Bạn có bao giờ tự hỏi xã hội đang tiến lên hay thụt lùi? Không quá khó để tìm câu trả lời vì người xưa đã lưu lại tất cả những gì cần thiết cho xã hội cho hôm nay, trong đó có hình ảnh của những dị nhân “cưỡi lừa ngược”.
Trương Quả Lão
Trương Quả Lão là một đạo sĩ dưới đời nhà Đường, Trung Quốc (năm 618 – 907 SCN), thời kỳ này Đạo giáo rất phát triển với tám tên tuổi nổi bật vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay, và được gọi là Bát Tiên (Hán Chung Li, Lã Động Tân, Tào Quốc Cữu, Trương Quả Lão, Lam Thái Hòa, Thiết Quải Lý, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô).
Đương thời lão đạo sĩ có một con lừa trắng (bạch lư), ông dùng nó để đi dạo khắp nơi, đặc biệt ông không ngồi như bình thường mà lại quay mặt ra phía sau.
Ông thường bảo, những gì hầu hết mọi người cho rằng đang tiến về phía trước (thành đạt và thỏa mãn những ham muốn khác nhau) thực chất là đang trượt ngã trên con đường tinh thần, ngày càng xa rời bản chất cao thượng.
Trương Quả Lão nhiều lần chỉ ra rằng quy luật thông thường sẽ biến đổi ngược lại nếu một người theo đuổi con đường tâm linh, dường như ông muốn để lại cho hậu thế hình ảnh “cưỡi lừa ngược” với hàm ý “tiến lên lại chính là đang thụt lùi”.
Mặc dù Trương là một nhât vật thần thoại, nhưng những ghi chép lịch sử cho thấy ông là một người có thật.
Được cho là sinh ra từ những 2.200 năm trước Công Nguyên, nắm được thuật trường sinh bất tử, nhiều người tìm đến Trương Quả Lão để mong được truyền dạy bí quyết, tuy nhiên ông đều lần lượt tìm cách từ chối, duy chỉ có một vị hoàng đế là ông đồng ý tiếp kiến vì thấy được sự thành tâm cùng mong nguyện được đắc Đạo của người này.
Trong cách thức cưỡi lừa ngược của Trương Quả Lão, người ta còn phát hiện ra một đạo lý khác. Khi được triệu đến hoàng cung diện kiến nhà vua. Con lừa của lão Trương chậm rãi khoan thai bước đi, hoàng đế nhìn thấy liền thưởng ban rượu cho nó. Lập tức, con lừa biến thành giấy. Trương đạo sĩ mới tâu rằng đây là lừa tiên được hóa phép từ một tờ giấy, rượu khiến nó trở lại nguyên dạng.
Ông nói: “Điều này nói rõ một chân lý, sự giả dối sẽ không lâu bền”.
Heyoka
Tương tự như vậy, trong tộc người Lakota tại Bắc Mỹ, có một nhân vật gọi là heyoka, tức là linh hề, người cưỡi ngựa, mặc quần áo hay làm các việc ngược ngạo.
Heyoka không phải là tên riêng, mà được dùng để chỉ những người được lựa chọn để đảm nhận vai trò thực hành tâm linh trong cộng đồng.
Tiến sĩ Steven Mizrak – giảng viên trợ giảng của khoa Nghiên cứu Văn hóa Xã hội Toàn cầu tại Đại học Quốc tế Florida – giải thích trong một bài báo có tựa đề ‘Thunderbird and the Trickster’: “Các heyoka hay linh hề, thường rất ít, nhưng xuất hiện trong hầu hết bộ lạc [của Lakota].
“Heyoka là sự ngược ngạo, họ thường nói ngược và đi lùi về phía sau. Họ thể hiện điều đó theo cách thức kì lạ, hài hước, và dung tục, đặc biệt trong các buổi lễ linh thiêng. Người ta nói rằng họ không biết sợ hãi và đau đớn, và có thể dễ dàng lấy một miếng thịt ra khỏi nồi nước sôi”.
Heyoka vượt lên trên những quan niệm của con người và có khả năng kết nối với thần linh. Hành động ngược ngạo của họ có mục đích là thức tỉnh cộng đồng, giúp họ xem xét lại những định kiến lâu nay của bản thân.
Tiến sĩ Mizrak cho biết, heyoka trêu ghẹo những người trong bộ tộc nhưng không có ý làm họ xấu hổ hoặc khiến họ cảm thấy bản thân ngốc nghếch, mà chỉ nhằm giúp họ hiểu ra lý lẽ để hành xử “thông minh” hơn.
“Bất cứ khi nào họ làm gián đoạn sự trang nghiêm của buổi lễ, người ta coi đó là một lời nhắc nhở về ý nghĩa nghi lễ và những bí ẩn sâu sắc hơn về sự linh thiêng”.
An Nhiên, theo Epoch Times