Dựa vào các ghi chép lịch sử, Diêm La Vương dường như không phải là do một người đương nhiệm mãi, mà mỗi một giai đoạn sẽ xuất hiện một người mới tiếp quản. Trong chính sử từng ghi chép lại về một số trường hợp như vậy.
Vào triều đại nhà Đường, có một thuyết nói về mười ngôi đền Diêm Vương. Mười ngôi đền đó là: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương, Bình Đẳng Vương. Những vị Diêm Vương này chia nhau cai quản 10 cung điện dưới địa phủ.
Truyền thuyết kể rằng, Thiên Đế sắc phong Diêm Vương, cho Diêm Vương cai trị địa ngục và Ngũ Nhạc vệ binh. Con người sau khi chết, sẽ phải chịu sự phán xét của Diêm La Vương, những người lương thiện sẽ được đầu thai tiếp tục làm người; còn những kẻ không từ một việc ác nào sẽ bị ném vào địa ngục Vô Gián, mãi mãi chịu đựng hình phạt không được siêu sinh.
Dựa vào các ghi chép lịch sử, Diêm La Vương dường như không phải là do một người phụ trách mãi, mà mỗi một giai đoạn sẽ xuất hiện một người mới.
Lúc sống là Thượng Trụ Quốc, lúc chết làm Diêm La Vương
Mùa đông năm Khai Hoàng thứ 18 triều đại nhà Tùy (năm 588), chiến tướng Hàn Cầm Hổ dẫn đầu cuộc tấn công vào nước Trần. Theo ghi chép chính sử, thì trước khi nước Trần diệt vong, tại vùng Giang Đông có lưu truyền một bài ca dao: “Con ngựa xanh đốm vàng, đến từ bờ sông Thọ Dương. Khi đến khí đông tan, ngày đi gió xuân đến”. Lúc đầu người ta đều không biết nó có ý nghĩa gì.
Cho đến sau khi Hàn Cầm Hổ dẫn binh lính băng qua sông, thì người ta mới nhìn thấy ông cưỡi một con ngựa đốm xanh, bởi vì tên gọi ban đầu của nó là “báo”, người ta mới đột nhiên hiểu ra rằng “con ngựa xanh đốm vàng” chính là ám chỉ Hàn Cầm Hổ. Hàn Cầm Hổ băng qua sông vào mùa đông, sau khi bắt được Trần Thúc Bảo – vị vua cuối cùng của nhà Trần, rồi quay trở về vào mùa xuân, đã ứng với lời tiên tri trong bài ca dao. Hàn Cầm Hổ vì chiến công này mà được phong làm Đại tướng quân “Thượng Trụ Quốc”.
Không lâu sau khi Hàn Cầm Hổ trở về kinh, một người phụ nữ hàng xóm đột nhiên nhìn thấy rất nhiều lính gác đứng trước nhà họ Hàn, ai cũng rất khôi ngô tuấn tú, như là vệ binh của hoàng tộc vậy. Người phụ nữ này chưa bao giờ nhìn thấy một cảnh tượng như thế, nên đã hết sức kinh ngạc, lúc tiến đến trước một người lính gác, anh ta nói rằng: “Tôi đến đây là để đón Đại Vương”. Vừa dứt lời thì biến mất.
Không lâu sau đó, có một bệnh nhân mắc bệnh nan y và còn một hơi thở trước lúc chết, đột nhiên khỏe mạnh, nói rằng phải xuống giường đi gặp một người. Người bệnh này đã đi đến nhà họ Hàn và nói: “Tôi muốn gặp Đại Vương!”. Người trong nhà họ Hàn không hiểu nên hỏi anh ta: “Gặp cái gì Vương?”. Anh ta liền nói: “Gặp Diêm La Vương”.
Người nhà họ Hàn nghe xong rất tức giận, đến mức muốn đánh người bệnh này, Hàn Cầm Hổ đã ngăn họ lại và nói: “Tôi sinh ra làm Thượng Trụ Quốc, chết đi được làm Diêm Vương thì cũng đủ lắm rồi!”. Vài ngày sau, Hàn Cầm Hổ mắc bệnh rồi qua đời. Vị Đại tướng nhà Tùy này sau khi chết đi đã trở thành Diêm La Vương, và chuyện này được lan truyền khắp dân gian.
Ngoài Đại tướng Hàn Cầm Hổ của triều đại nhà Tùy, theo những ghi chép lịch sử khác nhau, thì vào thời nhà Tống có ít nhất ba người có liên quan đến Diêm La Vương, đó là: Bao Chửng, Khấu Chuẩn và Phạm Trọng Yêm.
