Đố kỵ là một trạng thái tâm lý rất xấu và cũng rất đáng sợ. Người có lòng đố kỵ mạnh mẽ khi nhìn thấy tài năng, thành tựu hay những gì mà người khác sở hữu, tự họ liền cảm thấy bất công và oán hận, từ đó mà tìm cách hại người, phá hoại chuyện tốt của người khác. Rất nhiều tội ác đều là do lòng đố kỵ của con người mà ra. Đố kỵ như con dao hai lưỡi, đã hại người lại hại chính mình.
Nhà Phật thường gọi tâm lý đố kỵ của con người là “tâm tật đố”, cho rằng đây là một loại tâm hết sức không tốt mà mọi người tu hành đều phải vứt bỏ. Vì tâm tật đố mà người ta có thể làm chuyện xấu, gây họa loạn xã hội,… nên nhà Phật cho rằng những ai chưa bỏ được tâm này thì tuyệt đối không thể tu thành đắc Đạo.
Trong Kinh Thánh có kể lại câu chuyện về những Thiên Thần sa ngã mà đứng đầu chính là Lucifer. Lucifer cho rằng mình là một Thiên Thần hoàn mỹ, nhưng lại có tâm tật đố quá to lớn. Y từng vì tâm tật đố mà làm hại một người thường tên là Job, bởi ganh tỵ với việc ông được Thiên Chúa khen ngợi. Cũng chính Lucifer do đố kỵ nên mới dụ dỗ ⅓ Thiên Thần trên Thiên giới làm loạn chống lại Chúa, cuối cùng tất cả họ đều bị đuổi ra khỏi Thiên Đường và Lucifer trở thành quỷ Satan.
Vào thời Đức Phật Thích Ca truyền Pháp, Ngài có một người đệ tử tên là Đề Bà Đạt Đa. Vị này ban đầu tu hành rất tinh tấn, nhưng sau khi có được một số thần thông rồi thì sinh tâm ngạo mạn, muốn được thay Phật lãnh đạo tăng đoàn. Đức Phật không đồng ý, Đề Bà Đạt Đa vì tâm tật đố không chịu được bèn chia rẽ tăng đoàn, dụ dỗ một số tăng ni đi theo mình, sửa đổi Pháp của Đức Phật, còn hại chết ni cô Liên Hoa Sắc và làm Đức Phật bị thương. Vì vậy mà Đề Bà Đạt Đa không những không thể tu thành chính quả, mà sau khi chết còn bị đày vào địa ngục chịu cực hình.
Trong tiểu thuyết “Phong Thần diễn nghĩa”, Thần Công Báo cảm thấy mình có nhiều thần thông phép thuật, bản sự rất lớn, nhưng luôn bị sư phụ xếp sau Khương Tử Nha. Khi chọn người đi Phong Thần thì sư phụ của họ chọn Khương Tử Nha chứ không chọn ông ta, vì thế mà Thân Công Báo vô cùng đố kỵ, làm trái ý Trời mà dẫn 36 đạo quân đến đánh Khương Tử Nha.
Còn trong Tây Du Ký, mâu thuẫn trên đường đi lấy kinh của Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới cũng do tâm tật đố mà ra: Bát Giới ganh ghét với tài năng của Ngộ Không, cũng có lúc Ngộ Không oán trách vì sư phụ quá “thiên vị” Bát Giới. Vì thế mà Bát Giới hay ở trước mặt sư phụ nói xấu Ngộ Không, cũng có lúc Ngộ Không lừa cho Bát Giới mắc vào bẫy của yêu quái,… đều là phản ánh ra tâm tật đố trong quá trình tu hành của họ.
Từ những điều trên có thể thấy được, dưới góc nhìn của tôn giáo và giới tu luyện chính thống, tâm tật đố quả thật là căn nguyên của rất nhiều tội ác, có thể khiến người tu lầm đường lạc lối, hãm hại đồng môn và đồng đạo, thậm chí khiến các Thiên Thần trở nên sa ngã, huống hồ là người thường!
Con người khi có tâm tật đố, thì lúc nào cũng muốn trội hơn người khác, nơm nớp lo sợ người khác giỏi hơn mình, thấy ai có thành tựu hoặc sở hữu gì đó tốt đẹp thì không ưng ý, rồi tìm cách làm hại họ.
