Tọa lạc số 97 đường Phó Đức Chính, quận 1, TP HCM, căn dinh thự nguy nga của ông Hứa Bổn Hòa (1845-1901) nay đã trở thành viện Bảo tàng Mỹ thuật. Dinh thự được xây dựng theo lối kiến trúc Á – Âu tráng lệ, được rất đông người đến thăm quan mỗi ngày. Nhưng điều khiến căn dinh thự này nổi tiếng hơn hết, chính là giai thoại ly kỳ về nó.
Chú Hỏa – một trong tứ đại phú hào đất Sài Gòn
Ông Hứa Bổn Hòa (tên thật là Huỳnh Văn Hoa – Huáng Wéng Húa; thường gọi “Chú Hỏa”) người gốc Hoa, quê ở tỉnh Phúc Kiến. Công ty Hui Bon Hoa và các con, chính là do ông làm chủ, từng cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có nhiều đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.
Trước khi trở nên giàu có, được biết vào khoảng năm 1863, cha mẹ ông rời Trung Quốc, di tản xuống phương Nam, sau định cư ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
Nhiều người có đồn đoán về sự giàu có của Chú Hỏa, như lúc mới sang Việt Nam Chú Hỏa làm nghề nhặt ve chai, một hôm vô tình nhặt được vàng trong lúc lụm ve chai, người thì nói Chú Hỏa mua được bức tượng đúc đồng, bên trong đầy vàng. Còn theo một số người khác lại bảo, lúc thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, Chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ, do thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán…
Tuy nhiên, thực tế là lúc Chú Hỏa mới sang Việt Nam, có làm việc cho một ông chủ người Pháp. Sau được ông thương vì siêng năng, hiền lành, nên giúp cho số vốn mở tiệm cầm đồ khởi nghiệp. Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay.
Nhờ có đầu óc kinh doanh siêu hạng, và tầm nhìn xa trông rộng, Chú Hỏa sau khi tích cóp được mớ tiền, đã đổ vào ngành bất động sản, mua trước những khu đất sắp quy hoạch. Chú Hỏa đã mua toàn bộ vùng đất gần tiệm cầm đồ của mình vốn là vũng lầy bao quanh địa điểm mà người Pháp dự định xây chợ Bến Thành mới (tức chợ Bến Thành ngày nay).
Dần dần, Chú Hỏa ăn nên làm ra, nổi tiếng khắp Đông Dương về sự giàu có, được xếp vào hàng tứ đại hào phú của Sài Gòn lúc bấy giờ.
Người dân thời đó có câu: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. (Huyện Sĩ – Lê Phát Đạt, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, Bá hộ Xường và Chú Hỏa), và Chú Hỏa là xếp thứ 4.
Chú Hỏa cũng là người có công tạo nên bộ mặt cho Sài Gòn – Chợ Lớn vào thời sơ khai cho đến nay như: Dãy dinh thự 3 căn, nằm ở số 97 đường Phó Đức Chính, quận 1 (nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM), khách sạn Majestic, trường THCS Minh Đức, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Bệnh viện Từ Dũ, chợ Bình Tây, chùa Kỳ Viên, nhiều trụ sở ngân hàng, khu nhà khách chính phủ, khách sạn Palace Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Ngoài ra, ông còn sở hữu khoảng 20.000 căn nhà mặt tiền khác giữa Sài Gòn.
Nhưng trong số tài sản của ông, dãy dinh thự 3 căn, 99 cửa nằm ở quận 1, là để lại nhiều dấu ấn nhất. Bởi đằng sau căn dinh thự nguy nga tráng lệ và kiên cố ấy, là một giai thoại rùng rợn, lẫn chút buồn về cuộc đời cô con gái út của ông.
Dinh thự 99 cửa và giai thoại về cô út của Chú Hỏa
Được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ trước, dinh thự này hiện đã trên trăm tuổi, có 3 căn trong cùng một khuôn viên rộng hơn 4.000 m2.
Được biết, khi Chú Hỏa cho thiết kế xây dựng, ông muốn xây 100 cửa (bao gồm cửa lớn, nhỏ, cửa sổ). Nhưng khi đem bản thiết kế đi duyệt, thì bị bắt bỏ đi 1 cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng Dinh toàn quyền, vậy nên dinh thự chỉ còn 99 cửa. Tòa dinh thự này cũng là nơi đầu tiên sử dụng thang máy ở Sài Gòn.
Từ trước những năm 1975, đã có rất nhiều lời đồn đại xung quanh ngôi nhà này cho rằng, ở đó có ma. Có người bảo, đêm đêm từng nghe thấy tiếng gào khóc thê lương phát ra trong dinh thự, người thì bảo nhìn thấy bóng trắng của một cô gái thấp thoáng lướt qua…
Theo lời đồn đoán, xưa kia Chú Hỏa có 3 người con trai, và 1 cô con gái út rất xinh đẹp tên là Hứa Tiểu Lan. Ông đặc biệt cưng cô út, bình thường hay thấy cô nhõng nhẽo với cha nhưng sau này thì lại không thấy xuất hiện nữa.
Người ta cho rằng, cô Tiểu Lan không may bị mắc bệnh phong cùi (thời bấy giờ phong cùi là căn bệnh nan y không có thuốc chữa, lại rất dễ lây lan), Chú Hỏa có đem con gái đi chữa bác sĩ Tây y lẫn Đông y nhưng cũng đều bó tay. Vì quá thương con, nên ông nhốt con gái trong một căn phòng, cách ly với mọi người, và không để hàng xóm biết về bệnh tình con gái. Mỗi ngày đều đặn cho gia nhân đem đồ ăn và quần áo đến cho con qua một khe nhỏ. Và đặc biệt tất cả đầy tớ đều phải đi lùi, không ai được nhìn vào mặt tiểu thư.
Từ một tiểu thư xinh đẹp, tuổi còn đôi mươi, vậy mà từ khi mắc bệnh, thân thể ghẻ lở, khiến cô như điên như dại, đau đớn khóc than suốt cả ngày. Kèm với nỗi cô đơn vì bị giam lỏng, không được tiếp xúc với ai, càng khiến cô Tiểu Lan thêm thống khổ, ngày đêm khóc lóc, đập phá khiến Chú Hỏa và người thân như đứt từng khúc ruột.
Đến một ngày, cô mất đi một mình trong cô độc, Chú Hỏa thương con thắt lòng nên không nỡ đem con đi chôn. Do đó, ông sai người đặt một quan tài bằng đá granite, nắp thiết kế mặt kính trong suốt và đặt trong một căn phòng. Ngày ngày đều sai gia nhân đem cơm đến như hồi cô còn sống.
Vào ngày giỗ đầu của con gái, Chú Hỏa còn cho đặt may một bộ đầm trắng, mua con búp bê biết nháy mắt và một dĩa cơm gà để cúng. Sau khi khách về hết, gia nhân lên phòng để dọn dẹp thì phát hiện, dĩa cơm cúng cho cô chủ đã vơi đi một nữa, còn con búp bê thì đứng hẳn trên lồng kính.
Người làm lúc đó sợ đến mặt cắt không giọt máu, hớt hãi chạy xuống lầu la lớn: “Cô chủ về! Cô chủ về!”, và sự việc tương tự cũng xảy ra với những cô hầu khác.
Về sau cảm thấy quá nhiều hiện tượng kì lạ xảy ra, Chú Hỏa mới bí mật đem con gái đi chôn cất. Cũng kể từ đó, lâu lâu người ta lại nghe tiếng khóc than rên rỉ ghê rợn phát ra từ căn phòng cô mỗi đêm.
Giai thoại trên là sự thật hay chỉ là lời đồn thổi?
Đó là toàn bộ giai thoại kể về căn nhà của Chú Hỏa, được người ta truyền miệng cho đến nay.
Kể từ khi Chú Hỏa mất, các con ông tiếp nối sự nghiệp ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, đến các năm 1934, 1951, thì cả ba lần lượt qua đời. Con cháu của ông hiện cũng đã sang Pháp định cư hết. Tòa dinh thự từ đó bị bỏ phế, trở nên lạnh lẽo, âm u suốt mấy chục năm.
Đến khi Giải phóng miền Nam, ngôi dinh thự này được quân Giải phóng vào tiếp quản, đến năm 1987 thì dùng làm nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Tất cả các căn phòng trong dinh thự được tận dụng làm phòng triển lãm, tuy nhiên vẫn có một số căn phòng được đóng kín không sử dụng và dán niêm phong cẩn thận. Giờ hoạt động của Bảo tàng khá ngắn, từ 9h – 17h mỗi ngày.
Năm 2014, trên trang blog của một tác giả viết với nhan đề tiếng Anh “The True Story of Hui Bon Hoa and “Uncle Hoa’s Mansion” (Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa) ghi lại rằng, tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris (Pháp) cung cấp, hé lộ tên họ thật và phần nào cuộc đời Chú Hỏa chỉ có ba người con trai và các cháu của ông. Tuyệt nhiên không nhắc gì đến cô con gái.
Trong dinh thự, tại phiến đá hoa cương có ghi lại vị trí các phòng ở của những thành viên trong gia đình họ Hứa, cũng không hề có tên của vị tiểu thư họ Hứa nào. Tuy nhiên, theo lịch sử về ngôi nhà, Chú Hỏa mất năm 1901, nhưng tòa biệt thự lại được xây vào năm 1929, nghĩa là nó đã được các con ông xây dựng lại trên nền tòa biệt thự cũ. Vì vậy, không có tên căn phòng cô Hứa Tiểu Lan là có thể giải thích được.
Còn một chi tiết khác, trong quyển sách có tựa đề “Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa” của tác giả Phạm Phong Dinh từng viết: “Cô con gái Chú Hỏa tên là Hứa Tiểu Lan mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa…”
Nhưng dù là có người tin, có người không tin, người đồn thế này, người đồn thế khác. Nhưng những bằng chứng để xác minh cho câu chuyện trên vẫn mơ hồ không rõ. Có lẽ bí mật ấy sẽ mãi mãi được chôn theo Chú Hỏa và những người con của ông dưới những lớp đất sâu.
Chúc Di (t/h)