Từ cổ chí kim, cả phương Đông và phương Tây đều lưu truyền lại rất nhiều giai thoại, nhằm cảnh báo cho con người thế gian biết được kết cục bi thảm của những kẻ tà dâm.
Vào thời xưa ở Trung Quốc, những kẻ phạm tội tà dâm, căn cứ theo tội nghiệp nặng nhẹ, báo ứng sẽ khác nhau. Hoặc bị trời cao cắt bổng lộc, tuổi thọ và công danh, một đời lao đao, đói rét khốn khổ; Hoặc sau khi chuyển sinh sẽ làm ăn xin, trả nghiệp ở kiếp trước. Thậm chí có người đời này chết yểu và hại cả vợ con.
Địa ngục Đông–Tây, báo ứng tà dâm
Vào thời nhà Minh có một người tên là Lữ Thanh, không chỉ thích nói về những chuyện dâm ô mà còn thường nhìn trộm phụ nữ. Ý đồ đen tối, mặc sức dùng mắt miệng để tạo nghiệp tà dâm, vì thế mà anh ta đã tự mang lại tai họa cho mình. Vào năm ba mươi tuổi, nhà anh ta vẫn vô cùng nghèo khổ và hai đứa con cũng lần lượt qua đời.
Một hôm, Lữ thanh đột nhiên chết yểu, anh nhìn thấy ông nội quá cố của mình. Ông nội tức giận nói: “Lữ gia hai đời đều tích đức hành thiện, vốn dĩ phúc đức đều được gửi gắm cho ngươi, số mệnh sẽ phát tài phú quý. Không ngờ ngươi tham mê mỹ sắc, mắt môi tạo nghiệp, phúc báo đều mất hết. Ta sợ ngươi thật sự phạm phải tội dâm ô, khiến Lữ gia nhà chúng ta tuyệt hậu vô vọng, vì thế ta đã khẩn cầu Diêm Vương, dẫn ngươi đến địa ngục xem trước, cho ngươi biết báo ứng thê thảm của tội tà dâm”.
Lữ Thanh nói: “Con nghe nói nếu cưỡng dâm vợ người khác, sẽ bị báo ứng không có con cái. Con vì sợ bị báo ứng này nên trước giờ vẫn chưa làm chuyện gì dâm ô cả”.
Sai dịch chốn địa phủ ở bên cạnh nói: “Há chỉ có tuyệt hậu mà thôi! Nếu như cô gái chủ động dụ dỗ, ngươi được nước đẩy thuyền không từ chối là sẽ vấp phải báo ứng tuyệt hậu rồi. Nếu nhà ngươi dụ dỗ ép bức cô gái, mà còn nhiều lần tái phạm nguy hại luân lý làm người, thậm chí khiến người ta phá thai hoặc giết chồng, báo ứng của những tội nghiệt này há chỉ có tuyệt hậu?
Pháp luật của nhân gian trừng phạt tội tà dâm quá lỏng lẻo, tuy nhiên pháp luật ở dưới địa ngục đối với điều này là nghiêm trọng nhất. Phàm là người chỉ cần có ý niệm tà dâm, Tam Thi Thần (1) sẽ thú tội, Táo Quân và Thành Hoàng sẽ theo những chứng cứ thật sự và bẩm báo với Đế Quân. Nếu như bọn họ che giấu hoặc báo cáo sót thì đó là một sai lầm lớn. Ngươi mà xem qua việc xử lý của ngày hôm nay là sẽ biết”.
Một lúc sau, Quỷ Tốt dẫn theo rất nhiều linh hồn tội lỗi phạm tội tà dâm lên điện. Những linh hồn tội lỗi này toàn bộ đều đeo gông cùm và quỳ dưới đất. Diêm Quân nghiêm nghị trách, phân chia số người: “Một vài người sẽ chuyển thế làm ăn xin vừa điên vừa câm; Một số người chuyển thế làm gái điếm mù lòa; Một số người sẽ chuyển thế làm trâu bò hai kiếp; Một số người chuyển thế làm heo mười kiếp”. Nói xong, Quỷ Tốt trấn áp linh hồn tội lỗi đi đầu thai.
Lữ Thanh nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, kinh hãi đến nỗi sởn gai ốc. Sai dịch chốn địa phủ lại nói: “Còn những kẻ phạm tội nặng hơn tội này nữa. Ngươi tuyệt đối không nên vì một vài khoảnh khắc vui vẻ mà mất đi nhân tính. Tránh sắc như tránh tên, hơn nữa phải in ấn thành văn chương, khuyên nhủ người thế gian”.
