Ngày nay, người dân Trung Quốc không chỉ sống trong nỗi lo sợ về thảm họa khói mù, họ còn phải sống trong sự hèn nhát, sợ hãi không dám nói lên sự thật. Tuy nhiên, vẫn có những người dũng cảm đối mặt với nỗi sợ hãi này.
Dưới đây là bản dịch bài viết của một bà mẹ có nickname yashalong2000 trên WeChat. Bài viết mô tả sự thất vọng và nỗi sợ hãi của người Trung Quốc trước thảm họa sương mù ô nhiễm, đã trở thành một hiện tượng và được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng xã hội.
Bài viết này được đăng tải vào đầu tháng 1/2017, nhưng sau đó đã bị gỡ bỏ bởi hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc. Tuy nhiên nó vẫn còn được lưu giữ trên các website hải ngoại. Tên và nơi cư ngụ của người phụ nữ là tác giả viết bài này không được xác định, nhưng những nhắn nhủ chân thành của cô đã đánh trúng tâm lý cộng đồng và được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
“Những ngày này tôi cảm thấy khó chịu vì sương mù. Con tôi bị viêm họng và ho. Tôi đã cho nó nghỉ học một ngày. Trên WeChat, tôi ủng hộ việc lắp đặt máy lọc không khí trong các trường học, nhưng tôi không chắc hiệu quả sẽ thế nào. Các bậc phụ huynh thường cảm thấy chán và nản bất lực ở Trung Quốc.
Chúng tôi bị “sương mù xám” trong nhiều năm. Lúc đầu, chúng tôi không biết nó là gì. Chúng tôi chỉ nghĩ một cách khờ khạo rằng đó là sương mù, là bụi hoặc là thứ gì đó. Chúng tôi không biết thứ gì gọi là PM2.5 đang thâm nhập vào các tế bào phế nang phổi và các dòng máu trong cơ thể mình.
Chúng tôi phải cảm ơn Đại sứ quán Hoa Kỳ đã loan rộng thông tin này. Chỉ sau khi họ nhấn mạnh về việc công bố chỉ số PM2.5 mỗi ngày, nhiều người trong chúng tôi mới biết về nó và sự khủng khiếp của nó.
Lúc đầu, truyền thông Trung Quốc chế giễu Đại sứ quán Hoa Kỳ, nói rằng đây là can thiệp vào việc nội bộ của nước ta và đang áp các giá trị của Hoa Kỳ lên Trung Quốc. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười trên gương mặt của các chuyên gia trên TV nói rằng PM2.5 không có gì đáng lo, và rằng Trung Quốc không cần phải công bố dữ liệu.
Cho đến khi họ không còn có thể che giấu sự thật của vấn đề được nữa, họ mới thừa nhận rằng những gì họ nói với chúng ta là không thật. Nhưng không có ai đứng ra xin lỗi. Chưa bao giờ có một câu xin lỗi nào.
Chính quyền không xin lỗi. Các kênh truyền thông không xin lỗi. Các chuyên gia không xin lỗi. Mọi chuyện được xem như chưa có gì xảy ra, như thể Đại sứ quán Hoa Kỳ chưa bao giờ bị chế nhạo và các chuyên gia chưa từng nói rằng PM2.5 không có gì đáng lo ngại.
Họ thật sự không biết làm gì tốt hơn sao? Cả một đất nước rộng lớn thế này với hơn một tỷ người và lượng lớn các nhà nghiên cứu công nghệ khoa học lẽ nào không biết cả một điều đơn giản như thế?
Đôi lúc tôi thật sự muốn nói với họ vì sao tôi không thể thù hận nước Mỹ. Tôi biết có mâu thuẫn về lợi ích và cạnh tranh giữa các quốc gia. Nhưng tôi cũng biết là một nhóm người Mỹ nói với người Trung Quốc chúng ta là không khí của nước bạn rất nguy hiểm và rằng có một chỉ số gọi là PM2.5 vượt ngưỡng một cách trầm trọng. Họ bảo chúng ta nên tìm cách làm sạch không khí và đeo mặt nạ, nếu không thì sức khỏe của chúng ta sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Vậy mà truyền thông của chúng ta nói rằng những người Mỹ này đang nói dối. Tôi nên thù ghét ai đây?
Hai ngày trước tôi đọc một bài viết về sương mù của Yang Yue tựa đề “Loại nhẫn tâm nào khiến bạn buộc trẻ em phải học trong sương mù?” được đăng tải đầu tiên trên mạng WeChat. Nó bị xóa mất bởi hệ thống kiểm duyệt ngay sau khi tôi vừa chia sẻ. Bài viết có thể là đúng hay sai, điều đó không quan trọng, nhưng vấn đề là nó bị xóa. Vì sao bị xóa? Chúng ta đều hiểu vì sao.Tôi rất buồn vì con mình bị đau họng và tâm trí tôi cứ tràn đầy những lời phàn nàn về việc các nhà lãnh đạo thiếu sự quan tâm. Tôi trút nỗi thất vọng của mình trên bàn ăn tối: “Tại sao có hệ thống lọc không khí tại trụ sở của chính quyền trong khi trường học thì không có? Cách tốt nhất để những nhà lãnh đạo làm gì đó về việc sương mù là bắt họ làm việc ngoài trời!”.
Tôi còn nói một số điều khác mà tôi không lặp lại ở đây. Bố chồng tôi rất căng thẳng khi nghe tôi nói những điều này trước con cái. Ông bảo tôi: “Sẽ thế nào nếu đứa nhỏ đi nói ra ngoài?”. Lời ông nói làm tôi thậm chí còn giận hơn nữa. Chất lượng không khí quá tệ, tôi không được nói một lời nào để chỉ trích chính quyền hay sao? Xã hội này là cái loại gì vậy?
Dĩ nhiên, tôi hiểu xuất thân của bố chồng tôi. Ông thuộc về thế hệ những người bị dày vò bởi sự sợ hãi. Họ trải qua sự sợ hãi mà chúng ta chưa từng trải qua, và nỗi sợ hãi này cuối cùng đã biến thành sự tôn sùng. Tôi không có nhiều hy vọng cho cả một thế hệ như vậy; tinh thần của họ hầu như đã bị dập tắt hoàn toàn. Tôi chỉ ước gì họ không làm ảnh hưởng nhiều đến thế hệ tiếp theo. Tôi luôn từ chối lời khuyên của thế hệ cũ một phần cũng vì như vậy.
Nhưng chẳng lẽ thế hệ trẻ chúng ta không có nỗi sợ này sao? Dĩ nhiên, nó không mạnh mẽ như vậy nhưng ai có thể phủ nhận sự tồn tại của nó? Viết bài này, tôi đã cố tình bỏ qua nhiều điều mình muốn nói đấy thôi.
Đây là đất nước của những kẻ hèn nhát. Những người dũng cảm dám nói phải trả giá. Có nhiều ví dụ, chẳng hạn như vụ tai nạn của Sun Zhigang. Các phóng viên đưa tin về vụ này đã phải trả giá bằng cả tương lai của họ và rồi họ đã bị chúng ta lãng quên.
Tôi nghĩ chúng ta khá hơn thế hệ trước bởi chúng ta biết sự tồn tại của nỗi sợ hãi, và chúng ta biết rằng sự sợ hãi là không thật. Chúng ta cũng biết rằng dưới nỗi sợ đó là sự chọn lựa giữa đúng và sai. Đây giống như là một hạt giống có thể nở hoa trong tương lai để khôi phục lại bầu trời trong xanh cho các thế hệ tiếp theo”.
* Sun Zhigang: Tên tiếng Việt là Tôn Chí Cương. Bài viết nói đến vụ việc xảy ra năm 2003. Tôn Chí Cương là một cử nhân ở Quảng Đông bị công an Trung Quốc bắt vì không có giấy chứng nhận tạm trú, sau đó bị đánh đập dẫn đến tử vong.
Theo trithucvn.net