Trương Nghi là đệ tử của Quỷ Cốc Tử, là nhà du thuyết nổi tiếng thời Chiến Quốc. Ông sử dụng tài chính trị và tài thuyết phục của mình mà gây dựng sự nghiệp, cũng là đại diện tiêu biểu của phái Tung Hoành Gia.
Khi Trương Nghi đi du thuyết đến nước Tần, từng nói ra ba loại điềm báo mất nước, có lẽ đối với xã hội ngày nay vẫn có những tác dụng dẫn dắt nhất định.
Trong “Chiến Quốc sách” có ghi lại một điển cố như sau:
Khi Trương Nghi đến nước Tần thuyết về đạo trị quốc đã nói: “Tôi thường nghe người ta nói: ‘Người không biết rõ sự tình mà lại mở miệng lên tiếng thì đó là người không sáng suốt. Người hiểu lý lẽ, có thể đưa ra kế sách để giải quyết sự tình mà lại không mở miệng thì đó là bất trung’.
Làm bề tôi, đối với bậc quân vương mà bất trung thì sẽ chết, nói chuyện không thận trọng cũng chết. Mặc dù có sự tình như thế, nhưng tôi vẫn nguyện ý nói hết ra những hiểu biết của mình cho đại vương nghe. Thỉnh đại vương nghe xong thì quyết định định tội.
Tôi nghe nói trong bốn biển, Yên quốc ở phương Bắc cùng với Ngụy quốc ở phương Nam liên kết với nước Sở, củng cố liên minh với nước Tề hình thành trận tuyến để chống lại sự bành trướng của nước Tần. Đối với việc này, tôi thực sự nén cười mà không được.
Thiên hạ có ba loại tình huống dẫn đến mất nước. Hơn nữa, thiên hạ rốt cuộc cũng có người đến để chỉnh đốn tàn cục, có thể nói đó chính là thế đạo hôm nay!
Tôi nghe người ta nói:
Một nước có nền thống trị rối loạn mà đi tấn công một nước có nền thống trị có trật tự thì ắt sẽ bại vong. Một nước tà ác mà đi tấn công một nước chính nghĩa thì ắt sẽ bại vong. Một nước nghịch thiên đạo mà đi tấn công một nước thuận theo thiên đạo thì ắt cũng sẽ bại vong.
Hiện giờ các nước chư hầu đều dự trữ tài sản hàng hóa không đầy đủ, kho dự trữ thóc gạo trống không. Họ chiêu mộ binh lính nhưng quân sĩ cũng đều đang lùi bước chạy trốn, không thể quyết sống chết cùng quân địch.
Kỳ thực, cũng không phải là vì họ không nguyện ý tử trận mà là bởi vì người thống trị sử dụng biện pháp giáo dục không tốt. Nói khen thưởng mà không khen thưởng, nói xử phạt cũng không chấp hành, cho nên người dân mới không chịu vì nước mà tử chiến”.
Từ phạm vi lớn là một quốc gia, một xã hội, xét đến phạm vi nhỏ là một cá nhân thì thuyết này của Trương Nghi quả thực đều rất có đạo lý. Hãm hại người chính nghĩa, làm hại người sống thuận theo thiên lý thì chẳng phải cũng sẽ bị diệt thân giống như một quốc gia sao?
Tuệ Tâm (s/t)