Bao đại nhân cương nghị chính trực của triều đại nhà Tống
Với những câu chuyện có chủ đề về Diêm La Vương, trong truyền thuyết dân gian phần nhiều người ta quen thuộc nhất là về Bao Chửng thời Tống.
“Tống sử” có chép: “Những vụ án quan tình, đã có Diêm Vương Bao lão”. Ở đây, “Diêm Vương Bao lão” ý chỉ Bao Chửng, bởi vì ông làm người rất cương nghị, xử án công chính vô tư, các quan quyền trong triều đều rất kính sợ ông, không dám cả gan lớn mật làm chuyện xấu.
Trong tiểu thuyết cổ điển “Tam hiệp ngũ nghĩa”, Bao Chửng chính là Văn Khúc Tinh hạ phàm. Bao Chửng ban ngày xử án cho nhân gian, đêm đến xử án cho âm giới, có khả năng đi lại giữa hai giới âm và dương.
Vị học sĩ ở Long Đồ Các là vị vua ở âm giới
Thời nhà Tống có vị danh thần tên Phạm Trọng Yêm, lúc còn sống là một huyền thoại, sau khi chết cũng để lại một huyền thoại. Phạm Trọng Yêm thích nghiên cứu binh pháp, từng nhậm chức ở biên giới phía Tây Bắc, chịu trách nhiệm điều chỉnh chiến lược và cải cách hệ thống quân sự.
Mặc dù Phạm Trọng Yêm chỉ là một văn nhân bình thường, nhưng trong con mắt của người Tây Bắc thì ông là một nhân vật khiến người ta kinh ngạc, họ nói: “Trong ngực của tiểu Phạm lão tử có 10 vạn binh giáp” (“Tiểu Phạm lão tử” là cách gọi của những bề tôi đối với ông). Khu vực biên giới Tây Bắc cũng truyền nhau một bài ca dao: “Trong quân đội có một người họ Phạm, những tên giặc phía Tây nghe tiếng phải kinh hãi”. Bởi vì Phạm Trọng Yêm là một vị học sĩ ở Long Đồ Các, nên người Khương ở Tây Bắc còn gọi ông là “Long Đồ lão tử”.
Phạm Trọng Yêm rất khoan dung độ lượng. Trong nhà họ Phạm có một mảnh vườn, người giỏi xem tướng đất nói rằng đây là một mảnh đất báu, phong thủy rất tốt, xây dựng nhà tại đây thì con cháu nhà họ Phạm sẽ được làm quan cao. Phạm Trọng Yêm nói: “Nếu như vậy thật thì ta cũng không dám hưởng một mình“, liền quên tặng mảnh đất này để xây dựng trường học và nơi đó đã trở thành trường học ở Tô Châu.
Theo ghi chép trong “Trung Ngô kỷ văn”, Phạm Trọng Yêm là thần tiên hạ phạm, bởi vì ông là một vị quan thanh liêm, nên sau khi qua đời đã đến địa phủ U Minh làm Diêm La Vương, cai quản mọi chuyện sinh sát.
Ái thiếp của Khấu Chuẩn trước lúc lâm chung tiết lộ thiên cơ
Thời nhà Tống còn có vị đại thần tên Khấu Chuẩn, là người cương trực có tài, rất được lòng dân chúng trong thiên hạ. Theo “Dũng tràng tiểu phẩm” có chép rằng, ái thiếp của Khấu Chuẩn trước lúc lâm chung từng nói với ông: “Trước đây, thiếp cứ mãi không dám nói, sợ là sẽ tiết lộ thiên cơ. Hôm nay thiếp sắp phải lìa xa nhân thế rồi, nói ra cũng không lo ngại gì nữa. Sau này chàng sẽ làm Diêm La Vương”.
Sau khi Khấu Chuẩn qua đời, có một nhà sư đã nhìn thấy ông ở Tào Châu và hỏi ông đi đâu. Ông nói rằng: “Ta đến chỗ của Diêm La Vương để tiếp tục xử lý chính sự”.
Từ những ghi chép xưa này, chúng ta thấy rằng chức quan Diêm La Vương ở địa phủ có thể không phải là một người phụ trách, mà có sự luân phiên đương nhiệm của những vị cương trực có đức!
* Tài liệu tham khảo:
- “Tống sử” tập 316 “Liệt truyện thứ 75”
- “Tổng hợp các giai thoại dân gian triều Tống” tập 5
>>> Thái thú vì đoạt long châu mà động sát tâm, bị Thổ địa hiện thân cảnh cáo
>>> Sau khi người ta chết, lên thiên đường hay xuống địa ngục là ở nội tâm
Tuệ Tâm, theo NTDTV