Ở đời, có rất nhiều người dù không giỏi kiếm tiền, cũng không thông minh lanh lợi, nhưng lại có cuộc sống an nhàn tự tại, giàu sang vinh hiển. Rốt cuộc là vì đâu?
Hồ Mục Đình người triều đại nhà Thanh kể lại rằng, ở quê nhà có một vị phú ông, bình thường an vui với cuộc sống điền viên, đóng cửa không màng chuyện thiên hạ, mọi người rất ít khi nhìn thấy ông lộ mặt ở nơi đông người.
Nói ra cũng kỳ lạ, người này vốn không giỏi kiếm tiền mưu sinh, nhưng của cải của ông thì giống như dùng mãi không hết. Ông cũng không biết điều dưỡng thân thể, nhưng một đời của ông cũng chưa từng bị bệnh nặng gì. Đôi lúc xảy ra tai nạn ngoài ý muốn, nhưng lại được giải thoát một cách bất ngờ.
Có một lần, một tỳ nữ trong nhà ông bỗng nhiên treo cổ tự tự, công sai trong làng cảm thấy thật hả hê trong lòng, cho rằng có thể thừa cơ gây chuyện, thế là bèn làm lớn chuyện lên rồi trình báo lên quan phủ.
Quan địa phương sau khi nhận được thông báo, cũng tức thời dẫn theo rất nhiều sai dịch đến nhà phú ông khám nghiệm tử thi lập hồ sơ vụ án.
Nhưng đến khi xem xét thi thể, bỗng nhiên tay chân của tỳ nữ đó khẽ run lên. Mọi người còn chưa hết kinh ngạc, thì một lát sau, chỉ thấy cô ngáp vài cái, duỗi duỗi tấm thân, lại xoay người trở lại, tiếp đó liền ngồi dậy, rốt cuộc cô đã sống lại.
Quan địa phương còn muốn lấy cớ “bị cưỡng gian nên phải treo cổ” để thêu dệt tội danh, bèn không ngừng dùng đủ lời ăn tiếng nói, các loại gợi ý cho người tỳ nữ, xui khiến cô nhận tội. Không ngờ người tỳ nữ này lại dập đầu, nói rằng:
“Thanh thiên đại lão gia! Chủ nhân của tiểu nữ thê thiếp thành đàn, mỗi người dung mạo tựa như tiên nữ, làm sao có thể để mắt đến tiểu nữ được? Nếu như ông ấy để mắt đến tiểu nữ, tiểu nữ vui mừng còn không kịp nữa là, làm sao lại muốn tự sát được chứ?
Sự thật là bởi tiểu nữ nhận được tin cha của tiểu nữ không biết tại sao lại bị quan viên địa phương dùng gậy đánh đập tra khảo cho đến chết, trong lòng vừa đau khổ lại vừa căm phẫn, vậy nên mới không muốn sống nữa, quả thật không có nguyên nhân nào khác nữa!”.
Quan địa phương nghe xong không có cách nào khác, thất vọng mà ra về.
Vị phú ông này cũng thường hay trải qua những việc tương tự như vậy. Những người trong làng đều bàn tán với nhau rằng: “Người này xem ra đầu óc đần độn ngu si, nhưng tại sao ông ta lại có phúc phận lớn như vậy? Quả thật không sao hiểu nổi”.
Có một lần, tình cờ có người lên đồng viết chữ hỏi chuyện, đề cập đến vấn đề mà mọi người trong làng thắc mắc về chuyện của vị phú ông này. Có lời phán rằng:
“Cách nghĩ của các vị hoàn toàn sai hết cả. Sở dĩ ông ấy có phúc phận như vậy, chính bởi vì ông ấy là một người ngốc. Vị phú ông này đời trước là dân nhà quê chính hiệu. Ông ấy thật thà chất phác, trước sau không có lo nghĩ trong chuyện suy tính thiệt hơn.
Tuy ông ấy cô đơn buồn tẻ một thân một mình, nhưng luôn đối xử bình đẳng với mọi người, trong lòng không yêu không ghét. Lòng dạ ông vô tư, luôn ăn ngay nói thẳng, hành sự quang minh chính đại, không hề thiên vị ai.
Nếu như có người bắt nạt ông, ông cũng không tranh chấp với người ta. Nếu có người dối gạt ông, ông cũng không dối gạt lại. Nếu có người dùng những lời lẽ cay nghiệt phỉ báng ông, lòng ông cũng không giận dữ, cũng không trút giận lên người khác. Nếu có người bịa đặt tội trạng cố ý hãm hại ông, ông cũng không tính chuyện trả thù.
Một đời bình thản thong dong, già chết trong mái nhà tranh, vốn không có công đức gì, chỉ có duy nhất tấm lòng thật thà lương thiện kia, lại được chúng thần khen ngợi! Vậy nên đã ban phúc cho ông, khiến ông đời này hạnh phúc cả đời.
Đời này ông tỏ ra ngu si khờ khạo, chính là nói rõ rằng bề ngoài của ông tuy có khác với đời trước, nhưng bản tính vẫn còn, thiện căn của đời trước vốn không có bị chôn vùi. Các vị dường như đều nghĩ rằng người bất tài vô dụng giống như ông ta, không nên may mắn có được phúc phận lớn như vậy, nếu vậy thì các vị đã nghĩ sai rồi!”.
Những người có mặt ở hiện trường lúc đó, có người tin và cũng có người không tin. Hồ Mục Đình tiên sinh cho rằng: Đoạn bình luận này, rất đáng để mọi người phải suy ngẫm.
(Trích từ “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của Kỷ Hiểu Lam đời nhà Thanh)
Tiểu Thiện, dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung