Bất cứ điều gì mọi người làm đều được lưu ghi lại và chắc chắn sẽ được hoàn trả bằng thiện báo hoặc ác báo. Câu chuyện dưới đây đã nhắc nhở chúng ta rằng, dung nhẫn chịu đựng bất cứ điều gì có thể mang lại cho họ hạnh phúc mãi mãi.
Vào thời nhà Đường, có một người đàn ông tên là Trương Công Nghệ. Trong cuộc đời mình, ông có thể chịu đựng bất cứ việc gì mà người bình thường không thể chịu đựng được. Ông thề rằng mình sẽ chịu đựng 100 hành động khoan dung phi thường trong đời, và ông thực hiện lời thề đó mỗi ngày. Do đó, người ta gọi ông là Trương Bách Nhẫn, nghĩa là “100 lần dung nhẫn”, hay “100 hành vi kiên nhẫn”.
Trương Bách Nhẫn không bao giờ tranh cãi với người khác khi làm việc với họ. Ông kỷ luật nghiêm khắc với chính mình nhưng rất hào hiệp với người khác. Trong nhiều năm, ông đã chịu đựng tổng cộng 99 hành động khoan dung phi thường, và chỉ còn một lần nữa ông sẽ hoàn thành lời thề của mình.
Một ngày nọ, cháu trai của Trương Bách Nhẫn kết hôn và ông đã mời nhiều người bạn đến dự lễ cưới. Họ đã chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn để chiêu đãi các vị khách mời. Khi gần đến giờ trưa, có một người ăn xin đến. Trương Bách Nhẫn nói: “Đừng làm khó ông ấy; hãy cho ông một ít thức ăn và hãy để ông rời đi sau khi ăn xong”.
Người hầu nói rằng người ăn xin muốn đến và ngồi với tất cả các vị khách mời. Trương Bách Nhẫn cảm thấy rằng yêu cầu này khá kỳ quặc, nhưng ông vẫn chấp nhận nó.
Khoác trên mình chiếc áo choàng tu sĩ bẩn thỉu và hôi hám, người ăn xin vào trong phòng, bước đến chỗ Trương Bách Nhẫn và nói: “Cảm ơn vì sự hào phóng của ông. Hôm nay là ngày cưới cháu nội của ông, và tôi đặc biệt đến để chúc mừng cậu ấy. Nhưng, tôi có một yêu cầu khác, đó là dùng bữa với những vị khách mời vinh dự nhất của ông”.
Trương Bách Nhẫn do dự một chút rồi đồng ý. Ông giới thiệu người ăn xin với người chủ trì hôn lễ, và sau đó nói với tất cả mọi người: “Thưa quý vị, hôm nay là ngày cưới của cháu tôi. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình với tất cả quan khách đã đến tham dự. Cụ già này vừa đến và muốn ngồi ăn cùng chúng ta. Xin hãy từ bi và nhường một chỗ ngồi cho ông ấy”.
Lúc này, ông lão ăn xin nói: “Không. Không phải ngồi với những vị khách thông thường mà là những vị khách mời danh dự”.
Trương Bách Nhẫn nói: “Tại sao ông cứ khăng khăng muốn ngồi vào chỗ của khách mời danh dự? Chỗ ngồi tôi sắp xếp cho ông cũng dành cho những khách mời quan trọng đó!”
Khi nghe điều này, người ăn xin nói: “Ông có phải là người có tấm lòng hào hiệp không? Làm sao mà ông có thể phân biệt đối xử với những người khác nhau như vậy? Người ăn mặc đẹp không đại diện cho tính cách tốt, ăn mặc nghèo khổ không có nghĩa là người hèn hạ về nhân cách. Sao ông không nghĩ lại trước khi hành động quá vội vàng?”.
Những gì người ăn xin nói quả thực đã động chạm đến tâm can của Trương Bách Nhẫn. Ông cho rằng người ăn xin đã nói đúng. Ông nghĩ: “Ta đã thề rằng sẽ chịu 100 điều không thể chịu đựng nổi, tại sao lại để một chuyện nhỏ như vậy làm phiền lòng chứ?”
Vì thế, ông lập tức xin lỗi người ăn xin, và sau đó quay sang nói nói với tất cả các vị khách mời: “Xin hãy vì tôi, xin hãy để ông lão ngồi vào ghế danh dự và đừng lo lắng về bất cứ điều gì không đúng mà ông ấy có thể nói”. Mọi người trong đám cưới đều đồng ý cho người ăn xin ngồi vào ghế ngồi danh dự.
Sau khi bữa tiệc kết thúc, tất cả quan khách đều ra về, nhưng ông lão ăn xin vẫn ngồi đó mà không có dấu hiệu rời đi. Trương Bách Nhẫn bước tới và hỏi: “Này ông lão, tôi nghĩ hiện tại ông đã ăn no rồi, và trời cũng đã tối. Ông thấy sao nếu tối nay ngủ lại nơi đây? Hãy ngủ với đầu bếp trong bếp nhé. Vậy có được không?”
Ông lão ăn xin nói: “Không được. Dù cho tôi có là một người ăn xin, ông cũng không nên để tôi ngủ trong bếp. Ông phải tìm một nơi tử tế để tôi ngủ”.
Trương Bách Nhẫn trả lời: “Được thôi, ông có thể ngủ trong phòng khách của chúng tôi”. Ngay sau đó, người ăn xin nói: “Không. Tôi sẽ không ngủ trong phòng khách. Tôi nghĩ rằng phòng cô dâu là nơi thoải mái nhất trong nhà ông, vì vậy tôi sẽ ngủ ở đó. Ông hãy kêu cháu trai của mình ngủ ở chỗ khác đi”.