Những bài học về tâm tật đố trong lịch sử
Trong lịch sử, đặc biệt là lịch sử của người phương Đông chúng ta, đã từng xảy ra vô số biến động và tranh chấp. Rất nhiều người chỉ vì tâm tật đố này mà làm hại người khác, thậm chí hại cả người thân bạn bè của mình. Khi thấy người khác có thứ gì mà mình không có thì sinh ra tâm tật đố: anh em vì tật đố quyền lực mà tương tàn, bạn bè vì không thỏa lợi ích mà không màng tình nghĩa, anh hùng vì không có mỹ nhân mà khởi binh làm loạn, nữ nhân cũng có thể vì ghen tuông mà làm chuyện xấu xa,… Cuối cùng hại người hại mình, còn gây ra bao hỗn loạn cho xã hội.
Hàn Tín là người giành lấy giang sơn cho nhà Hán, cuối cùng bị vua Hán Lưu Bang xử chết, đó là bởi Hàn Tín “công cao hơn chủ” nên khiến Lưu Bang ganh ghét. Câu Tiễn sau khi diệt được nước Ngô, liền bức tử người đã đồng cam cộng khổ với mình khi xưa là Văn Chủng, bởi Câu Tiễn là người dễ đố kỵ với thành công, “có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng phú quý”. Chu Nguyên Chương sau khi đăng cơ liền trừ khử các tướng lĩnh có công với mình trong việc đánh đổ nhà Nguyên, cũng là do đố kỵ với công lao của họ.
Trong sử Việt cũng có tình huống như vậy: Nguyễn Trãi vừa là anh hùng dân tộc vừa là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, công lao với dân với nước đều lớn như núi, nhưng khi thành công rồi vì sợ người đời ganh ghét nên đành phải từ quan về quê, không dám vướng vào vòng danh lợi. Dù đã vậy, cuối cùng ông vẫn bị gán cho tội giết vua và bị xử tru di tam tộc, một trong những nguyên nhân là vì trong triều đình nhiều kẻ đố kỵ với tài năng và sự nghiệp của ông.
Tuy nhiên, hai câu chuyện lịch sử nổi tiếng nhất về sự nguy hại của tâm tật đố có thể nhắc đến đó là chuyện “Chu Du – Gia Cát Lượng” và chuyện “Bàng Quyên – Tôn Tẫn”.
Chu Du có thể nói là một bậc kỳ tài hiếm có thời Tam quốc, ông văn võ song toàn, trí dũng hơn người, tài cao chí lớn. Tuy nhiên, ông có nhược điểm chí mạng là tính cách quá hiếu thắng và kiêu ngạo, vì vậy mà lòng dạ trở nên hẹp hòi, thường đố kỵ với người có tài. Đối với Gia Cát Lượng là người tài giỏi hơn mình, Chu Du luôn canh cánh trong lòng không yên, cứ tìm cách làm hại Gia Cát Lượng.
Nhưng Gia Cát Lượng lúc nào cũng đi trước Chu Du một bước. Chu Du ba lần lập kế đều không qua được mắt Gia Cát Lượng, đã không thể khiến Gia Cát Lượng tổn hại mà chính mình còn bị chọc tức. Cũng do Chu Du quá cao ngạo, nên trước tình huống ấy không thể chịu nổi, tức giận mà thét lớn rồi ngã vật ra. Đến lần thứ ba Chu Du vì tật đố nên uất ức không chịu được nữa, liền lâm bệnh mà qua đời.
Trước lúc chết Chu Du đã nói một câu rất nổi tiếng: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng!”, qua đó thể hiện tâm tật đố của ông tới chết cũng chưa buông bỏ được. Nhiều chuyên gia y học ngày nay suy đoán rằng sự ganh tị quá to lớn của Chu Du đã liên tiếp gây ra cơn đau tim cho ông, cuối cùng khiến ông nhồi máu cơ tim mà qua đời. Dù có phải như vậy hay không, thì bài học này cũng nói cho chúng ta biết rằng tâm tật đố chắc chắn gây hại rất lớn đối với sức khỏe của con người, người ta có thể vì tật đố mà chết.
