Vốn liếng chân chính của một đời người là gì? Là tuổi thanh xuân? Là sự nghiệp? Hay bạn đời chăng? Đây là vấn đề phức tạp mà rất nhiều người đang phải suy tư.
Kỳ thực, tài sản thực sự trân quý của một con người không phải tiền bạc cũng không phải nhan sắc, mà gói gọn trong hai chữ ‘nhân phẩm’.
Nhân phẩm chính là giấy thông hành của cuộc sống. Vào những thời khắc con người đứng trước sự lung lay dao động giữa thiện và ác, nhân phẩm chính là sự nương tựa cuối cùng của tâm linh.
Cổ nhân giảng: “Tử dục vi sự, tiên vi thánh nhân”, ngụ ý là làm người trước, làm việc sau. Vì vậy, nhân phẩm chính là tài sản quý giá nhất của cuộc đời mỗi con người, nó tạo nên địa vị và thân phận của chúng ta, nó cũng là bằng cấp cao nhất, là tấm huy chương vàng mà mỗi con người phải phấn đấu rất cực nhọc mới có được.
Nhân phẩm là bằng cấp cao nhất
Cổ nhân cũng giảng: “Nhân phẩm là học vị cao nhất, người thực sự có tài và đức mới là trí tuệ chân chính, là nhân tài chân chính”.
Bất luận chế độ quản lý của một công ty có nghiêm ngặt cỡ nào, một khi đã sử dụng những người có thiếu sót về đạo đức, họ cũng vẫn sẽ giống như một quả bom nổ chậm trong tổ chức, có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Thử nghĩ mà xem, trong một tổ chức, có người ngày nào cũng động não ‘đục khoét’ công ty thì người đó liệu có thể đáng trọng dụng không? Lại thử nghĩ, một người có năng lực lớn nhưng nhân phẩm không tốt thì chẳng phải năng lực càng lớn càng nguy hại hay sao?
Franklin D. Roosevelt, Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ từng nói: “Có học vấn nhưng không có phẩm đức, đó là một kẻ hung ác; có đạo đức nhưng không học vấn, đó là một người hèn mọn”.
Cổ nhân có câu: “Đức giả tài chi vương, tài giả đức chi nô”, ngụ ý là kẻ đức là vua của người tài, người tài là nô lệ của kẻ đức. Từ đó, có thể thấy được rằng nhân phẩm của con người quan trọng nhường nào!
Ở đời có thể không có học vị, nhưng không thể không có học vấn và càng không thể không có nhân phẩm. Nhân phẩm chính là học vị cao nhất, đức đi với tài mới chính là trí tuệ, mới là nhân tài chân chính.
Nhân phẩm là sức mạnh vĩ đại nhất
Một thanh niên nọ đi phỏng vấn xin việc, đột nhiên gặp một người cao tuổi trong trang phục giản dị tiến lên phía trước nói: “Tôi tìm được cậu rồi, thật cảm ơn cậu quá! Lần trước trong công viên, chính là cậu, là cậu đã cứu con gái tôi bị ngã xuống hồ nước lên“.
“Bác à, chắc bác nhận nhầm người rồi! Không phải cháu đã cứu con gái bác đâu ạ!”, người thanh niên thành thật trả lời.
“Là cậu, chính là cậu, tôi không thể nhầm được!”, người đàn ông lớn tuổi khẳng định lại một lần nữa.
Trước tình huống đó, người thanh niên đó cũng chẳng biết làm sao, chỉ một mực phủ nhận không phải mình đã cứu cô gái đó. “Không phải cháu đâu bác ạ. Công viên bác nói đến cháu còn chưa đến bao giờ!”
Nghe câu nói đó, người đàn ông cao tuổi buông tay, vẻ mặt đầy thất vọng: “Lẽ nào tôi nhận nhầm người?”
Về sau, chàng trai trẻ đó nhận được giấy thông báo trúng tuyển. Một hôm, anh lại gặp người đàn ông kia. Anh liền tiến lại chào và hỏi thăm: “Bác đã tìm thấy ân nhân đã cứu con gái bác chưa ạ?”
“Chưa, tôi vẫn chưa tìm được người đó!”. Sau đó, ông lẳng lặng bỏ đi.
Người thanh niên trẻ khá nặng lòng, sau đó đem câu chuyện này kể lại với đồng nghiệp. Không ngờ, đồng nghiệp cười phá lên, nói: “Ông ấy là tổng giám đốc của công ty chúng ta đó. Chuyện con gái ông bị ngã xuống nước được kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần rồi, thực ra ông ấy không có con gái đâu!”
“Cái gì?”, chàng trai thốt lên kinh ngạc. Anh bạn đồng nghiệp tiếp tục giải thích: “Tổng giám đốc của chúng ta vẫn thường dùng cách này để chọn nhân tài đấy. Ông ấy nói rằng những người qua được bài kiểm tra về nhân phẩm đều có thể uốn nắn thành tài!”.
Khi nhân phẩm và học thức kết hợp, tương hỗ cho nhau, con người mới có thể bước đến những chân trời càng cao, càng xa hơn.
Nhân phẩm là tài phú quý giá nhất
Trong “Tả truyện” có ghi chép: “Thái Thượng hữu lập đức, kì thứ hữu lập công, kì thứ hữu lập ngôn, truyện chi cửu viễn, thử chi vị bất hủ”, ngụ ý là trước hết là thành tựu đạo đức, sau mới làm nên công trạng, sau nữa là để lại được danh tiếng. ‘Lập đức’ ở đây là chỉ việc làm người có phẩm chất đạo đức tốt.
Nhân phẩm chính là vòng nguyệt quế và vinh quang của cuộc sống, đó là tài sản quý giá nhất của con người, nó tạo thành địa vị và bản sắc của một người, là tất cả tài sản danh dự của một người.
“Tử dục vi sự, tiên vi thánh nhân”, đó là đạo lý bất biến từ cổ chí kim. Làm người như thế nào không chỉ thể hiện trí tuệ của một người mà còn thể hiện sự tu dưỡng của người đó.
Một con người bất luận có thông minh đến đâu, có năng lực đến đâu, điều kiện tốt thế nào, nếu không hiểu được làm người, nhân phẩm không tốt, sự nghiệp cũng như các mối quan hệ trong xã hội cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều. Chỉ người có nhân phẩm cao mới có thể làm nên đại sự.
Khổng Tử từng giảng: “Đức nhược thủy chi nguyên, tài nhược thủy chi ba, đức nhược mộc chi căn, tài nhược mộc chi chi”, ngụ ý là đức hạnh là nguồn nước, tài năng chỉ như sóng nước, đức là cái gốc của cây còn tài chỉ như cành cây mà thôi.
Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ cũng từng nói: “Nhân phẩm là cây, thanh danh chỉ là bóng”. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến cái bóng của cây mà quên mất rằng chính cái cây ấy đã tạo ra bóng.
Người nhân phẩm tốt luôn luôn tỏa ra ánh hào quang, dù đi đến đâu vẫn luôn tỏa sáng rực rỡ.
Sinh Toàn (Theo SOH)