ngân hàng này và dẫn đến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn”, ông nói tại sự kiện BPC.
Điều mấu chốt thúc đẩy xu hướng này là các quy định mới của chính phủ và chi phí gia tăng để tuân thủ các quy định này.
Các quy định quá quắt được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm cho các ngân hàng cộng đồng ở Mỹ gặp khó khăn trong việc phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ. Số lượng các ngân hàng nhỏ đã giảm do hợp nhất hoặc phá sản.
Đạo luật Dodd-Frank
Hiện nay các ngân hàng cộng đồng đang hoạt động theo Đạo luật Dodd-Frank. Thực chất đạo luật này một bộ sưu tập khổng lồ các quy định về ngân hàng được chính quyền Obama ban hành năm 2010.
Đạo luật được đưa ra để ngăn chặn khủng hoảng tài chính lặp lại như năm 2008, bằng cách thúc đẩy một hệ thống ngân hàng an toàn và công bằng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đạo luật này đã thất bại trong việc phục vụ mục đích nêu trên. Thay vì ngăn ngừa các hành vi lạm dụng của các ngân hàng lớn, đạo luật này đã làm tổn thương các ngân hàng nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.
Các ngân hàng nhỏ bị mất khả năng cạnh tranh với các ngân hàng lớn hơn do tăng yêu cầu về việc tuân thủ các quy định và yêu cầu về vốn, làm cho nhóm ngân hàng nhỏ khó phục vụ lợi ích của cộng đồng hơn.
Theo Luetkemeyer, yêu cầu về vốn càng cao thì các ngân hàng nhỏ trong khu vực sẽ phải chờ lâu hơn để thu lợi nhuận từ vốn đầu tư của họ.
Mặc dù ngày nay tất cả các ngân hàng được vốn hóa tốt hơn, các chuyên gia cho rằng Đạo luật Dodd-Frank đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh tế xét trên tổng thể.
Theo các chuyên gia, các quy định cần được khắc phục để các ngân hàng nhỏ có thể phục vụ các doanh nghiệp nhỏ trong cộng đồng và nền kinh tế Mỹ nói chung được tốt hơn.
Theo ông Paul Greig, cựu chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của FirstMerit Corporation, có khoảng 6.000 ngân hàng ở Mỹ. Trong số đó có 3.000 ngân hàng có dưới 30 nhân viên.
Loại ngân hàng nhỏ với chỉ 30 nhân viên đang bị ép tuân thủ hàng đống quy định: hơn 5.000 trang quy định của chính phủ, theo Greig.
“Không thể ‘làm việc này giống như kiểu’ trét bơ đậu phộng đều trên bánh mì”, ông nói. “Quy định phải được điều chỉnh dựa trên rủi ro, quy mô và mức độ phức tạp của một ngân hàng”.
Quỹ liên doanh
Theo các chuyên gia, cần có mức đầu tư vốn liên doanh cao hơn nữa trong cả nước để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp ở các cộng đồng nông thôn và các thị trấn nhỏ.
“Không chỉ các ngân hàng không còn phục vụ cho giới trung lưu. Ở nơi tôi đã lớn lên tất cả mọi thứ đã đi từ giới trung lưu”, ông chủ doanh nghiệp nhỏ Eric Dinger tại sự kiện BPC.
Dinger lớn lên trong một khu nông thôn gồm 400 người ở bang Nam Dakota. Ông hiện là Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Powderhook, một công ty khởi nghiệp có liên doanh có trụ sở tại Lincoln, bang Nebraska. Công ty ông thành lập cung cấp thông tin và các mối liên hệ giữa các hội săn bắt và đánh cá.
Quyết định bỏ tiền kinh doanh tại một nơi như Lincoln, nằm cách xa các trung tâm tài chính lớn là một thách thức lớn.
“Tôi chưa bao giờ chơi golf với bất kỳ ai trong số họ. Không ai trong số những người đó đi nhà thờ cùng tôi”, ông nói với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Ông nói: “Vì vậy, không có cách nào để hình thành mối quan hệ thiết thực với những người này bởi vì họ không sống ở nơi tôi sống”.
Dinger đã nói chuyện với 87 công ty đầu tư mạo hiểm trên toàn quốc.
Cuối cùng, ông đã nhận được khoản tài trợ mạo hiểm may mắn và được bảo đảm. Tuy nhiên, ông thừa nhận nhiều ý tưởng kinh doanh ở các thị trấn nhỏ không thể cất cánh, bởi lẽ các chủ doanh nghiệp phải mất thời gian rất lâu mới huy động đủ vốn để phát triển doanh nghiệp.
Một nguồn để doanh nghiệp nhỏ gây quỹ là vay mượn trên mạng.
Ngành công nghiệp cho vay trực tuyến bắt đầu cất cánh sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 vì các khoản cho doanh nghiệp nhỏ vay bị các ngân hàng cắt giảm đáng kể. Người cho vay trực tuyến cho phép người đi vay dễ dàng tiếp cận vốn với lãi suất cao hơn, nhưng họ cũng phải đối mặt với những thách thức khi cho các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn vay.
Hầu hết các vùng nông thôn không có internet tốc độ cao và một số nơi thậm chí không có dịch vụ điện thoại di động, Shaheen nói. “Vậy làm sao chúng ta có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận vốn?”
Kế hoạch cơ sở hạ tầng do Tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 12/2 chính là giải pháp. Theo kế hoạch này, 50 tỷ USD quỹ liên bang sẽ được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng nông thôn bao gồm cả băng thông rộng và điện năng.
>>> Xem trọng nông nghiệp, ông Trump được nông dân Mỹ hoan nghênh nồng nhiệt
Cứu cánh
Một tin vui cho những doanh nghiệp nhỏ đang gặp thách thức trong tiếp cận vốn là từ các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của Tổng thống Trump, bao gồm cải cách thuế và bãi bỏ nhiều quy định rườm rà. Khi cơ sở hạ tầng bắt đầu được cải tiến, chúng cũng sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ.
“Khi thủ tục hành chính thay đổi, các doanh nghiệp nhỏ sẽ thở phào nhẹ nhõm”, Luetkemeyer nói.
Theo Hiệp hội Quốc gia các Doanh nghiệp độc lập của Mỹ, chỉ số lạc quan về doanh nghiệp nhỏ đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, đạt mức cao nhất trong 45 năm.
Mặc dù môi trường để đầu tư mở mới ngân hàng vẫn chưa tốt lên, nhưng cộng đồng các ngân hàng Mỹ đã lạc quan hơn nhiều.
“Trong vài tháng qua, đã có rất nhiều ngân hàng và công đoàn tín dụng mới nộp đơn xin mở mới. Họ sẽ sắp nhận được công nhận điều lệ hoạt động”, Luetkemeyer nói.
Và các nhà quản lý cần phải thông qua các điều lệ này nhanh hơn, ông nói.
Bạch Vân, theo Epoch Times