So với Chu Du, tâm tật đố của Bàng Quyên lại còn to lớn hơn. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng theo học thầy Quỷ Cốc Tử, hai người vốn là huynh đệ đồng môn. Bàng Quyên sau này đến nước Ngụy làm tướng quân, nhưng vẫn lo âu về Tôn Tẫn, sợ rằng Tôn Tẫn tài năng hơn mình, bèn lừa chặt mất hai chân của ông, thích chữ vào mặt ông, khiến ông phải giả điên giả dại mới có cơ hội sống sót.
Sau này Tôn Tẫn được cứu sang nước Tề, Tề Vương biết tài năng của Tôn Tẫn nên dù ông đã tàn phế nhưng vẫn rất tín nhiệm ông, cho ông làm quân sư hiến kế giúp tướng quân Điền Kỵ. Trong trận Mã Lăng, Tôn Tẫn và Bàng Quyên đã phân định thắng bại với nhau. Địa thế của Mã Lăng rất hiểm trở, Tôn Tẫn cho mai phục ở đây, rồi sai người gọt vỏ một thân cây, viết lên đó: “Bàng Quyên chết dưới gốc cây này.”, đồng thời hạ lệnh hễ thấy dưới gốc cây có lửa sáng thì đồng loạt phóng tên.
Đêm đó Bàng Quyên đuổi tới, quả nhiên tiến lại thắp lửa xem chữ khắc trên thân cây, còn chưa đọc hết câu thì hàng vạn mũi tên đã bắn xuống từ bốn phía. Trong loạt mưa tên ấy, Bàng Quyên cười thê thảm mà nói: “Thế là sau trận này tên tiểu tử đó sẽ vang danh thiên hạ”, rồi ông ta rút kiếm tự sát. Có thể thấy tâm tật đố của Bàng Quyên đáng sợ đến mức nào, tới chết vẫn chỉ sợ người khác nổi danh hơn mình!
Tâm tật đố là con dao hai lưỡi, làm người khác tổn thương thì chính mình cũng đổ máu. Người có tâm này nếu không tự lý trí mà vứt bỏ nó được, thì sau cùng sẽ gặp quả báo rất thê lương!
Giang Trạch Dân vì tâm tật đố mà bức hại Pháp Luân Công
Thời xưa từng có rất nhiều cuộc bức hại tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, phần đông đều xuất phát từ tâm tật đố của đế vương hoặc nhà cầm quyền. Chẳng hạn Trung Quốc thời cổ đã phát sinh vài lần các hoàng đế đòi “diệt Phật”. Ở phương Tây thời cổ La Mã cũng có hoàng đế Nero bức hại tín đồ Cơ đốc giáo bằng những cực hình tàn khốc. Nguyên nhân cũng là vì họ ganh ghét khi các tín ngưỡng tôn giáo này có sức ảnh hưởng rộng đến quần chúng nhân dân.
Tất nhiên họ đều không thành công, cho đến ngày nay vương triều của các hoàng đế Trung Quốc từng bức hại Phật giáo đã sụp đổ, đế quốc La Mã của Nero cũng đã suy tàn, nhưng Phật giáo và Cơ đốc giáo vẫn tiếp tục phát triển, tới nay vẫn còn là hai tôn giáo có số lượng tín đồ lớn trên toàn thế giới. Bởi vì tôn giáo và tín ngưỡng là do Thần Phật truyền xuống, dù có là bậc đế vương thì cũng chỉ là người thường, con người mà muốn đấu với Thần thì tất yếu sẽ thất bại.
Từ năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ là ông Giang Trạch Dân, cũng đi vào vết xe đổ của các hôn quân và độc tài thời xưa, ông ta phát động cuộc đàn áp tàn khốc đối với Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc. Pháp Luân Công là một môn khí công tu luyện tâm tính, dạy người hướng Thiện, đồng hóa với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ, khiến cảnh giới tư tưởng và sức khỏe của người học đều được đề cao. Môn khí công này được khai truyền vào năm 1992, chỉ trong 7 năm, đến năm 1999 số người học Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã tăng lên đến khoảng 100 triệu người.
