Khi nhắc đến thầy cô cũ, bạn sẽ nhớ đến điều gì? Chắc hẳn không phải những kiến thức phong phú mà thầy cô đã truyền dạy rồi. Có lẽ những bài học về cuộc sống, những hành động nhỏ nhặt của thầy cô mới để lại ấn tượng khó phai trong lòng học trò.
Học trò nhớ gì nhất về thầy?
Mặc dù các học trò của cha không biết tôi, nhưng khi nghe nói tôi là con gái của thầy An, mọi người đều nhiệt tình vây quanh tôi.
“Tôi đã được thầy An dạy dỗ. Khi phát hiện ra tôi thích viết thư pháp, thầy liền khuyến khích tôi tham gia đi thi, về sau thì năm nào cũng đi, đến năm cấp ba vẫn còn đi thi toàn huyện. Văn của tôi đọc thì không hay lắm, nhưng tôi lại rất thích viết chữ, thật sự là rất cảm ơn thầy đã cổ vũ”.
“Có một năm, thầy nói một bài viết của tôi rất khá, kết quả nhân ngày kỷ niệm thành lập trường, tôi đã thấy bài văn đó được dán lên để trưng bày, thật sự là rất xấu hổ, nhưng kể từ đó tôi cũng bắt đầu ưa thích môn văn, kết quả môn học được cũng không tệ, đến bây giờ cũng vẫn rất thích đọc sách”.
Mọi người thảo luận rất rôm rả để ôn lại kỷ niệm xưa. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe được nhiều người như thế bàn luận về cha của tôi. Về sau, bọn họ cũng gọi tôi là “bạn học”.
“Tôi nhớ là thầy An rất hiền lành, bất kể là ai nói với ông cái gì thì ông cũng cười, bình thường thấy ông không đọc sách thì cũng ở dưới sân chơi bóng rổ, mỗi lần ném quả bóng lại nghiêng người qua một bên xem quả bóng có vào hay không, rất thú vị”.
“Tôi còn phải kể với cô chuyện này, có một lần có người đâm rách lốp xe đạp của thầy, thầy cũng không nói gì, chỉ tự mình chậm rãi dắt xe trở về nhà. Tôi gặp thầy ở dọc đường mới hỏi, thầy sao phải dắt xe vậy? Thầy nói là lốp xe bị lủng. Tôi hỏi thầy dắt như vậy bao lâu mới về được đến nhà? Ông cười cười nói không sao đâu”.
Tôi nhớ có một lần kia, cha đi xe đạp về nhà phải mất đến hơn một tiếng đồng hồ, lúc về đến nhà thì trời cũng tối luôn rồi. Tôi hỏi: “Cha, có phải cha bị người ta đâm lủng lốp xe rồi không?”.
Cha tôi lắc đầu nói: “Không ai thừa nhận cả, nhưng dù bất kể là ai mà tức giận với cha, nếu như người ấy làm chuyện này mà có thể nguôi giận, vậy cũng tốt, cha dắt xe đi vá một chút là được rồi”.
Trường trung học lúc ấy ở rất xa, học trò bình thường sẽ không nghĩ đến việc học đại học, nhưng tôi sau một hồi nói chuyện phiếm thì phát hiện ra, bọn họ vừa tốt nghiệp xong liền đi làm, không thì học trường nghề, về sau làm đủ các ngành nghề khác nhau.
Có người mở cửa hàng lớn, rất đa dạng về hàng hóa và dịch vụ, mở nhà hàng, mở trường luyện thi, hiệu giặt là, hiệu thuốc, nhà nghỉ, thẩm mỹ viện, làm điện nước, làm thiết bị ô tô, dạy khiêu vũ, bán thịt gà, bán quần áo, bán bảo hiểm, bán hoa quả.v.v.
Có người theo đuổi đèn sách, còn thi đậu vào trường đại học danh tiếng. Nói tóm lại những học trò hồ đồ ngày nào của cha tôi giờ đã vượt xa khỏi trí tưởng tượng của tôi rồi.
Ba lần mỉm cười
Trong “Tam cá vi tiếu” (ba lần mỉm cười) của Thác Nhĩ Tư Thái, sau khi sản phụ sinh đôi được hai bé gái, đứng trước ranh giới sinh tử, cô khóc cầu xin Thiên sứ đừng mang mình đi, sợ đứa bé sẽ sống không nổi. Thiên sứ lần đầu tiên cảm thấy do dự khi làm nhiệm vụ mà Thượng đế giao phó.
Thế là Thượng đế giáng chức ông xuống thế gian, muốn ông tìm được đáp án cho ba câu hỏi “Trong lòng mọi người có cái gì?”; “Mọi người không biết cái gì?” và “Mọi người có thể dựa vào cái gì?”, rồi mới có thể trở về Thiên đường.
Thiên sứ gặp được một người thợ đóng giày dưới trời tuyết rơi nặng hạt, người đó có lòng tốt mời Thiên sứ về nhà, chia cho ông một chút đồ ăn ít ỏi còn sót lại. Thiên sứ lần đầu tiên đã mỉm cười.
Có một người đàn ông giàu có vừa mới đặt mua một đôi ủng cao cổ để đi săn, vậy mà chỉ một lát sau trên đường trở về nhà thì bị ngã chết, người hầu quay lại yêu cầu đổi thành ủng ngắn dùng trong tang lễ. Thiên sứ lại một lần nữa mỉm cười.
Một ngày, có một vị phu nhân dắt theo một cặp song sinh xinh đẹp đi đóng giày, nói mẹ của hai cô bé đã qua đời, bà con lối xóm cùng trợ giúp để nuôi hai cô bé này. Lần thứ ba, Thiên sứ lại mỉm cười.
Lần thứ nhất mỉm cười vì ông phát hiện được đáp án thứ nhất: “Trong lòng mọi người có tình thương”. Lần thứ hai ông đã hiểu rõ: “Mọi người không biết tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì”. Lần thứ ba ông mỉm cười là vì đã phát hiện ra: “Vốn là mọi người có thể dựa vào nhau”.
Cha tôi dạy học vài chục năm, cộng thêm vài chục năm sau khi về hưu, lúc nào cũng phải lo lắng cho tương lai của mấy cô cậu học trò.
Tôi đột nhiên đã hiểu ra, cho dù không có thầy giáo coi chừng, không có Thiên sứ thương cảm, những đứa nhỏ chỉ cần trong lòng có tình thương, hiểu ra thế sự vô thường, dùng thái độ ôn hòa mà giúp đỡ lẫn nhau, bọn họ vẫn có thể mở ra một bầu trời riêng cho bản thân mình, lớn lên thật tốt, có được một cuộc sống tốt đẹp.
Tôi cũng nhận ra rằng, những điều còn đọng lại trong ký ức học trò cũ của cha, đều là những hành động bình thường, nhưng ẩn chứa trong đó là tình yêu thương, là lòng bao dung vô hạn của cha.
Có thể cha đã không giúp được gì nhiều cho sự nghiệp của các học trò, nhưng cha đã để lại cho họ “ba nụ cười”, đây mới là hành trang vững chắc nhất cho họ bước chân vào đời.
Chân Chân biên dịch