Nếu đã có lúc rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười bởi cái miệng “nói mà không nghĩ”, bạn sẽ hiểu hơn tầm quan trọng của tu tâm và tu khẩu. Dạy trẻ nói lời hay cũng chính là giúp trẻ hình thành quan niệm đúng đắn và trở thành người biết nghĩ cho người khác, điều này sẽ bảo vệ trẻ khỏi những “tai bay vạ gió” chỉ bởi … lời nói.
Lúc cơm trưa, bé Mỹ nằm sấp trên giường không chịu dậy ăn. Mọi người thay phiên nhau hỏi han nhưng bé Mỹ không chịu nói rõ. Suy đi nghĩ lại, mọi người phần nào đoán ra có lẽ bé Mỹ bị tụi con trai chọc ghẹo rồi.
Chuyện này đương nhiên phải làm cho ra lẽ. Mọi người lôi tụi con trai ra hỏi rõ nguyên nhân, bé Thành nói: “Con chỉ nói ‘Ờ, thì ra là vậy’ thôi nha!”. Những đứa con trai khác cũng liên tục gật đầu phụ họa là như thế. Điều này thật khiến người lớn đau đầu, nếu chỉ là những lời nói như vậy thì bé Mỹ chắc không đến nỗi buồn đến mức cơm cũng không muốn ăn, mà trước câu “Ờ, thì ra là vậy” thì chuyện gì đã xảy ra?
Bé Mỹ trước giờ là một bé gái cứng cỏi, mạnh mẽ. Cuối cùng cô giáo dò hỏi mãi bé mới nói rõ nguyên nhân. Bé kể rành mạch: “Cô ơi, bạn Thành mắng con là ‘bà mập’, là ‘đứa con gái xấu nhất hành tinh’ “.
Lúc này mọi chuyện mới vỡ lẽ, cô giáo chợt nhớ đến bé Thành cũng từng có vài lần mắng các bạn gái khác là ‘bà điên’, ‘bà khùng‘, … làm cho mấy bé gái đó khóc tấm tức mãi. Dù cô đã nhiều lần răn dạy nhưng bé Thành vẫn chứng nào tật nấy, cứ thích mắng người khác. Kỳ thực, bé Thành cũng rất tròn trịa, nhưng là con trai nên không sợ bị người ta giễu cợt, nên cứ tha hồ chọc ghẹo, mắng mỏ cái bạn gái.
Có người xem đây đơn giản chỉ là trò đùa của trẻ con, lớn lên một chút sẽ biết điều chỉnh, cho rằng chúng còn nhỏ nhất thời lấy dáng vẻ bề ngoài người khác ra trêu chọc. Thế nên, trong lớp, trong nhóm, … nếu có một bạn hơi mập một tí, bạn hơi gầy một tí, bạn mắt hơi lé, bạn bước chân đi vòng kiềng, bạn bị ngọng lắp bắp, bạn bị tóc lỏm chỏm, hay bạn có cái lỗ mũi hỉnh một chút xíu, … thì đều là đối tượng bị trêu chọc một cách tự nhiên.
Thực ra, đây là một thói quen rất xấu cần phải chỉnh sửa cho bé ngay từ đầu.
Không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng có thói quen này. Trong làng có người bị thọt một chân thì y rằng tên người đó bị ghép liền với chữ “thọt”, nhà kia có đứa con gái bị chồng bỏ thì mọi người liền bảo “cái nhà bà A có cô con gái bị chồng bỏ”, người nọ có đứa con rớt đại học thì cũng được thêm thông tin vào sau cái tên, … Nói chung, muôn vàn cách nói được dùng để gián tiếp trêu chọc người ta, khiến cái bất hạnh ấy trở thành một nỗi đau không buông tha cho người không may.
Ở các nước phát triển, về luật pháp, việc lấy dáng vẻ bề ngoài người khác ra trêu chọc, cười cợt, lăng mạ, thậm chí là chửi bới, đặc biệt có người ưa thích dùng lời lẽ thô tục mắng chửi người khác, được cấu thành tội danh “công nhiên vũ nhục, lăng mạ người khác”.
Tục ngữ có câu: “Một lời nói hay làm ấm cả mùa đông, lời nói gai góc có thể khiến tiết trời mùa hạ băng giá cả tháng trời“.
Trong tôn giáo giảng, đây thuộc về khẩu nghiệp, tức là mỗi lời nói không đúng đắn phát ra đều tích thành nghiệp, và nợ phải hoàn trả.
Phật giáo vẫn lưu truyền câu chuyện về “Nói lới ác khẩu bị đọa làm khỉ”. Đây là câu chuyện Đức Phật dạy về việc ác khẩu và quả báo của nó.
Câu chuyện kể về một vị tỳ kheo trẻ tuổi vào thời Ca Diếp Như Lai còn tại thế, tình cờ vị này thấy một vị tỳ kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ kheo kia giống hệt như con khỉ.
Vị tỳ kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, nhưng do sau hối lỗi, đến bày tỏ sự ăn năn với người đã bị mình chế nhạo. Nhờ thắng duyên ấy mà kiếp này mới được gặp Phật và được độ, chứng quả A La Hán một cách mau chóng.
Quả thật, một câu nói ác cũng có thể chiêu mời ác nghiệp gây thống khổ. Nghe xong lời Phật dạy, từ đó không còn ai dám nói lời ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói.
Vậy nên tâm đức và lời nói cần đi đôi với nhau. Mỗi lời nói ra đều cần cân nhắc. Dạy bảo con trẻ thì cha mẹ, người lớn cũng cần làm gương. Lời nào nên nói, lời nào không nên nói, đều là cần suy nghĩ cho người khác, nghĩ xem người ta có chịu được không, có phương hại gì không? Đôi lúc chỉ là nói bâng quơ, nhưng một lần, hai lần rồi nhiều lần, … thì đã gây một vết thương thật sâu vào người ta rồi.
Quay lại câu chuyện của bé Mỹ và bé Thành, bé Thành cũng thành tâm nói lời xin lỗi, bé Mỹ vì vô tư nên chẳng hơi đâu đi giận cậu bạn nữa. Tuy nhiên, có những việc đơn giản thì lời xin lỗi thì còn hòa giải được, nhưng có những việc một khi nói ra thì đã để lại ấn tượng sâu sắc ám ảnh đối phương suốt đời. Cho nên, ông bà ta đã dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” quả không sai.
Lấy chuyện trẻ con nói chuyện người lớn, nói chuyện pháp luật, nói chuyện tu hành, tưởng chừng không có liên quan gì to lớn nhưng suy nghĩ một chút thì quả thật tính nghiêm trọng không hề nhỏ. Mong rằng, mỗi lời bạn nói hãy như “thốt ra hoa, ra ngọc”, không chỉ làm cảm động lòng người mà còn nhận được quả ngọt trong đời.
Mai Mai, theo Epoch Times