Tuyên bố của lão ăn mày đã làm mọi người sốc mạnh, Trương Bách Nhẫn cũng sắp sửa nổ tung không chịu nỗi nữa. Ông nói: “Này lão, tôi tôn trọng vì ông đã lớn tuổi và tôi đã cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu của ông, nhưng tôi không thể hiểu tại sao ông lại đưa ra yêu cầu khiếm nhã như vậy!”
Lão ăn xin trả lời: “Tôi chỉ ngủ ở đó và không làm gì khác. Sao ông lại đề phòng như vậy? Tôi phải nói rằng ông không đủ tư cách để có cái tên Trương Bách Nhẫn. Hãy đổi tên thành Trương Bất Nhẫn đi”.
Khi nghe xong những lời người ăn xin nói, Trương Bách Nhẫn không biết phải xử lý thế nào. Một lúc sau, ông nói với người ăn xin: “Được rồi, tôi sẽ cho ông ngủ trong phòng cô dâu, nhưng tôi phải hỏi qua chú rể và cô dâu trước đã”.
Trương Bách Nhẫn nói chuyện với cả gia đình. Người cháu trai nói: “Không được! Đây là một sự xúc phạm! Tuyệt đối không được”.
Các thành viên khác trong gia đình đều tán đồng rằng người ăn xin đã yêu cầu thái quá: “Nếu như tin tức này truyền ra ngoài thì sẽ thế nào? Danh dự của chúng ta sẽ bị hủy hoại mất thôi!”
Trương Bách Nhẫn cố gắng thuyết phục mọi người: “Ta có thể nói rằng ông ta không giống một người ăn xin bình thường, ông ta cũng đã lớn tuổi như vậy. Ta không nghĩ rằng ông ấy sẽ làm bất cứ điều gì bất chính với cháu dâu.
Ngoài ra, ông ta đã thề rằng chỉ cần ngủ trong phòng cô dâu, ông ta sẽ không làm gì ngoài việc ngủ. Ta sẽ sắp xếp một vệ sĩ đứng canh bên ngoài. Nếu có bất kỳ động tĩnh nào trong phòng, cháu dâu chỉ cần hét lên và tất cả chúng ta sẽ xông vào ứng cứu”.
Sau khi nghe những lời này, người cháu dâu nghĩ rằng những gì mà ông mình nói là hợp lý: “Ông đã rất hào hiệp trong suốt cuộc đời mình đến nỗi được mọi người kính trọng vì tấm lòng cao cả, và ông cũng rất phân minh trong việc kỷ luật các thành viên trong gia đình. Chúng ta, những người như cháu, nên thừa hưởng những đức tính này của ông. Chúng ta nên đồng ý với yêu cầu của ông để ông hoàn thành hành động dung nhẫn thứ một trăm của mình”.
Một lúc sau, cả nhà đạt được thỏa thuận. Trương Bách Nhẫn đến phòng khách mời lão ăn xin đến phòng cô dâu để nghỉ ngơi. Lão ăn xin nở một nụ cười và đi theo ông đến phòng cô dâu. Ngay khi nằm xuống, ông ngủ thiếp ngay đi. Căn phòng hoàn toàn yên tĩnh suốt cả đêm. Vào rạng sáng, Trương Bách Nhẫn và những người khác đã cùng nhau ra đứng bên ngoài phòng cô dâu để chờ đợi lão ăn xin. Cô dâu cũng đã đợi họ trong phòng, cô mở cửa và nói với họ: “Đêm qua con rất sợ, con không ngủ chút nào cả và ngồi trên giường cả đêm. May thay, ông lão ăn xin thậm chí còn không trở mình trong lúc ngủ”.
Tất cả bọn họ nhìn lên giường và thấy lão ăn xin vẫn đang ngủ say. Trương Bách Nhẫn gọi ông ta nhiều lần, nhưng không thấy ông lão trả lời. Ông mới với tay và gỡ chăn ra, nhưng thật bất ngờ, không có người ăn xin nào ở đó cả! Thay vào đó, là một bức tượng bằng vàng sáng lấp lánh to bằng một người.
Khi nhìn kỹ hơn, ông thấy rằng nó trông giống như Thái Bạch Kim Tinh và giống như bức tượng đang được thờ trong ngôi miếu ở địa phương. Ngoài ra còn có hai câu được khắc trên thân của bức tượng, nội dung:
“Làm việc siêng năng, sẽ không phải phiền muộn trong cuộc sống. Luôn luôn có sự hòa hợp trong tòa lâu đài của 100 lần dung nhẫn”.
Cuối cùng, Trương Bách Nhẫn nhận ra rằng ông lão ăn xin là Thái Bạch Kim Tinh đến để thử thách ông. Ngay sau đó, tin tức về vụ việc đã lan ra toàn tỉnh và xa hơn nữa. Mọi người đều ngưỡng mộ Trương Bách Nhẫn và đồng thời cảm nhận được sự vĩ đại từ bi của Thần Phật.
Họ hiểu rằng bất cứ điều gì mọi người làm trên thế giới đều được lưu ghi lại và chắc chắn sẽ được hoàn trả bằng thiện báo hoặc ác báo. Trương Bách Nhẫn thậm chí còn được mọi người kính trọng hơn, và câu chuyện của ông đã nhắc nhở các thế hệ tương lai rằng kiên nhẫn chịu đựng bất cứ điều gì dường như không thể chịu đựng được có thể mang lại cho họ hạnh phúc mãi mãi.
Tuệ Tâm (Theo Epoch Times)