Những thị trấn này từng là nơi rất đông đúc dân cư, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà người ta rời đi nơi khác, khiến cho chúng trở nên vắng vẻ và lạnh lẽo đến rợn người.
Varosha, Cộng hòa Síp
Trong những năm 1970, khu nghỉ dưỡng Famagusta ở Varosha là điểm đến du lịch số một ở Síp. Nó nổi tiếng đến nỗi nó trở thành điểm nghỉ mát ưa thích cho những người như Brigette Bardot, Raquel Welch, Richard Burton và Elizabeth Taylor.
Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 20/7/1974 đã thay đổi mọi thứ. Người dân ở đây lần lượt bỏ đi và không bao giờ trở lại. Những ngôi nhà, khách sạn, resort, nhà hàng và cả bãi biển bị bỏ hoang.
Bodie, California, Mỹ
Thị trấn này thành lập vào năm 1876 sau khi người ta phát hiện ra những mỏ vàng, khiến dân số có lúc đã lên tới 10.000 người. Người ta đổ xô đến đây khiến thị trấn phát triển nhanh chóng. Sau đó, những cuộc chiến và đấu súng xảy ra khiến khu vực này đầy rẫy tệ nạn.
Những năm 1880, vì bị khai thác cạn kiệt và mùa Đông khắc nghiệt, phần lớn dân cư ở đây đã phải đi nơi khác sinh sống. Cho đến năm 1940, các cư dân cuối cùng đã rời khỏi đây.
Bức ảnh chụp năm 1890… |
…và hiện nay. |
Tomioka, Nhật Bản
Tomioka là một thị trấn ở quận Futaba, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Vào tháng 1 năm 2011, thị trấn này có dân số là 15.839 người với 6293 hộ gia đình. Nhưng hiện nay, toàn bộ người dân ở đây vẫn còn đi sơ tán sau thảm họa kép động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào tháng 3/2011. Tomioka giờ bị xem như một “thị trấn ma”.
Oradour-sur-Glane, Pháp
Vào ngày 10/6/1944, thị trấn nhỏ Oradour-sur-Glane do Phát xít chiếm đóng đã bị xóa sổ khi 642 cư dân ở đây bị thảm sát. Những chiếc xe ô tô bị cháy và xác nhà vẫn còn đó, đánh dấu một thời kỳ chiến tranh đẫm máu diễn ra ở nơi đây. Oradour-sur-Glane bị bỏ hoang từ đó. Sau thảm kịch này, một thị trấn mới đã được xây dựng ở gần đó.
Saint-Jean-Vianney, Canada
Thị trấn ở Quebec, Canada này, bị bỏ hoang năm 1971 sau khi một vụ lở đất tàn phá gần như hoàn toàn. Nghiên cứu sau này cho thấy Saint-Jean-Vianney được xây dựng trên địa điểm nơi đã từng có một vụ lở đất khoảng 500 năm trước. Vì vậy, vùng đất nghèo này giống như một quả bom hẹn giờ.
Kolmanskop, Namibia
Thị trấn này vô cùng thịnh vượng vào sau khi người Đức phát hiện ra mỏ kim cương vào năm 1908. Sau khi tin tức loan ra, cư dân thị trấn đã xây dựng những công trình kiến trúc kiểu Đức như phòng khiêu vũ, trường học, nhà máy nước đá, sòng bạc… Ban đầu các thợ mỏ kiếm được rất nhiều kim cương, nhưng sau đó tài nguyên cũng cạn kiệt. Sau Thế chiến 1, dân số đã giảm đi rất nhiều và thị trấn bị bỏ hoang vào năm 1954.
Hiện nay, các ngôi nhà ở đây tràn ngập cát. Thị trấn này trở thành địa điểm hấp dẫn khách du lịch khám phá.
Bắc Xuyên, Trung Quốc
Thị trấn nông thôn này ở Trung Quốc đã hoàn toàn bị phá hủy bởi một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter năm 2008. Thảm họa được cho là đã giết chết hơn 90.000 người, trong khi san lấp hoàn toàn thị trấn.
Chính phủ Trung Quốc sau đó định tái thiết thị trấn và di dời cư dân, nhưng vấn đề là, trên 80% các tòa nhà đã bị phá hủy. Cuối cùng, Trung Quốc đã phải đối diện với thực tế là họ sẽ không bao giờ tái thiết được thị trấn này. Bắc Xuyên trở thành khu di tích của trận đại địa chấn Tứ Xuyên.
Đảo Hashima, Nhật Bản
Hòn đảo này được thành lập trên sự thành công của các mỏ than ngầm dưới biển bắt đầu từ năm 1887. Đỉnh điểm dân số là 5259 người nhưng khi mỏ đóng cửa vào năm 1974, mọi người bắt đầu rời khỏi đây. Chẳng mấy chốc hòn đảo này bị bỏ hoang.
Tawerga, Libya
Tawerga trong tiếng Libya có nghĩa là thị trấn ma. Nó thuộc quyền quản lý của thành phố Misrata. Nhưng, thị trấn đã hoàn toàn bị xóa vào cuối cuộc nội chiến năm 2011.
Centralia, Mỹ
Thị trấn khai thác mỏ ở Pennsylvania từng là nơi rất thành công, mặc dù dân số đỉnh điểm là khoảng 1000 người. Nhưng năm 1962, một đám cháy bắt đầu từ các mỏ đã lan ra gần như khắp thị trấn, biến nơi này thành một nơi hoang tàn. Ở nhiều nơi, lửa vẫn âm ỉ cháy.