Mục đích của ông nội Lữ Thanh đã đạt được, Lữ Thanh sau khi nhìn thấy báo ứng thê thảm của những người phạm tội tà dâm xong, Diêm Quân đã cho anh ta trở về dương gian. Lữ Thanh chết đi sống lại, in ấn mười ngàn bản “Du Minh Lục” (ghi chép chuyến thăm âm phủ) để cảnh tỉnh người thế gian, từ đó về sau cố sức hành thiện.
Mười năm sau, vào lúc anh ta bốn mươi tuổi, liên tục sinh được hai người con, hơn nữa gia cảnh cũng đã chuyển biến tốt hơn, tích được rất nhiều của cải. Nghĩ đến nhân gian mơ màng, vô thường bất định, Lữ Thanh quyết định tránh chốn phồn hoa ầm ĩ, hướng về Nam Hải một lòng tu Đạo.
“Thần Khúc” – Cuồng phong hắc ám tàn sát kẻ cuồng dâm
Ở phương Tây, hơn bảy trăm năm trước, cuốn “Thần Khúc” được viết bởi một nhà thơ người Ý – Dante (1265 – 1321), người được mệnh danh là “Một trong ba ngôi sao vĩ đại của thời kỳ Phục hưng”, trong sách có miêu tả sự trừng phạt mà những kẻ phạm tội tà dâm phải nhận lấy khi ở địa ngục.
Theo như mô tả trong “Thần Khúc – Địa Ngục Thiên”, Dante du hành dưới địa ngục dưới sự dẫn dắt của Virgil.
Dante viết, một số người phạm tội tà dâm lúc còn sống sau khi chết đi sẽ bị đày đến tầng 2 của địa ngục để chịu hình phạt. Ở nơi này không có ánh sáng nhưng lại giống như có một cơn gió lớn dữ dội trên biển. “Bọn họ đều đầu hàng trước ham muốn xác thịt mà quên đi lý trí. Như một con quạ bị gió lạnh thổi giữa trời đông, những linh hồn phạm tội trôi Đông dạt Tây, lên lên xuống xuống, không cần phải hỏi về sự yên tĩnh, ngay cả mong muốn giảm tốc độ lại cũng không có. Bọn họ như chim nhạn mùa thu rời xa quê hương, tiếng kêu oán than cắn xé lòng người”.
Ở tầng này của địa ngục, những linh hồn phạm tội tà dâm bị gió đen quật xoay vòng lên không trung rồi lăn lộn quay cuồng, hoặc bị gió đen cuốn lên và hất vào vách đá, đau khổ vô cùng. Bọn họ vào lúc còn sống không kiềm chế ham muốn của mình, sau khi chết thì bị đày vào nơi có gió lốc đen thổi điên cuồng, nhằm trừng phạt bọn họ đã không thể khống chế dục vọng của cơ thể mình.
Người bị giam giữ tại tầng địa ngục này, bao gồm nữ hoàng hoang dâm vô độ Semiramis (Đế chế Assyria), Cleopatra, Achilles – Vị anh hùng Hy Lạp cổ đại (từng tham gia vào trận chiến thành Troy và được gọi là “Chiến binh Hy Lạp số một”, Helen và Paris – kẻ gây ra cuộc chiến thành Troy, Dido – Nữ hoàng của Carthage, và một số người nổi tiếng như Paul và Francesco…
Dù cho những người này lúc còn sống có bao nhiêu danh vọng và quyền thế, chỉ vì một đời không trong sạch, sau khi chết bị đày xuống địa ngục. Những linh hồn phạm tội đó có kêu gào thảm thiết thế nào cũng chẳng ai giúp được bọn họ. “Thần Khúc – Địa Ngục Thiên” đã miêu tả địa ngục khiến người khác kinh hãi không thể nào quên. Rất nhiều người xem xong sự khắc họa địa ngục của Dante, trong lòng bừng tỉnh, xét lại những hành vi bất lương của mình, hướng về Thần minh cầu xin cứu rỗi để tránh phải chịu trừng phạt nơi địa ngục.
Chú thích:
(1) Tam Thi Thần: Đạo Giáo gọi ba loại sâu bọ trong cơ thể con người là “Tam Trùng”. Thượng Thi là “Bành Cứ”, ngụ ở đầu; Trung Thi là “Bành Chất”, ngụ ở trán; Hạ Thi là “Bành Kiểu”, ngụ ở bụng. Mỗi lần đến Canh Thân sẽ tâu tội của người cho Thiên Đế. Cũng gọi là “Tam Thi”, “Tam Thi Thần”, “Tam Thần”.
Tài liệu tham khảo: “Thần Khúc – Địa Ngục Thiên”, “Cảm Ứng Thiên Hối Biên” Quyển 3.
Chân Chân