Nhiều người không lý giải được điều này, tự hỏi rằng nếu Pháp Luân Công tốt như vậy thì vì sao bị bức hại. Câu trả lời chính là do tâm tật đố to lớn của Giang Trạch Dân và ĐCSTQ. Cũng như các hoàng đế thời xưa bức hại Phật giáo, Cơ đốc giáo, kỳ thực không phải vì những chính giáo ấy phạm tội, mà là vì tâm lý đố kỵ của hoàng đế với tôn giáo. Ở đây tâm tật đố của Giang Trạch Dân càng nghiêm trọng hơn nhiều, ông ta đố kỵ với sự ngưỡng mộ mà nhiều người dân dành cho nhà sáng lập Pháp Luân Công, ông ta đố kỵ vì số lượng người học Pháp Luân Công còn đông hơn số đảng viên trong tay ông ta, ông ta càng đố kỵ vì ngay cả quan chức cao cấp của đảng, cho đến những người thân cận bên ông ta cũng khen ngợi Pháp Luân Công.
Giang Trạch Dân dường như vì đố kỵ mà phát cuồng, ông ta thậm chí cho rằng: “Mọi người đều tin vào Pháp Luân Công thì ai tin tổng bí thư như tôi nữa?”, “Lẽ nào chủ nghĩa duy vật vô Thần của chúng ta không hơn được những thứ mà Pháp Luân Công tuyên dương hay sao?”,… rốt cuộc ông ta phát động cuộc bức hại trên toàn Trung Quốc, hô lớn rằng: “Đảng nhất định phải chiến thắng Pháp Luân Công!”
Thế là ông ta lợi dụng quyền lực trong tay, khống chế truyền thông, bừa bãi bịa đặt, mê hoặc dân chúng. Ông ta vượt lên trên cả hiến pháp và pháp luật, lợi dụng tất cả các bộ máy quốc gia, dốc toàn bộ sức mạnh quốc gia đàn áp học viên Pháp Luân Công, cuộc bức hại này vẫn còn đang tiếp diễn. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, thậm chí bị mổ cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và ĐCSTQ đã tạo ra một cuộc bức hại nhân quyền nghiêm trọng bậc nhất thế giới hiện nay, nhưng vẫn đang cố gắng che giấu nó với toàn thế giới.
Thực tế điều Pháp Luân Công tuyên dương chính là sự vĩ đại của Thần Phật và các giá trị đạo đức truyền thống Chân, Thiện, Nhẫn. Vậy mà vì lòng đố kỵ, Giang Trạch Dân đã đòi dùng lực lượng của ĐCSTQ để đánh đổ những điều này, cũng có khác gì muốn tiêu diệt sự lương thiện, muốn hủy hoại đạo đức nhân loại, muốn đấu với Thần Phật? Rốt cuộc không chỉ khiến xã hội Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, mà còn khiến đạo đức người Trung Quốc và đạo đức của toàn nhân loại đều trượt dốc, mang lại tai ương cho thế giới.
Ngày nay ĐCSTQ đang đối mặt với rất nhiều vấn đề về tài chính, nhân quyền, môi trường, xã hội bất ổn,… là kết quả do cuộc bức hại Pháp Luân Công và làm bại hoại đạo đức con người mang đến. Bản thân Giang Trạch Dân cũng đang đối mặt với tội danh diệt chủng cùng vô số tội ác khác, số người khởi kiện ông ta và phản đối ĐCSTQ trên toàn thế giới liên tục gia tăng. Tương lai khi sự thật được phơi bày, hiển nhiên kẻ hành ác là Giang Trạch Dân và những người tiếp tay cho ông ta, đều phải chịu trách nhiệm trước toàn thế giới vì những tội ác diệt chủng, chống lại loài người của mình.
Bất luận là nhìn từ khía cạnh lịch sử hay tôn giáo, những người xuất phát từ tâm tật đố, độc ác làm hại người khác, rốt cuộc đều là “vác đá đập vào chân mình”, hoặc là để tiếng xấu ngàn năm, hoặc trở thành trò cười cho thiên hạ. Dù họ nhất thời đắc ý vì có quyền hành trong tay, rốt cuộc cũng không thoát được sự trừng phạt của quy luật nhân quả báo ứng.
Thế Di