Vị phú ông giàu có tưởng mình thông minh, sử dụng kế sách giảo hoạt để lừa tiền công của đám gia nhân, ai ngờ thông minh quá lại bị thông minh hại, giảo hoạt quá lại trở thành ngu ngốc…
Vị phú ông giảo hoạt
Trước đây, có một vị phú ông vô cùng bủn xỉn, lại rất giảo hoạt. Vào thời điểm cuối năm, phú ông mới triệu tập tất cả người làm lại một chỗ, rồi nói với bọn họ:
“Một năm qua, mọi người đã làm việc rất vất vả. Để tỏ lòng biết ơn, ta sẽ ra một trò chơi, nếu như ai có thể nói được một chuyện mà ta chưa từng nghe bao giờ, thì ta sẽ thưởng cho người đó 200 lạng bạc. Còn nếu không, thì tiền công cả năm ở đây cũng sẽ bị mất hết”.
Một tiểu nha hoàn nói: “Nhà tôi trước đây có một con gà, mỗi ngày có thể đẻ ra 10 quả trứng, trong đó có 6 quả chứa 2 lòng đỏ”.
Phú ông cưới ha ha: “Tưởng gì, ta từng gặp con gà mỗi ngày có thể đẻ 20 quả trứng cơ! Tiền công của ngươi coi như đã hết nhé”.
Vú em nói: “Trước cửa nhà tôi có một thân cây có thể cho ra 6 loại quả khác nhau, một năm 4 mùa đều nở hoa”.
Phú ông xua tay nói: “Đến cây có 10 loại quả ta còn gặp rồi, chứ 6 quả ăn thua gì. Hết tiền công nhé”.
Cứ thế, phú ông vừa uống trà, vừa nói: “Đã nhìn thấy”, “Đã nghe thấy”. Tiền công của mọi người cứ thế mà bị khấu trừ hết.
Cuối cùng, chỉ còn lại một đầy tớ, anh ta đứng ra nói: “Nhà tôi họ Lý, khi còn nhỏ, tôi từng nghe ông nội kể rằng, ông nội của ngài từng mượn ông nội tôi 1000 lạng bạc, nói rằng về sau ngài có tiền sẽ trả lại. Việc này ngài nhất định đã nghe nói qua rồi phải không?”.
Lão phú ông tức giận đập bàn quát: “Nói bậy! Ông nội của ta sao có thể vay tiền ông nội nhà ngươi chứ? Việc này ta chưa từng nghe qua!”.
Phú ông vừa nói ra, liền biết mình đã lỡ miệng, đành phải đưa cho kẻ đầy tớ họ Lý 200 lạng bạc.
Cảm ngộ
Tuyệt đại đa số con người sẽ không làm những việc tổn hại đến lợi ích của chính mình. Tuy nhiên, chính điểm đó lại trở thành điểm yếu mà mỗi người không tự nhận ra được. Người thông minh thực sự sẽ hiểu được khi nào cần buông, khi nào nên nắm, không để những lợi ích trước mắt làm mờ đi tầm nhìn của chính mình.
Lừa và ngựa
Một ông chủ nọ cùng lúc sở hữu một con ngựa và một con lừa, cả hai đều cống hiến công sức cho chủ nhân của chúng. Lừa phụ trách kéo cối xay còn ngựa đưa chủ nhân đi chu du khắp nơi. Thế nhưng lừa thường xuyên bị ngựa chê bai, xem thường.
Vào giờ ăn trưa, ngựa lại tiếp tục nhai lại những câu từ vốn đã nói với lừa không biết bao nhiêu lần:
“Anh thật là một kẻ không có tiền đồ, từ sáng đến tối cứ quay đi quẩn lại bên cái cối xay, có mắt mà như không, cứ đầu tắt mặt tối mà nào có nên cơm cháo gì. Sống như vậy thử hỏi có ý nghĩa không? Chẳng bằng chết sớm đi cho xong”.
Lừa không thể nhịn được sự lăng mạ của ngựa, nó đau lòng khóc thật to rồi bỏ đi. Ngày hôm sau, ông chủ phát hiện ra lừa đã đi mất, liền bắt ngựa ra kéo cối xay. Ngựa nói: “Tôi là ngựa thiên lý, làm sao có thể kéo cối xay cho ông chứ, chủ nhân?”
Thế nhưng ông chủ chẳng để tâm đến lời nó nói mà đáp lại rằng: “Nhưng ta muốn ăn mỳ, làm sao có thể ăn cả hạt mạch được?”
Nói xong, ông chủ lấy một miếng vải che mắt nó lại và phát một cái thật đau vào mông con vật. Không còn cách nào khác, ngựa buộc phải kéo cối xay, qua đi quẩn lại xung quanh cái cối đó.
Mới kéo được một ngày, ngựa đã mệt đến mức hoa mắt chóng mặt, toàn thân đau nhức không thể chịu nổi. Nó nằm vật trên đất, thở một hơi dài: “Ai da, thật không ngờ lừa làm công việc này cũng chẳng dễ dàng gì!”.
Cảm ngộ
Làm người, chớ tùy tiện bình luận về người khác. Có những sự việc giống như bề nổi của tảng băng trôi, bạn chỉ nhìn thấy một phần nổi trên mặt nước mà quên mất chín phần của nó đang chìm bên dưới.
Những lời đồn đại không xác thực giống như chữ viết trên nước, dù không tồn tại lâu song lại được loan đi rất nhanh, thậm chí gây tổn hại rất lớn. Đừng vì sự hả hê nhất thời để rồi khiến cả đời phải hối hận.
Tuệ Tâm