Điều gì làm nên sự quyến rũ và duyên dáng của những công trình kiến trúc phương Tây được cả thế giới ngưỡng mộ? Nói chung có rất nhiều, nhưng để so sánh với trường phái hiện đại, thì thấy nổi bật lên 3 nguyên tắc cốt lõi để xác định một công trình kiến trúc có đẹp hay không.
Nguyên tắc đầu tiên là sự hài hòa với môi trường xung quanh
Điều này có nghĩa là công trình cần hài hòa với các tòa nhà khác và thiên nhiên.
Khi xây dựng, ngôi nhà phải hài hòa với các tòa nhà đã có trước đó. Khi dựng xong bộ khung, các yếu tố làm nên vẻ đẹp của ngôi nhà như các vật đúc, mạ vàng, trang trí… phải được cân nhắc theo vị trí của căn nhà đối với các nhà xung quanh.
Nếu căn nhà được xây trên phố, thì đương nhiên mặt trước căn nhà sẽ hấp dẫn hơn nếu có một ô cửa sổ được trang trí đẹp đẽ… Ngoài ra, phải sử dụng vật liệu giống với khu phố. Hãy tưởng tượng một căn nhà bằng kính lọt thỏm trong một khu nhà bằng gạch trông sẽ khá kệch cỡm.
Làm mặt tiền nhà mình gây sự chú ý chính là đang hạ thấp giá trị của căn nhà. Vì sao? Khi chúng ta thấy một căn nhà được bao quanh bởi một dãy nhà tương tự, trong lòng chúng ta sẽ tự thấy bình yên, như thể mỗi căn nhà đều cất lên tiếng nói lịch sự với âm lượng dễ nghe, không ai cố vượt trội hơn so với những người khác. Khi lướt mắt ở dãy nhà, từ đầu dãy đến cuối dãy đều khiến người ta cảm thấy êm dịu.
Trong lịch sử, loài người lúc nào cũng cố gắng sống hài hòa với tự nhiên, chứ không phải chống lại nó. Trong kiến trúc cũng nên thể hiện điều đó. Ngôi nhà bên hồ Rutland ở Anh là một ví dụ.
Không cố tỏ ra nổi bật hoặc lấn át sự hùng vĩ của thiên nhiên, công trình này mang vẻ đẹp thanh lịch, khiêm tốn về kích thước và trang trí.
Nguyên tắc thứ hai là sự mượt mà
Sự mượt mà khác với đồng nhất và nhạt nhẽo.
Nếu vẻ đẹp của mặt tiền là lời mời đôi mắt đến chiêm ngưỡng, thì khi chăm chú nhìn, chúng ta sẽ thấy có sự thay đổi liên tục và tinh tế, khiến chúng ta thích thú nhìn đến cuối dãy phố.
Như vậy, sự mượt mà chính là sự thay đổi liên tục giữa các yếu tố thẩm mỹ.
Màu sắc, cách trang trí của tòa nhà gạch đỏ hai bên và cả con đường có sự đồng điệu, khiến ánh mắt nhìn không có điểm dừng cho đến khi bắt gặp một tấm biển mạ vàng nhẹ nhàng báo hiệu là đã đến cuối phố. Trong lối kiến trúc ấy, những bệ cửa, cửa sổ đều khiêm tốn mang lại sự riêng tư cho người ở và sự tò mò cho người đi đường.
Ở điểm cuối của tòa nhà, các bức tường tạo ra một độ lệch nhỏ để cho biết đây là nơi tòa nhà kết thúc và làm dịu đi tầm nhìn của quan khách, đồng thời thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật. Có một sự nối tiếp từ nơi tòa nhà bắt đầu đến điểm kết thúc. Các tầng được trang trí đẹp và giống nhau, nhưng không nhàm chán mà thú vị, mềm mại.
Ở một phong cách hoàn toàn khác, các tòa nhà bằng kính khổng lồ ở London chẳng hạn, đã bỏ qua hoàn toàn nét kiến trúc truyền thống. Tòa nhà tự mình nhô lên khỏi một con phố, có mặt tiền đồ sộ, các cửa sổ trong suốt, đơn điệu, không thể mang lại sự riêng tư cho những người bên trong. Tòa nhà này không có điểm báo kết thúc, mà chỉ dừng lại một cách đột ngột ở một điểm sắt cạnh và khô khan, không đem lại cảm giác trọn vẹn và khiến con mát nhức nhối.
Nguyên tắc cuối cùng là sự khiêm tốn
Đó là sự tiếp nối của hai nguyên tắc đầu tiên, tuy nhiên rất quan trọng. Cần một chút khiêm tốn để nhắc nhở người thiết kế rằng công trình của anh ta sẽ tồn tại ở đó rất lâu, thế nên không nên tự ý phá vỡ sự hài hòa của quần thể kiến trúc xung quanh.
Mỗi tòa nhà có một tiếng nói. Thành phố, thị trấn, làng mạc chỉ là tập hợp của những tiếng nói đó. Những người có tâm hồn bay bổng hơn sẽ ví chúng như một dàn hợp xướng. Mỗi giọng có một nốt riêng, nhưng sự hài hòa được ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, khi một giọng mới được thêm vào, nó phải ghi nhớ điều này để hết sức tôn trọng sự hòa âm đó. Do đó, nguyên tắc “khiêm tốn” nhắc nhở kiến trúc sư rằng tác phẩm của anh ta chỉ là một giọng hát đóng góp thêm cho dàn hợp xướng của thành phố.
Kiến trúc là một hình thức nghệ thuật đặc thù, ảnh hưởng đến tất cả mọi người mọi lúc mọi nơi. Căn nhà mà ta sống, khu phố mà ta vẫn đi bộ qua hàng ngày đều là sản phẩm của kiến trúc. Vì tương tác, thậm chí sống trong các tác phẩm kiến trúc hàng ngày, nên chúng ta yêu cầu kiến trúc phải có tính thẩm mỹ, sao cho mỗi khi đôi mắt chúng ta lướt qua một tòa nhà nào đó là muốn dừng lại chiêm ngưỡng, chứ không như lúc nhìn một mặt tiền vô cảm, tẻ nhạt.
Kiến trúc thiếu tính thẩm mỹ làm con người mất đi hứng thú trong cuộc sống. Hiện nay, khi đi qua các tòa nhà hình học vô hồn dễ gây cho người ta cảm giác như đang tương tác với một nhóm người ít thân thiện. Khi đó, đôi mắt của chúng ta không muốn dừng lại ở những kiến trúc xung quanh mà buộc phải nhìn chằm chằm xuống vỉa hè hoặc một nơi xa xăm nào khác…
Xuân Nhạn (Theo Imaginative Conservative)
Xem thêm: