Không quá nhiều người biết về Tống Gia Thụ và vợ ông, Nghê Quế Trân, nhưng vô số người biết con cái họ, những người nằm trong số các nhân vật xuất chúng nhất trong lịch sử Trung Quốc và Đài Loan những năm đầu thế kỷ 20.
Tống Gia Thụ là một doanh nhân người Trung Quốc đầu tiên trở thành người truyền giáo Giám lý ở Thượng Hải. Ông tốt nghiệp tại Đại học Vanderbilt ở Hoa Kỳ, và nhận bằng thần học vào năm 1885. Ông là bạn thân của Tôn Dật Tiên, và cũng là người quan trọng trong các sự kiện dẫn đến cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911.
Trong nhứng năm chuẩn bị cho cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, Tống Gia Thụ đã xây dựng gia đình ở Thượng Hải với người vợ Nghê Quế Trân, con gái của một nhà buôn giàu có.
Hai vợ chồng có người con gái đầu tiên vào năm 1890, đặt tên là Tống Ái Linh, người sau này kết hôn với Khổng Tường Hy, người đàn ông giàu nhất Trung Quốc đầu thế kỷ 20.
Con gái tiếp theo của họ, Tống Khánh Linh sinh năm 1893 sau này kết hôn với Tôn Dật Tiên, người lãnh đạo cuộc cách mạng năm 1911 và là người sáng lập Quốc Dân Đảng.
Tiếp đó là người con trai đầu tiên Tống Tử Văn, người sau đó giữ một loạt chức vụ trong văn phòng chính phủ như Thống đốc Ngân hàng và Bộ trưởng Tài chính.
Con gái út của họ là Tống Mỹ Linh, sinh năm 1897. Bà kết hôn với Tưởng Giới Thạch và trở thành đệ nhất phu nhân của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) từ năm 1928-1975.
Sau Tống Mỹ Linh là 2 người em trai Tống Tử Lương, từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Guohuo, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Đông, và Tống Tử An, Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc và Ngân hàng Hồng Kông tại Quảng Đông.
Ngoài việc tạo điều kiện cho các con du học tại Hoa Kỳ, cặp vợ chồng thành đạt còn đích thân dạy cho con cái họ những bài học cuộc sống quan trọng:
Sự tự tin
Dù bận rộn, nhưng ông Tống và vợ luôn chú ý đến cảm xúc của con cái, ông vẫn luôn bảo các con rằng, trong cuộc sống không gì là không thể, và ông thường chứng minh câu nói đó bằng những câu chuyện bôn ba của đời mình, ông nói:
“Nếu một người có đủ tầm nhìn và lòng dũng cảm, họ sẽ có thể thực hiện bất cứ điều gì nếu muốn”.
Ông Tống và vợ đã nuôi dưỡng sự tự tin cho các con ngay từ nhỏ, họ luôn tìm kiếm cơ hội truyền cho các con ngay trong những trò chơi.
Tính tự lập
Cặp vợ chồng thành đạt đã không làm hư con cái họ, hay nói đúng hơn, họ tin rằng nếu thực sự thương yêu con hãy để chúng tự lập. Ngay từ giai đoạn tập đi, ông Tống đã khuyến khích các con mình:
“Hãy cứ đi nào: 1,2,3.. nếu ngã thì cũng đừng khóc, con có thể tự đứng dậy và tiếp tục đi”.
Khi những đứa trẻ lớn hơn một chút, họ gửi chúng đến một trường nội trú và khi lên đại học chúng được gửi sang Hoa Kỳ du học. Ở đó những người con tiếp tục hoàn thiện tính tự lập của mình.
Sự nhẫn nại
Nhằm giúp trẻ phát triển khả năng chịu đựng và đảm bảo rằng chúng có thể có đủ can đảm để đương đầu với bất kỳ khó khăn nào, một lần, ông Tống và vợ đã chọn một ngày mưa để đưa các con đến chùa Long Hoa. Tại đây, ông yêu cầu mọi người cất hết ô đi.
Từ dưới mưa nhìn lên đỉnh Long Hoa tự, ông nói:
“Các con có thấy ngọn tháp này không? Nó đã ở đây hơn 1000 năm mà chẳng hề sợ gió mưa hay bão táp. Vì sao? Bởi vì nó có một nền móng vững vàng. Trong cuộc sống cũng vậy, nếu con muốn phát triển, con cần phải tạo cho mình 1 nền tảng vững chắc. Giờ thì hãy chạy đua nhé!”.
Sau đó ông Tống đội mưa chạy thẳng về phía con đường mòn dẫn đến cổng chùa và các con ông chạy theo. Nếu trượt ngã, chúng chỉ còn 1 cách là tự đứng lên và tiếp tục tiến về phía trước.
Theo Vision Times